Bài tham khảo số 3
Các loại hình nghệ thuật truyền thống luôn mang sức hút rất riêng đối với nhiều thế hệ. Có thể kể đến chèo, tuồng, hát xẩm,... Chúng là phương tiện hiệu quả để đưa con người đến gần hơn với văn học. Rất nhiều bài học đạo đức giá trị cũng từ đó được truyền tải một cách sống động và hiệu quả hơn. Một trong số những vở chèo nổi tiếng nhất phải kể đến là "Thị Mầu lên chùa" (trích "Quan Âm Thị Kính"). Kịch bản chèo kinh điển này đã đem đến cho người đọc cái nhìn, sự đánh giá về người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.
Đầu tiên, có thể thấy tác phẩm đã hướng đến đề cao sự trong sạch, chuẩn mực của người phụ nữ, đồng thời phê phán thói lẳng lơ, phóng túng, đi ngược lại những giá trị đạo đức tốt đẹp xã hội đề ra. Có thể thấy rất rõ tư tưởng đó qua hình tượng hai nhân vật Kính Tâm và Thị Mầu.
Thị Mầu vốn là con gái phú ông - một xuất thân có thể gọi là cao quý thời đó. Thế nhưng, nàng ta lại đại diện cho sự nổi loạn, đi ngược với giá trị đạo đức tốt đẹp mà xã hội đề ra. Ở nơi đình, chùa thiêng liêng, Mầu vẫn buông được lời chọc ghẹo, ve vãn, tán tỉnh chú tiểu. Thậm chí, thị còn xông ra nắm tay để bộc lộ tình cảm với Kính Tâm, khiến Kính Tâm phải chạy. Ta cũng dễ nhận ra được quan niệm tình yêu rất "lệch chuẩn", phóng khoáng của Mầu qua câu hát trêu ghẹo: "Thầy như táo rụng sân đình/Em như gái rở, đi rình của chùa", "Ấy mấy thầy tiểu ơi!/Song đứng trước cửa chùa/...Trúc xinh trúc mọc sân đình/Em xinh em đứng một mình chẳng xinh!". Những chi tiết ấy đã vẽ nên một hình tượng nhân vật nữ mới lạ, nổi loạn trong xã hội phong kiến khắt khe lúc bấy giờ.
Trái lại, Kính Tâm vốn là con gái của một nông dân nghèo, được giả vào gia đình khá giả. Tuy nhiên biến cố xảy ra khiến nàng Thị Kính phải giả trai, xin vào chùa tu hành. Với vẻ đẹp thanh tú, điềm đạm, "đẹp như sao băng", nàng đã thu hút được sự chú ý của con gái phú ông. Trước những lời ong bướm cùng hành động sỗ sàng của Thị Mầu, Kính Tâm vẫn một mực giữ phép tắc. Lời nói của nàng chuẩn chỉnh, hành động thì đường hoàng, ngay thẳng. Tất cả đã tạo nên hình tượng một con người nề nếp, gia giáo, đại diện cho những người phụ nữ đức hạnh.
Qua sự đối lập trong tính cách, hành động đó, ta thấy được rõ ràng thái độ khen - chê mà tác giả hướng tới nhân vật. Sự trái ngược trong cái nhìn về đào thương và đào lẳng cũng góp phần đẩy câu chuyện phía sau lên cao trào. Thị Mầu chính là đại diện cho người phụ nữ nổi loạn còn Thị Kính đại diện cho người phụ nữ đức hạnh, thanh cao. Càng phê phán, chê trách Thị Mầu bao nhiêu, ta lại càng thêm đồng cảm và trân quý Kính Tâm bấy nhiêu.
Tác phẩm thành công không chỉ về nội dung chủ đề mà còn về cả mặt nghệ thuật. Với những kịch bản chèo, nhân vật chủ yếu sẽ được khắc họa qua lời thoại và hành động. Ở đoạn trích "Thị Mầu lên chùa", ta thấy chủ yếu là lời thoại của Thị Mầu. Nó thể hiện sự sỗ sàng, không kiêng nể của người phụ nữ phóng túng, lẳng lơ. Trong khi lời của Kính Tâm xuất hiện rất ít, thưa thớt, mang đến cảm giác điềm tĩnh, mực thước, thậm chí có chút né tránh. Cùng với tiếng đế được chèn xen kẽ, người đọc dễ dàng cảm nhận rõ hơn về những điều phải - trái, đúng - sai đang diễn ra. Tác phẩm đã sử dụng chất liệu ca dao thân thuộc, kết hợp cùng những biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ. Nhờ đó, nó lại càng dễ dàng đi vào trong trí nhớ của người đọc.
Với những yếu tố nghệ thuật đặc sắc như vậy, đoạn trích đã làm nổi bật lên mâu thuẫn hay chính là sự khác biệt giữa hai nhân vật nữ. Cái nhìn, sự đánh giá của tác giả cũng như của chính người đọc được thể hiện hết sức rõ ràng qua rất nhiều tiếng đế. Nhờ vậy mà tác phẩm kịch trở nên thu hút, gây tò mò hơn cho độc giả ở mọi thế hệ. Và đến khi vở chèo được diễn xướng, đưa lên sân khấu, nó sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn đối với người xem. Tất cả đã góp phần giúp nâng cao giá trị tác phẩm, làm giàu và làm đẹp cho kho tàng nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Đoạn trích "Thị Mầu lên chùa" tuy chỉ là một phần của tác phẩm gốc "Quan Âm Thị Kính" nhưng đã thể hiện rất rõ quan điểm, thái độ của dân gian về người phụ nữ. Ngày nay, xã hội đã phát triển và hội nhập với thế giới. Quan niệm về tình yêu của con người cũng đã thay đổi, không còn quá khắt khe như trong thời phong kiến. Tuy vậy ta vẫn cần giữ cho bản thân những đức tính tốt đẹp, nghiêm chỉnh, chuẩn mực của người phụ nữ phương Đông. Ta có thể thoải mái thể hiện mình, bày tỏ tình yêu, sự thích thú, chỉ cần nó không đi ngược lại các quy chuẩn đạo đức chung mà cộng đồng đề ra.