Bài tham khảo số 3
Nhắc đến văn học trung đại Việt Nam, người ta sẽ nhớ ngay đến "Truyện Kiều" của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. 3254 câu thơ với nhiều đoạn trích khác nhau, mỗi đoạn trích lại gửi gắm những giá trị vô cùng sâu sắc. "Trao duyên" là một trong những đoạn trích tiêu biểu của "Truyện Kiều", tái hiện bi kịch tình yêu dang dở của Thúy Kiều và Kim Trọng. Qua đó gửi gắm giá trị nhân văn sâu sắc và khát khao hạnh phúc của con người. Điều này thể hiện rõ nhất qua 12 câu thơ đầu đoạn trích:
"Cậy em, em có chịu lời,
...
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây"
Thúy Kiều và Kim Trọng gặp nhau, đem lòng cảm mến rồi quyết định thề nguyền dưới trăng. Tình yêu của họ là duyên phận tác hợp. Duyên phận vốn dĩ là thứ tốt đẹp trời cho, khó cưỡng cầu, càng không nên ép buộc. Thế nhưng, dòng đời xô đẩy, Kiều quyết định "trao" lại mối duyên này. Đoạn trích mở ra nghịch cảnh đầy trớ trêu, chua xót:
“Cậy em em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.”
Hai câu thơ ngắn gọn mà chất chứa bao đau đớn, dằn vặt. Từ “cậy” được đặt lên đầu câu thơ nhấn mạnh tình cảnh khó xử, ngặt nghèo của Thúy Kiều. "Cậy" mang ý nghĩa gần giống như "nhờ", là hành động mong muốn được giúp đỡ. Nhưng "cậy" lại sâu sắc hơn, thể hiện niềm tin tưởng vào người được nhờ. Tương tự “chịu” giống như “nhận” là đồng ý, nhưng "chịu" mang thái độ tình cảm khẩn thiết, gần như là van nài, đặt người được nhờ vào tình thế khó lòng từ chối. Ngôn ngữ Kiều dùng trong lời nói hết sức khéo léo, chân thành.
Không những vậy, lời nói ấy còn đi cùng với hành động "lạy", "thưa". "lạy" "thưa" vốn là hành động kính trọng của người bề dưới với bề trên. Kiều là chị, Vân là em, nhưng thời điểm này Kiều lại làm như vậy. Những việc làm tưởng như nghịch lý khó hiểu lại mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Nàng không muốn phụ Kim Trọng, nhưng cũng hiểu được nhờ em trả nghĩa thay mình, nối tiếp mối duyên này là bất công và thiệt thòi cho em. Vì thế, Kiều cúi mình trước Vân. Vào lúc này, Kiều đứng ở vị thế của người chịu ơn với người giúp đỡ mình mà không phải vị thế người chị với em gái. Điều này thể hiện sự thấu tình đạt lý khéo léo của nàng.
Trao duyên với Kiều không phải việc gì quá dễ dàng. Nàng mở lời cậy nhờ em rồi thật lòng tâm sự, giãi bày, mong muốn Thúy Vân thấu hiểu, thông cảm và nhận lời:
“Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.
Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề.”
Trong nỗi đau xót, bao kỉ niệm tình yêu tươi đẹp ùa về. Nhưng hiện thực trêu người, thành ngữ “đứt gánh tương tư” nhấn mạnh nỗi đau tình yêu dang dở. Mối tình tốt đẹp với chàng Kim chưa kịp viên mãn đã bị sóng gió ập đến ngăn trở. Kiều đau khổ nhưng phải dằn lòng lại, trao gửi cho Vân. Nàng dùng điển tích “keo loan” thể hiện ý định muốn Thúy Vân kết duyên với Kim Trọng. Đồng thời nàng cũng bày tỏ sự áy náy, day dứt khi đem tơ duyên của mình trở thành "tơ thừa" mặc em chắp nối.
Từ “khi” được lặp lại 3 lần gợi nhắc khoảng thời gian tươi đẹp, nhấn mạnh mối duyên tình sâu đậm với chàng Kim. Từ đó khắc sâu nỗi đau khổ, xót xa trong tâm trạng của Kiều khi nói ra những lời này. Nàng đau đớn bởi tình yêu tan vỡ, đồng thời cũng xót xa cho thân phận trớ trêu của chính mình.
"Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai"
Quá khứ tươi đẹp quý giá nhưng hiện tại vô vàn khắc nghiệt. Lời thề nguyền dưới trăng vẫn còn đó nhưng tai họa ập đến, Kiều buộc phải bán mình chuộc cha và em. Giữa chữ tình và chữ hiếu, Kiều buộc phải đưa ra quyết định. Tình yêu đẹp đẽ vừa chớm nở, chưa kịp thành hình đã bị tan vỡ, trái tim nàng đau đớn vô cùng. Nàng hết lòng thuyết phục Vân, mong em hiểu và chấp nhận lời thỉnh cầu ngang trái:
"Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây"
Thúy Kiều đã khéo léo đưa ra ba lý lẽ. Trước hết là Vân còn trẻ, tuổi xuân còn dài. Thứ hai là tình chị em máu mủ ruột thịt. Cuối cùng là cái chết của bản thân. Từng lời lẽ đều thể hiện quyết tâm thuyết phục em của Thúy Kiều. Kiều đã chọn chữ hiếu, nhưng tình nghĩa của chàng Kim rất quan trọng. Kiều kìm nén đau thương, thua thiệt của bản thân. Nàng chấp nhận thịt nát xương mòn, chỉ mong Vân giúp mình nối duyên với Kim Trọng. Sâu trong tâm hồn đang vụn vỡ của Kiều là nỗi đau phụ bạc Kim Trọng và mong muốn bù đắp mãnh liệt cho chàng. Lời thuyết phục Vân của Kiều vô cùng chân thành, cảm động.
Chỉ với 12 câu thơ, Nguyễn Du đã thành công sử dụng thể thơ lục bát cùng những ngôn từ tinh tế. Qua đó khắc họa được bi kịch nghiệt ngã của Thúy Kiều cùng tâm trạng đau đớn, dằn vặt của nàng. Ngòi bút tài hoa cùng tấm lòng nhân đạo của tác giả đã tái hiện đầy xúc động nội tâm nhân vật. Không chỉ bộc lộ sự khéo léo thông minh mà còn ngợi ca tấm lòng thủy chung, hiếu thảo của Thúy Kiều. 12 câu thơ cùng đoạn trích "Trao duyên" từ đó đã góp phần không nhỏ làm nên giá trị đặc sắc của "Truyện Kiều". Để rồi bao năm tháng trôi đi, "Truyện Kiều" vẫn sống mãi trong lòng người đọc, trở thành niềm tự hào văn học của cả dân tộc Việt Nam.