Bài tham khảo số 4
Đề tài về người bà, người mẹ, dường như đã trở thành một đề tài quen thuộc trong thơ ca, nhất là thơ ca kháng chiến, những người bà, người mẹ ấy hiện lên dung dị mà cao lớn vĩ đại với một tình cảm bao la. Hiểu được sâu sắc ý niệm đó, Xuân Quỳnh viết bài thơ “Tiếng gà trưa” về người bà kính yêu của mình. Đọc bài thơ, người đọc không khỏi xúc động trước tình cảm bà cháu mộc mạc mà đậm đà.
Hình ảnh người bà trong kí ức Xuân Quỳnh dường như gắn liền với kỉ niệm về tiếng gà trưa vô cùng đậm nét, nên khi nghe tiếng gà “cục ta cục tác” vọng ra từ một khu xóm nhỏ trên con đường hành quân, bao nhiêu kỉ niệm tuổi thơ bên người bà kính yêu đã ùa về:
Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ:
“Cục... cục tác cục ta”
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ
Tuổi thơ ấy là tuổi thơ tươi đẹp bên bà, bên “ổ trứng hồng của tuổi thơ”, một tuổi thơ êm đềm, hồng tươi trong sự bảo bọc của bà. Trong không gian kí ức xa xăm nhuốm màu tươi tắn ấy, bà của Xuân Quỳnh hiện lên thật mộc mạc, giản dị qua tiếng mắng yêu:
- Gà đẻ mà mày nhìn
Rồi sau này lang mặt!
Hình ảnh bà không hề xa lạ, lí tưởng hóa mà vô cùng thân thuộc, giản dị. Cả bài thơ cũng không hề có một cử chỉ, suy nghĩ, lời nói trực tiếp nào thể hiện tình yêu thương của bà dành cho cháu nhưng qua sự tảo tần chăm đàn gà hàng ngày của bà mà người đọc thấm thía biết bao tấm lòng của người bà:
Tiếng gà trưa
Tay bà khum soi trứng
Dành từng quả chắt chiu
Cho con gà mái ấp
Cứ hàng năm hàng năm
Khi gió mùa đông tới
Bà lo đàn gà toi
Mong trời đừng sương muối
Đối với những người dân quê nghèo, đàn gà là một tài sản tuy không lớn nhưng cũng gánh một phần nào những lo toan trong gia đình và nên mất đàn gà cũng là một mất mát không hề nhỏ. Đặc biệt là đối với người bà trong bài thơ, đó còn là một chút niềm vui tuổi thơ của đứa cháu nhỏ:
Để cuối năm bán gà
Cháu được quần áo mới
Ôi cái quần chéo go
Ống rộng dài quét đất
Cái áo cánh chúc bâu
Đi qua nghe sột soạt
Mọi sự lo toan, vất vả của bà dành cho đàn gà cũng chỉ để đổi lấy cho cháu bộ quần áo mới cuối năm với cái quần chéo go, cái áo chúc bâu để cháu có cái tết tròn đầy, món quà tuy nhỏ nhưng chứa đựng không biết bao nhiêu mồ hôi công sức cũng như tình yêu thương vô bờ của bà.
Biết được tình cảm ấy, người cháu không khỏi cảm động và yêu thương biết bao người bà của mình để khi nhớ về những kỉ niệm bên bà, nhớ về sự tần tảo sớm hôm của bà, nhớ về tình yêu thương của bà, Xuân Quỳnh dâng lên một lòng quyết tâm sâu sắc:
Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ
Hình ảnh người bà bé nhỏ nhưng đã được nâng lên ngang tầm với tổ quốc lớn lao. Phải chăng tình yêu tổ quốc của tác giả là bắt nguồn từ chính tình yêu với làng xóm, tình yêu với bà, lòng quyết tâm đánh đuổi quân giặc là bởi sự thúc giục của những tình cảm hết sức bình dị mà lớn lao ấy.
Bài thơ là tình cảm bà cháu hết sức chân thành, giản dị mà không kém phần lớn lao. Chính những tình cảm giản dị ấy đã kết tinh lên thành tình yêu tổ quốc của biết bao nhiêu thế hệ, là động lực cho mỗi bước chân nhà thơ trên con đường hành quân dài còn nhiều gian lao thử thách.