Top 5 Bài văn phân tích Một chuyện đùa nho nhỏ (Ngữ văn 10) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5

Bài tham khảo số 4

Ngay từ khi còn là một sinh viên học ngành Y, An-tôn Sê-khốp bắt đầu sáng tác truyện ngắn và kịch. Với cách viết đặc biệt "truyện không có chuyện", mở đầu thường dẫn thẳng vào khung cảnh câu chuyện, kết thúc thường mang đến cảm giác hụt hẫng "như chưa có chuyện gì xảy ra cả", truyện ngắn của Sê-khốp đã để lại ấn tượng sâu đậm cho độc giả trên toàn thế giới. Trong đó, "Một chuyện đùa nho nhỏ" được coi là tác phẩm tiêu biểu. Thông qua hồi ức của nhân vật "tôi", tác giả khéo léo bày tỏ suy nghĩ về sự chân thành của lời yêu thương.


Câu chuyện xoay quanh những lần trượt tuyết giữa "tôi" và cô gái có tên là Na-đi-a. Ở lần đầu tiên, trước khi chiếc xe dừng lại ở chân đồi, "tôi" đã kịp thì thào nói "Na-đi-a, anh yêu em". Chính bởi câu nói ấy mà Na-đi-a loay hoay đi tìm sự thật. Cô bỏ qua nỗi sợ, tiếp tục rủ "tôi" cùng trượt tuyết. Vào lúc này, "tôi" không còn sự đồng cảm với Na-đi-a nữa. Anh ta canh chừng thời điểm gió gào rít to nhất rồi mới thì thầm nói "Na-đi-a, anh yêu em". Sau tất cả, Na-đi-a vẫn không thể tìm ra nguồn gốc của lời yêu thương. Kết thúc truyện, nhà văn phác họa nên khung cảnh chia li khi "tôi" phải đi Pê-téc-bua cùng nỗi niềm trăn trở, suy tư mãi về sau. Có thể thấy, từ hồi ức về một kỉ niệm nhỏ bé ở quá khứ gắn liền với nhân vật "tôi", Sê-khốp khéo léo đề cập đến sự chân thành trong cuộc sống, trong tình yêu. Đây cũng chính là chủ đề của tác phẩm.


Trước hết, nhân vật "tôi" không được miêu tả cụ thể về tên tuổi, ngoại hình hay tính cách. Mở đầu câu chuyện, nhà văn trực tiếp dẫn người đọc tới khung cảnh thường xuất hiện trở đi trở lại trong tác phẩm - một ngọn đồi cao. Tại nơi đây, "tôi" đã van nài Na-đi-a trượt tuyết cùng mình. Anh vừa đưa ra lời cam đoan "Tôi cam đoan với cô là chúng ta sẽ chẳng hề gì đâu", vừa cố nài nỉ, đả kích tinh thần cô gái "Việc gì mà sợ! Cô phải biết sợ thế là nhát gan, xoàng lắm cô ạ!". Sau khi thuyết phục được Na-đi-a, "tôi" đỡ cô vào xe rồi vòng tay qua giữ lấy cơ thể đối phương. Một hành động tưởng chừng như rất ga lăng. Ở lần trượt tuyết thứ nhất, khi chiếc xe lao vun vút trong gió mạnh, "tôi" đã thì thào nói "Na-đi-a, anh yêu em". Lời yêu thương được cất lên bằng tiếng nói nhỏ nhẹ, tựa như gió thoảng qua tai. Bởi vậy, sau khi hết sợ hãi, Na-đi-a vô cùng hoài nghi và băn khoăn "Có phải anh nói ra những lời đó không? Có những lời đó hay không?". Song, đối diện với cái nhìn dò xét từ Na-đi-a, "tôi" lại tỏ ra bình thản, đứng bên cạnh và nhìn chăm chú vào chiếc găng tay. Dường như "tôi" đang trốn tránh lời yêu thương, trốn tránh Na-đi-a. Hay phải chăng, anh ta không đủ dũng khí để đối diện với tình cảm của mình? Không ai biết rõ nhưng chắc chắn một điều, sau lần trượt tuyết này, "tôi" đã nảy ra ý định trêu đùa Na-đi-a. Đứng trước cặp mắt buồn râu nôn nóng bồn chồn, nhân vật "tôi" không hề cảm thấy thương xót mà chỉ thầm nghĩ "Ôi, gương mặt đáng yêu của nàng mới ngộ nghĩnh làm sao!".


Tiếp đến, ở lần trượt tuyết thứ hai, "tôi" vẫn đỡ Na-đi-a lên xe. Thấy mặt cô nàng tái nhợt, toàn thân run rẩy nhưng anh không đưa tay ra giữ như lần đầu. Rút kinh nghiệm trước đó, "tôi" trông đợi "lúc chiếc xe lao nhanh nhất, tiếng gió gào ghê gớm nhất" rồi mới khẽ khàng thốt lên "Na-đi-a, anh yêu em". Việc làm này tiếp tục diễn ra ở lần trượt tuyết thứ ba và những lần tiếp theo. Để tránh cái nhìn đăm đăm từ Na-đi-a, "tôi" còn làm hành động dùng khăn tay che miệng, đằng hắng lên mấy tiếng. Thay vì quan tâm tới sự sợ hãi của người bạn đồng hành, "tôi" chỉ chú tâm đến tiếng gió thổi và quãng đường trượt tuyết. Có vẻ như, anh ta coi việc đùa cợt là thứ gì đó vui sướng. Như vậy, khi biến lời yêu thương thành "một chuyện đùa", "tôi" đã dần mất đi khả năng đồng cảm với Na-đi-a. Đồng thời, tự đẩy mình ra xa cô gái. "Tôi" nghĩ Na-đi-a sẽ từ bỏ việc truy tìm sự thật đằng sau câu nói "Na-đi-a, anh yêu em". Nhưng không, Na-đi-a vẫn quyết tâm đi tìm sự thật còn "tôi" trở thành một người nhỏ bé trong đám đông.


Sau cùng, hành động đứng bên hàng rào và ghé nhìn qua khe hở ở cuối truyện đã cho ta thấy được tình cảnh éo le của "tôi". Anh không trực tiếp thổ lộ mà tiếp tục chờ làn gió xuân thổi qua rồi thì thào nói câu quen thuộc. Vào thời khắc xuân sang, cuối cùng, "tôi" cũng tìm lại được sự giao cảm với khát khao hạnh phúc của Na-đi-a. Tiếc thay, anh không đủ dũng cảm để bày tỏ "tiếng lòng" của mình. Để rồi, sau này, khi "chuyện ấy đã qua lâu rồi", tôi vẫn trăn trở không hiểu tại sao bản thân lại nói những lời đó và đùa cợt như thế. Đồng thời, nuối tiếc về mọi chuyện. Có thể nói, "tôi" đã không ý thức được tầm quan trọng, sự chân thành của lời yêu thương. Chính "tôi" là người biến tình yêu của mình, của Na-đi-a thành "một chuyện đùa nho nhỏ". Kết cục, "tôi" phải nhận lấy mất mát sau tất cả mọi chuyện. "Tôi" vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân do chính câu chuyện mà bản thân sắp đặt và tạo nên.


Bên cạnh nhân vật "tôi", nhà văn Sê-khốp còn hướng ngòi bút tới cô gái Na-đi-a. Trong tiếng Nga, tên của cô có nghĩa là niềm hi vọng. Cái tên đã góp phần thể hiện một phần con người Na-đi-a. Lần đầu nghe thấy câu nói "Na-đi-a, anh yêu em", cô vô cùng băn khoăn "Có phải anh nói ra những lời đó không? Có những lời đó hay không?". Cô nhìn "tôi" bằng ánh mắt chăm chăm, cảm xúc dường như có chút rối loạn. Để truy tìm nguồn gốc của lời yêu thương, Na-đi-a đã vượt lên nỗi sợ, rủ "tôi" cùng lao dốc. Cứ sau mỗi lần trượt tuyết, cô lại im lặng, nghĩ về điều bản thân nghe thấy. Gương mặt lúc nào cũng toát lên sự hoài nghi không biết ai đã nói câu "Na-đi-a, anh yêu em". Trong thâm tâm Na-đi-a hiện lên vô vàn câu hỏi "Điều gì đã xảy ra? Ai nói những lời ấy? Anh ấy hay là chỉ do ta nghe được" và những phủ nhận "Không, gió không thể nói được những lời ấy! Mà mình cũng không muốn tin rằng gió đã nói những lời ấy". Na-đi-a tỏ ra băn khoăn cực điểm về lời yêu thương. Cô hoài nghi nó có tồn tại hay không hay chỉ đơn thuần là tiếng lòng của chính cô mà thôi. Cô hi vọng câu nói kia là do "anh ấy nói" chứ không phải "gió nói", để từ đó khẳng định điều bản thân nghe thấy là sự thực. Ở lần trượt tuyết một mình, dù mặt mũi tái nhợt, cả người run rẩy nhưng Na-đi-a vẫn ngồi lên chiếc xe. Cô gạt bỏ nỗi sợ tận sâu bên trong để quyết tâm truy tìm sự thực "thử xem có còn nghe thấy những lời ngọt ngào say đắm ấy nữa không". Và vào chính thời khắc này, Na-đi-a đã biến "tôi" trở thành một kẻ tầm thường giữa đám đông. Có thể thấy, niềm khát khao hạnh phúc luôn dâng trào trong con người Na-đi-a.


Thông qua hai nhân vật "tôi" và Na-đi-a, tác giả khéo léo gửi gắm thông điệp về sự chân thành của tình yêu thương. Việc biến câu nói "Na-đi-a, anh yêu em" thành "câu chuyện đùa" đã khiến "tôi" bỏ lỡ cơ hội đón nhận hạnh phúc và nhận về sự tiếc nuối, day dứt. Câu nói đùa cợt ấy cũng góp phần thúc đẩy Na-đi-a đi tìm nguồn cơn sự thật. Như vậy, hai nhân vật chính dường như đứng ở thế đối lập nhau: một người đùa giỡn với tình yêu còn một người khát khao, trân trọng tình yêu.


Bằng ngôn từ giản dị, lời văn trong sáng cùng lối kể chuyện độc đáo - lời người kể xen lẫn với độc thoại nội tâm, Sê-khốp đã mang đến một câu chuyện thật hay và hấp dẫn. Từ đây, nhà văn mong muốn chúng ta sẽ biết sống, yêu thương một cách chân tình, thành tâm hơn. Đừng để mọi chuyện trở thành niềm tiếc nuối, day dứt khắc sâu trong tâm trí.


Đọc nhan đề "Một chuyện đùa nho nhỏ", ta tưởng như đây sẽ là một câu chuyện nhẹ nhàng song hoàn toàn ngược lại. Hành động của nhân vật "tôi" đã nhắc nhở độc giả phải suy ngẫm, trăn trở nhiều hơn về cuộc sống, về những thứ bình dị quanh mình. Mong rằng, qua truyện ngắn này, mỗi người sẽ có cách ứng xử đúng mực và phù hợp.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 5 Bài văn phân tích Một chuyện đùa nho nhỏ (Ngữ văn 10) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |