Bài tham khảo số 3
Người nghệ sĩ đặt tên cho đứa con tinh thần (tác phẩm) của mình đều có dụng ý. Nhan đề ấy không chỉ là đề tài mà còn gắn với chủ đề, tư tưởng, ý nghĩa nội dung tác phẩm.
Chính Hữu đặt tên cho bài thơ của mình là “Đồng chí” không chỉ có ý nghĩa viết về những con người cùng chung lý tưởng, chí hướng, cùng làm một đơn vị, cơ quan; mà sâu sắc hơn, ông muốn viết về tình đồng đội, về những con người đồng cảnh, đồng cam cộng khổ, đồng sức chung lòng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Chính nhà thơ đã từng tâm sự: “Những năm đầu cách mạng từ “đồng chí” mang ý nghĩa thiêng liêng và máu thịt vô cùng. Nơi khó khăn, cuộc sống của người này trở nên cần thiết với người kia. Một người có thể thay thế cho gia đình, cho cha mẹ, vợ con đối với một người khác. Hơn nữa, họ còn bảo vệ nhau trước mũi súng của kẻ thù, cùng nhau đi qua cái chết, chống lại cái chết, cùng nhau thực hiện một lý tưởng cách mạng".
Tình đồng chí, đồng đội – đó là chỗ dựa tinh thần để người lính tồn tại, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, để chiến đấu và chiến thắng. Tình cảm cao đẹp này đã trở thành nguồn cảm hứng lớn nhất, dồi dào nhất của thơ ca kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ sau này.