Bài tham khảo số 4
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bên cạnh những chiến sĩ Trường Sơn cầm sung “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” còn có những cô gái thanh niên xung phong làm nhiệm vụ mở đường. Tuy âm thầm, lặng lẽ song họ cũng góp công lớn trong vinh quang nước nhà. Từ tấm lòng yêu thương, trân trọng tính cách của những cô gái kiên cường ấy, Lâm Thị Mỹ Dạ đã viết Khoảng trời – hố bom. Bài thơ là lời tưởng niệm đầy xúc động về sự hy sinh cao cả của các cô gái mở đường trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Thuở nhỏ, bà hay đưa tôi vào giấc ngủ bằng những câu truyện cổ tích: “ngày xửa ngày xưa …”. Những câu truyện cổ tích có lẽ chỉ là những câu chuyện tưởng tượng, không có thật. Thế nhưng ở đây, Lâm Thị Mỹ Dạ mở đầu bài thơ của mình với: “Chuyện kể rằng …”. Không xa xôi, ảo tưởng mà câu chuyện lại nằm giữa đường Trường Sơn huyền thoại. Đó là câu chuyện về “cô gái mở đường”. Bằng sự gan dạ, quên mình:
Em đã lấy tình yêu tổ quốc của mình thắm lên ngọn lửa
Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Trường Sơn đã trờ thành con đường huyết mạch nối hai miền Nam-Bắc. Cô gái trong bài thơ đã “ đánh lạc hướng thù” để các chiến sĩ thẳng tiến hành quân, tải lương, chuyển đạn … an toàn. “Ngọn lửa” mà cô đã thắp lên lúc ấy tràn đầy sức sống và niềm tin mãnh liệt vào nền độc lập mai sau của nước nhà. Nhưng đối với kẻ thù, đó là ngọn lửa đốt cháy, thiêu rụi những tham vọng điên cuồng, tàn ác của chúng, những trận “mưa” bom xối xả rơi hòng dập tắt ngọn lửa nhỏ nhoi nhưng mạnh mẽ.
Khi bình yên quay về với Trường Sơn, cũng là lúc người con gái trung kiên đã ra đi vĩnh viễn:
Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Đêm đêm tâm hồn em toả sáng
Những vì sao ngời sáng lung linh
Dẫu biết rằng chết là hết, là chấm dứt cuộc sống vật chất trên đời, song với cô gái mở đường trong bài thơ này, cái chết chưa đặt dấu chấm hết cho cuộc đời cô. Cô vẫn sống, vẫn tồn tại trong từng “hố bom”, từng “khoảng trời”. Để rồi, những lúc ấy, tâm hồn cô rực sáng, lại cháy bỏng niềm hy vọng cho tương lai. Có lẽ ở đây, Lâm Thị Mỹ Dạ đã có một cảm nhận sâu sắc, tinh tế. Niềm tin ấy cũng góp phần mang lại vẻ sáng ngời lung linh, huyền diệu của những vì sao trên bầu trời xa xăm kia.
Phép so sánh được các nhà thơ Việt Nam sử dụng khá nhiều. Tuy nhiên, trong bài thơ này, tôi lại thấy Lâm Thị Mỹ Dạ sử dụng thật huyền diệu:
Có phải thịt da em mềm mại trắng trong
Đã hoá thành những vầng mây trắng
Âm thầm, lặng lẽ cống hiến cuộc sống của mình cho Tổ quốc, cho nên khi hy sinh ít người còn nhớ đến cô. Trong những lúc ấy, nhà thơ đã cảm nhận được sự hoá than của cô vào “mây trắng”, màu của hoà bình, của sự vĩnh hằng. “Vầng dương thao thức đi qua “khoảng trời” bé nhỏ trong tâm hồn cô. Nó thao thức điều gì? Có phải ánh sáng hằng ngày mà nó mang đến cho con người vẫn không sáng bằng lòng yêu nước của cô gái? Hay nó than phục cái nét đẹp trong tâm hồn dũng mãnh của cô? Ngay đến cả nhà thơ cũng phải thốt lên thán phục:
Hỡi mặt trời hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường đời
“Trái tim” nồng nàn lòng yêu nước, cộng với bầu khí huyết chảy cuồn cuộn trong tâm hồn cô giờ đang rực sáng, gọi mời sự dũng cảm, gan dạ của mỗi chúng ta. “Mặt trời” ấy đã “soi” cho tôi, nhà thơ và các bạn đi tiếp quãng đường dài trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Lâm Thị Mỹ Dạ có lẽ đã cảm thấy tâm hồn mình quá bé nhỏ, phân vân trước lời mời gọi của nhịp đập đất nước. Bởi thế tâm hồn – trái tim của cô gái mở đường hôm nào nay lại dẫn dắt nhà thơ đi tiếp.
Đường Trường Sơn năm ấy mang tên vị lãnh tụ dân tộc vĩ đại: Hồ Chí Minh. Nhưng với tác giả: “tên con đường là tên em gởi lại”. Con đường ấy gắn với cuộc sống của cô gái. Nó với cô dường như hai sự vật được tạo hoá gắn chặt với nhau. “Con đường đêm ấy khỏi bị thương” là nhờ phần lớn công của cô – người con gái mở đường.
Có thể nhà thơ, tôi và các bạn sẽ chẳng bao giờ hình dung ra được gương mặt của người con gái anh hùng ấy. Dẫu “mỗi người có khuôn mặt riêng”, nhưng chúng ta hãy thử nhắm mắt lại và nghĩ về cô … Tôi chắc rằng tất cả mọi người sẽ gặp nhau tại một điểm khi hình dung về cô: sự gan dạ, anh hùng, quên mình vì sự nghiệp lớn của đất nước.
Khoảng trời – hố bom như đúng với tên gọi của nó, là “khoảng trời” tự do mà ngày hôm nay chúng ta có được đã phải đánh đổi với những “hố bom” chôn vùi, chấm dứt cuộc sống của một con người. Hãy sống sao cho xứng đáng với giá trị của từng “khoảng trời” ấy, bạn nhé!
Toàn bài thơ nói lên sự hy sinh cao cả của cô gái mở đường trong kháng chiến chống Mỹ. Điều đó đã được nhà thơ cảm nhận như là sự hoá thân vào quê hương, đất nước, trong sự vĩnh hằng của thiên nhiên và trong cuộc đời của những con người. Các hình ảnh của bài thơ được xây dựng theo mối liên tưởng về sự chuyển hoá, hoá thân của sự sống con người vào trong thế giới thiên nhiên, gợi ra sự hài hoà và ý niệm về sự bất tử. Trong cái nhìn thấm đầy cảm xúc, mọi sự vật, hình ảnh của thiên nhiên đều chất chứa sự sống của con người, trở nên sâu thẳm thiêng liêng và sức ám ảnh. Đọc xong bài thơ, ta cảm thấy cô gái ấy dường như vẫn còn ở đâu đó quanh ta. Xin cảm ơn Lâm Thị Mỹ Dạ - người con của đất Quảng Bình anh hùng. Dẫu chỉ một lần đọc qua Khoảng trời – hố bom, song ta dễ nhận ra được cô gái thanh niên xung phong ngày ấy là một tấm gương tiêu biểu cho câu tục ngữ “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh…”
Nguồn: LÊ QUANG KIỆT