Bài tham khảo số 3
Vở chèo “Quan Âm Thị Kính” là một trong bảy vở chèo nổi tiếng của chèo cổ Việt Nam. Bên cạnh trích đoạn tiêu biểu như “Thị Mầu lên chùa”, “Xã trưởng – Mẹ Đốp” cũng là một lớp chèo nổi bật, thu hút được sự chú ý của mọi người. Bằng nghệ thuật châm biếm sắc sảo, tác giả dân gian đã phơi bày bộ mặt thối nát của tên xã trưởng – kẻ đại diện cho giai cấp thống trị trong xã hội phong kiến.
Chẳng cần phải sử dụng đến bất cứ lời phán xét nào, tác giả vẫn khiến cho người đọc nhận ra được bản chất đê hèn của tên xã trưởng bằng cách để cho nhân vật tự giới thiệu về bản thân mình:
“Tại dân vi tổng lí
Quốc pháp hữu công hầu
Ơn dân xã thuận bầu
Tôi đứng đầu hàng xã
Nay cơ chừng động mả
Thị Mầu đã hoang thai
Chiểu lệ làng ngả vạ không sai
Bắt khoán cứ một trăm quan quý”
Hắn đạo mạo, huênh hoang nói rằng dân phải có xã trưởng cai quản, cũng như nước có quan điều hành. Vì nhận được sự tín nhiệm của người dân nên hắn có cơ hội đứng đầu một xã. Thị Mầu không chồng mà chửa được mọi người trong làng coi là “động mả”. Bởi lẽ ấy, tên xã trưởng mới bắt Thị Mầu phải nộp “một trăm quan quý”, chiểu theo lệ làng.
Hắn không những coi mình là nhất mà còn khinh thường người khác. Khi mẹ Đốp nói chồng mình đang lên tỉnh lĩnh bằng, xã trưởng liền lên giọng dè bỉu “Làm cái thứ mõ thì bằng với sắc cái gì?”. Chỉ đến lúc mẹ Đốp trả lời “Dạ, bố cháu cắp tráp theo hầu cụ Bá lên tỉnh lĩnh bằng rồi ạ” thì hắn mới thôi “Có chăng thì thế!”.
Mặc dù làm quan nhưng tên xã trưởng lại có phần ngu muội, thường bị mẹ Đốp chơi xỏ, nói móc. Dẫu vậy, hắn vẫn cố diễu võ dương oai: “Con này láo! Mày vất tao đi mà trước bảo dân tao à?”.
Tên xã trưởng luôn rơi vào tình thế bị động, ban đầu thì lớn tiếng dọa nạt, sau nghe lời phân bua, giải thích của mẹ Đốp lại thấy hợp tình, hợp lí mà dịu giọng trở lại “Ờ con mẹ Đốp nó nói thế mà có lí!”, “Kìa, có nhấc cao cái dải yếm lên không, uế tạp hết mồm tao còn gì?”. Chắc hẳn, tên xã trưởng còn là người kém chữ bởi mẹ Đốp đọc bài thơ mõ, hắn cũng cho đó là thơ hay.
Sống trong xã hội phong kiến mục ruỗng, thối nát, tên xã trưởng cũng trở thành kẻ ô lại. Cái tính háo sắc thể hiện rõ qua từng lời xã trưởng nói ra. Hắn chẳng ngại ngần tán tỉnh, khen ngợi mẹ Đốp: “Nhà Đốp lớp này xem ra bảnh gái dễ coi lắm nhỉ?”. Thậm chí còn nhân cơ hội gạ gẫm chuyện trai gái, trăng hoa “Tốt nái gớm nhỉ! Này, nhà Đốp! Hôm nào mát giời, tao sang gửi mày một đứa nhá!”. Đây thật là một tên quan thiếu đứng đắn làm sao!
Khi nhận ra mình bị mụ đàn bà chơi một vố đau, hắn cậy đà, bắt nạt, đánh mẹ Đốp. Giống như mọi tên quan lúc bấy giờ, hắn cũng sợ bản thân bị mang tiếng “xấu”. Chính vì vậy, ngay khi mẹ Đốp vừa kêu làng, hắn liền van xin, lạy lục “Thôi, thôi! Lọt tai làng sang tai họ bây giờ! Nín đi!”. Không còn vẻ hợm hĩnh, lên mặt, tên xã trưởng trở nên rúm ró lạ thường, để lộ ra bản chất nhu nhược, hèn nhát.
Để bịt mồm, bịt miệng mẹ Đốp, hắn đành phải dùng chiêu đút lót “Thôi, tao xin mày! Rồi tao đền cho thúng thóc! Đi rao đi!/ Nhớ vào mờ bằng được cụ Đồ Điếc, nhớ đấy nghe không?”.
Như vậy, bằng lời nói và hành động, tác giả dân gian đã khắc họa nhân vật một cách rõ nét và chân thực. Tên xã trưởng hiện lên với đầy đủ sự xấu xa, thô lỗ. Thông qua nhân vật, tác giả dân gian muốn đả kích, châm biếm những tên quan háo sắc, thiếu đứng đắn trong xã hội.
Có thể nói, bên cạnh nhân vật mẹ Đốp, nhân vật xã trưởng cũng là nhân vật chính của toàn bộ đoạn trích “Xã trưởng – Mẹ Đốp”. Từ những gì mà nhân vật thể hiện, ta càng hiểu thêm bản chất của một bộ phận quan lại trong thời kì phong kiến. Qua đó, đồng cảm với nỗi niềm của người dân.