Bài tham khảo số 3
Nhắc đến Đặng Trần Côn ta thường nhớ đến ông là một nhà thơ sống vào đầu thế kỉ XVIII, mặt khác tên tuổi của ông còn gắn liền với tác phẩm nổi tiếng “Chinh phụ ngâm”. Trong đó 8 câu cuối của đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ" đã thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc của toàn bộ tác phẩm qua việc thể hiện khát khao về tình yêu và hạnh phúc lứa đôi của người chinh phụ trong thời chiến loạn.
“Lòng này gửi gió Đông có tiện?
Nghìn vàng xin gửi đền non Yên
Non Yên dù chẳng tới miền
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời
Trời thăm thẳm xa với khôn thấu
Thiếp nhớ chàng đau đáu nào xong
Cảnh buồn người thiết tha lòng
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun”
Nhớ hình bóng của người chồng, người chinh phụ thổn thức hướng cái nhìn nội tâm về miền biên ải xa xôi. Nếu như ở khổ trước người chinh phụ càng cảm thấy cô đơn buồn sầu tới bao nhiêu thì ở 8 câu này nỗi nhớ nhung của người chinh phụ lại càng tăng lên bấy nhiêu cùng với sự thương nhớ ấy là tâm trạng lo lắng cho số phận của người chồng nơi biên ải. Trạng thái lo lắng của người chinh phụ được tác giả thể hiện như một mạch ngầm dù người chinh phụ không nói ra nhưng ta vẫn cảm nhận được, thể hiện sự tinh tế trong miêu tả nội tâm của tác giả.
Đầu tiên tác giả đã nhân hoá gió đông như một người đưa tin đến non Yên nhằm nhấn mạnh nỗi mong nhớ lo lắng của người chinh phụ về người chồng:
Lòng này gửi gió đông có tiện?
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên
Vì quá thương nhớ chồng mà người vợ phải nhún nhường xin hỏi ngọn gió để gửi tin cho chồng mình, phải nói đó là một người đưa tin đặc biệt, đưa một cái tin đặc biệt đó là cái tin về tình cảm yêu thương nhung nhớ của người vợ dành cho người chồng nơi chinh chiến. Ngoài ra cái tin ấy được đưa đến ”non Yên” - một vùng hẻo lánh xa xôi nơi người chồng đang xông pha trận mạc, khốn nguy vô cùng. Qua việc dùng bút pháp nhân hoá, hình ảnh ước lệ “non Yên”, “gió Đông”, câu hỏi tu từ tác giả mở ra không gian mênh mông gợi thêm nỗi trống trải, cô đơn cho cảnh vật từ đó xoáy sâu vào sự nhớ nhung khắc khoải, da diết của người chinh phụ.
Nỗi nhớ đằng đẵng ấy làm nàng mòn mỏi cuối cùng được nâng lên thành nỗi đau, một nỗi đau vô hình đã được tác giả tạo hình hài qua 4 câu:
Non Yên dù chẳng tới miền
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu
Thiếp nhớ chàng đau đáu nào xong
Cùng với nỗi nhớ thương mong đợi, từ “đằng đẵng” gợi cảm giác triền miên liên tục tưởng kéo dài đến vô tận nên được tác giả hình dung bằng sự so sánh với đường lên trời. Nỗi nhớ của người chinh phụ đằng đẵng, miệt mài, không thể nguôi ngoai và không thể dùng toán học mà cân đếm được. Nhưng trớ trêu thay khoảng cách giữa nàng và người chồng dường như khó chạm tới được, sự xa cách nghìn trùng mây. Bằng việc mở rộng không gian, ”trời thăm thẳm xa vời khôn thấu” như là lời than thở, ai oán thể hiện sự tuyệt vong của người chinh phụ sau nhiều ngày tháng mòn mỏi đợi tin chồng và chính từ đó nỗi đau xuất hiện, từ “đau đáu” biểu lộ sắc thái tăng tiến, sự dồn nén cảm xúc thành nỗi xót xa đắng cay nối dài bất tận trong lòng người chinh phụ.
Giống như tâm sự Thúy Kiều trong Truyện Kiều: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu – Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”, người chinh phụ thấy cảnh vật vô hồn, thê lương như tâm trạng của mình lúc bấy giờ:
Cảnh buồn người thiết tha lòng,
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun.
Đó là mối quan hệ giữa con người và tâm cảnh, người vui thì tâm trạng vui thấm vào cảnh vật nhìn đâu cũng thấy toàn niềm vui chất chứa sự sống. Còn người buồn thì nỗi buồn thấm vào tâm can nên nhìn cảnh vật thấy sầu não, thê lương. Ở đây hình ảnh “cành cây sương đượm”, "tiếng trùng”, ”mưa phun” là hình ảnh ẩn dụ cho nỗi buồn chất chứa sâu lắng của người chinh phụ, sự mòn héo của cảnh vật hay do lòng người mòn héo mà ra.
Tác giả đã sử dụng điêu luyện thể thơ song thất lục bát, phối hợp các hình ảnh ước lệ “non yên”, ”gió Đông”, với hình ảnh ẩn dụ “sương đượm”, ”mưa phun”, đặc biệt là sự thành công trong bút pháp miêu tả tâm lí nhân vật, tả cảnh ngụ tình tác giả đã đưa người đọc qua các cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ trình một cách tự nhiên nhất và thể hiện ước mơ khát vọng chính đáng của họ về tình yêu và hạnh phúc.
Với cách dùng từ hình ảnh ước lệ, đoạn thơ đã thể hiện một cách tinh tế khát khao về tình yêu và hạnh phúc lứa đôi của người chinh phụ. Đồng thời thể hiện sự thương cảm sâu sắc của tác giả với ước mơ chính đáng của người phụ nữ cũng là lời tố cáo chiến tranh phong kiến phi nghĩa là biểu hiện của cảm hứng nhân văn cho toàn đoạn trích.