Bài tham khảo số 3
Một áng văn nổi tiếng của Nguyễn Ái Quốc – Bác Hồ – vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam chính là bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tác phẩm này vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị văn chương sâu sắc.
Bản tuyên ngôn có giá trị lịch sử to lớn bởi trước hết nó là một văn kiện lịch sử quan trọng. Nó là lời tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, là sự khẳng định quyền tự chủ và vị thế bình đẳng của dân tộc ta trên toàn thế giới, là mốc son lịch sử mở ra kỉ nguyên độc lập, tự do trên đất nước ta. Văn kiện lịch sử này không chỉ được đọc trước quốc dân, đồng bào, mà còn để công bố với thế giới, đặc biệt là những lực lượng thù địch và cơ hội quốc tế đang mang dã tâm muốn nô dịch nước ta thêm lần nữa. Thời kỳ mà chúng ta xóa bỏ được những xiềng xích của bọn thực dân phát xít phong kiến, đưa nước ta sang một trang sử mới, một thời kỳ mới. Thời kỳ chính quyền thuộc về tay nhân dân. Đó chẳng phải là một sự kiện trọng đại mang tính lịch sử hay sao? Chính vì là một văn kiện có tầm quan trọng trong một hoàn cảnh đặc biệt như thế mà bản Tuyên ngôn độc lập đã trở thành áng văn bất hủ và mang tính lịch sử đến thế.
Vậy còn tính văn chương? Bản Tuyên ngôn độc lập được đánh giá là một áng văn chính luận đặc sắc, ngắn gọn, súc tích, đầy sức thuyết phục. Với việc trích dẫn hai bản tuyên ngôn của hai cường quốc Mỹ và Pháp đã giáng đòn cao tay, gậy ông đập lưng ông về phía chúng. Tất cả những từ ngữ, cách chuyển đoạn cùng với nghệ thuật đặc sắc của bản Tuyên ngôn đều cho thấy điều đó. Việc lặp cấu trúc cú pháp, sử dụng phương pháp liệt kê cùng lời lẽ đanh thép đã tố cáo mạnh mẽ tội ác của bọn thực dân. Lời lẽ của Người còn có khả năng tác động mạnh mẽ đến người đọc người nghe. Người có thế khiến người đọc người nghe dấy lên lòng căm thù chỉ bằng lời văn của mình. Chính phong cách viết văn chính luận của Bác đã để lại nhiều bài học cho thế hệ cầm bút sau này. Bởi vậy mà tác phẩm càng có giá trị văn chương hơn.
Bản Tuyên ngôn độc lập còn là áng văn tâm huyết tràn đầy lòng yêu nước của Người. Người viết bản Tuyên ngôn mà không chỉ viết bằng lí trí mà còn bằng cả trái tim mình. Bác đã để lại nhiều bài học văn chương cho nhiều thế hệ cầm bút Việt Nam. Khi cầm bút phải xuất phát từ mục đích, đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung hình thức để tác phẩm sâu sắc về tư tưởng, thiết thực về nội dung và phong phú đa dạng về hình thức.
Tóm lại, với "Tuyên ngôn độc lập" của Hồ Chí Minh, tác phẩm là một áng văn bất hủ, là một văn kiện lịch sử trọng đại, một áng văn chính luận mẫu mực, thể hiện một tư tưởng lớn, tình cảm lớn, quyết tâm lớn.