Bài tham khảo số 4
Nguồn cảm hứng của bài thơ bắt đầu từ hình tượng những chiếc xe của “Tiểu đội xe không kính”. Tên bài thơ vừa độc đáo, vừa hiện thực, để lại ấn tượng mạnh cho người đọc. Xe vốn có kính;đó là chuyện bình thường. Chính ở chỗ không bình thường “xe không kính” mới là ngọn nguồn để tạo nên thơ. Vì sao lại có sự không bình thường ấy? Vì sao có cả một “tiểu đội xe không kính”? Không đứng ở vị trí quan sát ngoài cuộc, tác giả đứng ở vị trí người chiến sĩ của con đường Trường Sơn, hóa than vào tâm hồn người lính lái xe để tự trả lời và tâm sự.
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Với lối giải thích tự nhiên, đơn giản, câu thơ giàu chất văn xuôi, tác giả cho ta ngầm hiểu sau lời thơ đó là một điều khác: đâu phải tự nhiên xe không có kính. Lý do xe không kính là vì “Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”. Thể thơ tự do phóng khoáng, hình ảnh cụ thể, nhịp thơ hai, hai, bốn biến đổi theo giọng thơ. Tác giả đã nêu lên hiện thực ở chiến trường, súng đạn quân thù đã làm “Kính vỡ”. Trong hoàn cảnh chiến tranh, các người lính lái xe vẫn lái những chiếc xe thiếu kính chắn gió ra trận.
Nếu câu trên đọc lên có cái gì đó ngộ nghĩnh thì đọc đến câu sau lòng ta bỗng chùng xuống. Bom giật , bom rung, sức mạnh tàn phá luôn dội xuống con đường, dội xuống cuộc sống như muốn phá vỡ, muốn làm trụi tất cả. Qua cái nhìn của người chiến sĩ lái xe, sự hủy diệt của cuộc chiến tranh ở Trường Sơn là thế.
Nhưng, nhìn nhận cuộc chiến tranh ấy, dẫu nó tàn bạo, trong hai câu thơ vẫn không có một từ, một âm thanh, ẩn ý nào nói lên nỗi khiếp sợ, cay đắng. Người chiến sĩ nhắc đến chiến tranh như một yếu tố ngoại cảnh, một thách thức để chủ yếu là nói đến thái độ của mình. Qua cách giới thiệu hình ảnh tiểu đội lái xe , bằng lời thơ bình tĩnh, tự tin, hình ảnh với ngôn ngữ chân thật, tác giả ca ngợi phẩm chất, tinh thần của người lính “Ung dung…nhìn thẳng”
Những câu thơ nhanh gấp mà vẫn nhịp nhàng như bánh xe đang lăn trên đường. So với ý của hai câu trên , ý ở hai câu này có sự đối lập. Đó là hoàn cảnh chiến trường đối lập với lại tư thế của người chiến sĩ. Chiến trường “Bom giật, bom rung” dội xuống ác liệt, hiểm nguy mà anh lính vẫn ung dung “ngồi đúng vị trí trong “buồng lái” đưa xe vượt Trường Sơn”. Câu thơ như bật ra từ trái tim người chiến sĩ lái xe sau tay lái. Các anh có bình tĩnh, ung dung thật không? Chỉ không lo âu khắc khoải, chỉ có ung dung các anh mới “nhìn” và “thấy”.
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Cách ngắt nhịp hai, hai, hai khắc họa thái độ, tư tưởng người lính. Họ quyết tâm, tin tưởng vượt qua gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ. “Nhìn đất, nhìn trời” nghĩa là rất ung dung, hiên ngang. “Nhìn thẳng” là nhìn về phía trước, nhìn vào con đường đi, nhìn vào nhiệm vụ của người lính lái xe, nhìn vào mục đích của cuộc chiến đấu. Như thế, bom cứ giật, cứ rung, con đường đi tới, ta cứ đi!