Bài tham khảo số 3
Tác phẩm “Hương thầm” ra đời vào năm 1969 và cùng bài “Xóm đê” của Phan Thị Thanh Nhàn được tặng giải nhì Cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ 1969-1970. Hoàn cảnh ra đời bài thơ nhân duyên từ chuyện có thực ngoài đời. Nhà Phan Thị Thanh Nhàn ở Yên Phụ, Hà Nội, sau vườn có cây bưởi đào. Người em trai là Phan Hữu Khải thường nhặt hoa bưởi bỏ vào túi xách của chị và “hình như” anh cũng có tình cảm với cô hàng xóm mà không dám ngỏ. Sau đó anh Khải nhập ngũ và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ…
Nỗi nhớ thương em trai trở thành “kích nổ” để Phan Thị Thanh Nhàn viết nên bài thơ. Năm 1984, “Hương thầm” bước vào âm nhạc qua đồng điệu và thổi hồn của nhạc sĩ Vũ Hoàng. “Hương thầm” tiếp tục thăng hoa, nồng nàn đến tận hôm nay. Nữ thi sĩ tài hoa sinh năm 1943, đảm nhận viết báo, biên tập văn nghệ… và đã vinh dự được tặng Giải thưởng Nhà nước Văn học nghệ thuật năm 2007.
“Hương thầm” của Phan Thị Thanh Nhàn không còn là sự giao cảm của nhà thơ về hai con người cụ thể nữa, nó vượt lên tầm khái quát về một thế hệ. Ở đó, cuộc sống đẹp, “chân nhân” bởi yêu trong thầm kín, dịu dàng, nồng nàn, lãng mạn. Bắt đầu từ cánh cửa sổ của hai nhà hàng xóm “không khép bao giờ”. Chẳng khép để hoa bưởi gần đó đưa hương vào nhè nhẹ.
Hoa bưởi đã đi vào văn chương trước đó, từ ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa”, đến những dòng của thi sĩ “chân quê” Nguyễn Bính (Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng/Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng). Đến Phan Thị Thanh Nhàn, hoa bưởi trở thành đối tượng thẩm mỹ suốt trục chính bài thơ. Hương hoa bưởi là tín hiệu của khát vọng, của yêu thương, của bền chặt. Câu chuyện được nhà thơ dẫn dắt đến thật khéo:
“Giấu một chùm hoa sau chiếc khăn tay,
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm,
Bên ấy có người ngày mai ra trận”
Ai sống vào thời những năm 60-70 của thế kỷ trước ở miền Bắc thì hiểu được ý nghĩa của chiếc khăn tay mùi-soa. Đó là kỷ vật thiêng liêng mà cô gái ở hậu phương thường mang tặng khi chàng trai lên đường ra trận. Khăn là gửi gắm yêu thương, khăn là thề hẹn. Khăn cũng là nguồn động viên chia sẻ với chàng trai để vượt qua những thời khắc gian khổ chiến tranh…
Chiếc khăn nhỏ nhắn, thường được các cô gái tự tay chăm chút móc viền, rồi thêu lên đó biểu tượng, bông hoa, và cả con chữ cùng đôi chim bồ câu hòa bình – hạnh phúc. Ở bài thơ, Phan Thị Thanh Nhàn còn phát hiện chiếc khăn mà cô gái hàng xóm, cùng lớp với chàng lính trẻ khi trao tặng đã ủ hương nồng nàn hoa bưởi nữa kia. Thật ý nhị!
Việc trao tặng chiếc khăn còn biểu đạt sự e lệ của cô gái cái thời “trao lời khó trao”. Không gian giữa hai người dường quánh lại. Có lẽ, “đỉnh cao của âm thanh là không lời”. E ấp, ngập ngừng bao trùm:
“Họ ngồi im không biết nói năng chi
Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi”
Sự lúng túng giữa hai người được đẩy lên và càng tinh tế:
“Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối
Anh không dám xin,
Cô gái chẳng dám trao
Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao
Không giấu được cứ bay dịu nhẹ”.
Không gian, thời gian như ngừng trôi trong cái vô hình của sự thiêng. Để rồi sự thông minh của tình yêu cháy bỏng và lãng mạn, hoa bưởi xuất hiện làm trung gian. Hoa là tín hiệu, là âm là sắc của tin yêu. Và cô gái ấy cũng chỉ tự trách yêu (anh ấy) bằng tiếng thầm thì với chính lòng mình. Tôi thực sự thán phục cái “bắt sóng” rất nhạy của nữ thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn. Thi nhân – chứng nhân của “tình cảnh bối rối”:
“Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu.
(Anh vô tình anh chẳng biết điều
Tôi đã đến với anh rồi đấy…)”
Và chỉ có khi bước chân người con trai ra trận, lúc ấy hoa bưởi mới thực sự làm cầu nối, đồng hành và tiềm ẩn về sức mạnh tinh thần. Tinh thần ấy không còn của cô gái cụ thể nữa, mà là của hậu phương vững chắc. Hoa bưởi trở thành biểu tượng của cao cả, thiêng liêng và vĩnh cửu:
“Rồi theo từng hơi thở của anh
Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực
Anh lên đường
Hương thơm sẽ theo đi khắp
Họ chia tay
Vẫn chẳng nói điều gì
Mà hương thầm thơm mãi bước người đi”.
Khi bài thơ được chính tác giả Phan Thị Thanh Nhàn chia sẻ viết tặng em trai, người vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, vĩnh viễn không còn gặp người thầm yêu trộm nhớ xưa ấy, thì bài thơ đã vượt lên tầm nhân văn khác. Đó là sự bất diệt của Tình Yêu. Là sự vô giá của ý nghĩa độc lập thống nhất Đất Nước.
Bài thơ “Hương thầm” của Phan Thị Thanh Nhàn vì thế mãi vấn vương hương của tình yêu, lãng mạn mà cao cả. Hơn thế, đó là sự hy sinh, lòng tri ân về một thế hệ lớn lên trong chiến tranh. Nửa thế kỷ, “Hương thầm” vẫn nồng nàn, mãi thầm thì lời yêu…