Bài tham khảo số 3
Nói đến thơ Xuân Diệu không thể không nhắc đến những cảm xúc bâng khuâng nhớ nhung, yêu thương tha thiết mãnh liệt. Bởi vậy mà khi thưởng thức tập Thơ thơ, người đọc vừa bất ngờ, ngạc nhiên xen lẫn thú vị, tò mò khi bắt gặp một tác phẩm thơ rất nhẹ nhàng, dịu dàng từ ý tới lời: Thơ duyên.
Những ai đã từng bị cuốn hút trước bức tranh thu vàng của họa sĩ người Nga Levitan, từng rung động khi thấy cảnh tượng con nai vàng ngây thơ, ngơ ngác trong rừng thu của nhà văn Lưu Trọng Lư thì không thể không động lào xao xuyến trước khung cảnh một chiều thu thơ mộng trong Thơ duyên của Xuân Diệu.
“Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên
Cây me ríu rít cặp chim chuyền
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá
Thu đến, nơi nơi động tiếng huyền.”
Qua bài thơ, tác giả muốn thể hiện tình yêu của mình, không chỉ là tình yêu đôi lứa, ở đây tình yêu trong tác phẩm còn mang nghĩa rộng lớn hơn. Chính là tình yêu dành cho cuộc sống, cho vạn vật, cho đất trời, đồng thời nhà thơ cũng phát hiện ra mối nhân duyên, sự gắn bó, liên kết kì diệu, hài hòa tuyệt vời giữa con người với cỏ cây hoa lá, giữa vũ trụ với cuộc đời, giữa thời gian với không gian bao la,... Trong khung cảnh hữu tình ấy, mùa thu hiện ra thật thơ mộng, đẹp đẽ:
“Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên
Cây me ríu rít cặp chim chuyền”
Trong đôi mắt của người thi sĩ đa tình, ta nhận thấy buổi chiều mùa thu đã biến thành “chiều mộng”. Qua đó gọi cho độc giả thấy vẻ đẹp gợi cảm giác êm đềm, yên ả. Những cành cây tưởng trừng như vô tri vô giác giờ đây cũng vươn lên làm “nhánh duyên”. Quả thật, đây là một khung cảnh tuyệt vời, vạn vật được hòa quyện vào nhau tạo nên sự “hòa thơ”. Với việc sử dụng từ mới lạ kết hợp cùng các câu thơ tả cảnh nhưng thấm thía, đậm tình, đã đem lại cảm giác ảo diệu. Đi tiếp giữa chiều thi thơ mộng, trong không gian thanh bình ấy, ta bỗng nghe tiếng chim ríu rít cùng đùa vui. Một cảnh tượng thật bình yên, hạnh phúc làm sao từ đó tạo thành 1 niềm vui nhỏ bé dịu dàng mà ấm áp. Chỉ với hai câu thơ đầu, bằng tài năng của mình, nhà thơ đã rất khéo léo và tinh tế trong việc họa nên bức tranh thu đầy nhạc tính, đó là một khúc nhạc khai mạc mang các nốt trầm du dương, êm dịu giúp cho khung cảnh trở nên dịu dàng. Những hình ảnh thắm màu như từ nhánh cây xanh cho đến sắc trời “xanh ngọc” tươi trẻ cũng được nhà thơ ghi lại một các rõ nét. Khi ấy, dưới mặt đất, vạn vật đang cùng nhau hòa vang khúc hoan ca:
“Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá.”
Tác giả đã rất tinh tế khi sử dụng động từ “Đổ” qua đó cảnh làm cho cảnh vừa chân thật lại rất thơ mộng. Màu xanh ngọc của sắc thu cùng hồn thu hòa lẫn thêm sắc xanh của “muôn lá”. Giờ đây người thi sĩ cũng phải thẫn thờ, choáng ngợp trước sắc thu đẹp mộng mơ, không kiềm chế được mà thốt lên một lời ngợi ca:
“Thu đến, nơi nơi động tiếng huyền”
Trong những giây phút đầu tiên của mùa thu, cả không gian như được bao trùm bởi ánh nắng tinh khôi, thuần khiết, bởi màu xanh tươi tắn, trinh nguyên chan hòa cùng khúc nhạc du dương. Giờ đây, thiên nhiên dường như cũng đang cất lên một bản giao hưởng đến từ tiếng chim, từ tiếng đàn ở xa kia vọng lại. Một lần nữa, tác giả Xuân Diệu muốn khẳng định rằng: mùa thu đã thật sự tới rồi, ta hãy dừng lại để hưởng thụ trọn vẹn mùa thu cũng chính là đang lắng nghe sự di chuyển của đất trời. Sự tương giao đó diễn ra một cách cực kì khẽ khàng, đó là một sự “hòa thơ”, dường như cảnh vật đang cùng nhau dạo cùng khúc ca duyên và hòa quyện với nhau. Đất trời cùng giao hòa cùng gắn bó: “chiều mộng” có “nhánh duyên”, “cây me” hòa duyên cùng “chim”, ánh sáng xen kẽ đan vào muôn khe lá… Cảnh thu thật hài hòa, thơ mộng, từng đường nét, từng sắc màu thật tươi sáng, dịu dàng, tạo nên bức tranh chiều thu thơ mộng, đầy quyến rũ.
Chỉ với bốn câu thơ, tác giả Xuân Diệu đã thành công phác họa nên một bức tranh chiều thu thật thơ mộng, sinh động, huyền ảo nhưng vẫn mang vẻ đẹp chân thực của một chiều thu nơi thôn dã, giản dị, yên bình. Mọi vật đều chuyển động một cách nhịp nhàng, hòa quyện vào nhau. Cùng viết về đề tài mùa thu, nhưng ở trong thơ của Xuân Diệu chỉ với những hình ảnh đơn giản mộc mạc đã soạn nên bản nhạc dạo mở đầu khởi xướng cho bài ca thu. Sau khi đọc xong tác phẩm, người đọc như thấy có mối lương duyên giao hòa thầm kín nào đó đang, mời gọi con người tới khám phá, tới trải lòng.