Bài tham khảo số 4
Nhắc đến Bằng Việt, không ai là không nhắc đến Bếp lửa. Bếp lửa như một thứ gì đó âm ỉ nhưng không bao giờ tắt vì nó là tất cả những gì nhà thơ có của một thời tuổi thơ của mình. Bằng Việt sáng tác ra bài thơ Bếp lửa trong những tháng năm xa nhà, ở một đất nước xa xôi, nơi mà con người ta cảm thấy cô đơn và dễ hoài niệm. Ông đã có những kỷ niệm với biết bao nhiêu gian khổ cùng người bà yêu dấu của mình, những kỷ niệm đã đi cùng ông cho đến cả cuộc đời sau này.
Con người ta có xa nhà, có cô đơn mới chợt nhớ về những người thân thương, nơi mà những con người đó mang đến cho ta những kỷ niệm đáng giá. Và với Bằng Việt cũng vậy, những năm tháng chiến tranh đã cho ông có được những kỷ niệm khắc cốt ghi tâm với người bà, ông lớn lên từ những câu chuyện bà kể, những việc bà dạy và cả những bài học bà chỉ.
Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu bà còn nhớ không bà
Bà hay kể những ngày ở Huế
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!
Mẹ cùng cha công tác bận không về
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,
Tu hú ơi! chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?
Âm thanh của tiếng chim tu hú quen thuộc ở chốn đồng quê mỗi độ hè về cứ vang vọng, réo rắc cuộn xoáy vào trong lòng của người con xa xứ. Âm thanh của tú hú kêu được tái hiện trong những cung bậc và cảnh huống khác nhau: khi thì từ cánh đồng xa vọng lại (Tu hú kêu trên những cánh đồng xa) gợi lên một không gian rộng lớn, mênh mông và vắng lặng; khi thì lại rộn lên khắc khoải, da diết khiến lòng người trỗi lại những hoài niệm xa xăm (Khi tu hú kêu bà còn nhớ không bà/ Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế); khi thì lại gióng giả, kêu hoài đến khô khan, lạnh vắng trên những cánh đồng xa xôi, heo hút (Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa)... Tiếng chim tu hú trở thành điệp khúc chủ âm của những dòng hoài niệm hồi tám tuổi, có tác dụng khắc họa không gian sống vắng lặng, heo hút, mênh mông; lại vừa gieo vào lòng người đọc một nỗi buồn trống trải đến da diết, rợn ngợp. Tuy nhiên, tuổi thơ của người cháu vẫn thấm đẫm tình cảm yêu thương, đùm bọc cưu mang của người bà yêu quý. “Mẹ và cha công tác bận không về” và hai bà cháu nương tựa vào nhau. Bên bếp lửa, bà kể chuyện cho cháu nghe, bà bảo ban, dạy dỗ và chăm cháu học. Các động từ: “bà bảo, bà dạy, bà chăm” đã diễn tả một cách sâu sắc và thấm thía tình yêu thương bao la, chăm chút của người bà dành cho người cháu.
Vì thế, bà trở thành ngọn nguồn ấm áp, vỗ về, nuôi nấng, chở che, giữ gìn tổ ấm gia đình và bà là sự kết hợp thiêng liêng cao quý của tình cha, nghĩa mẹ, công thầy trong những chuyến đi xa bận công tác của bố mẹ. Cho nên, người cháu luôn ghi lòng tạc dạ đức công ơn trời bể ấy của bà: “Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc”. Chỉ một mình chữ “thương” thôi cũng đã đủ gói ghém tất thảy tình yêu thương, sự kính trọng và niềm biết ơn sâu nặng mà người cháu dành cho bà của mình.