Bài tham khảo số 2
Bảo thủ đồng nghĩa với sự cố chấp, ương ngạnh, độc tôn quan điểm của bản thân. Nó được biểu hiện cụ thể ở việc coi thường ý kiến của mọi người xung quanh, đặt cái tôi lên lợi ích chung của tập thể, luôn cho rằng suy nghĩ của mình là đúng đắn nhất. Những người có có thói bảo thủ thường có thái độ khó chịu khi nhận được sự góp ý từ người khác, lười thay đổi bản thân. Tác hại của tính bảo thủ vô cùng nhiều. Nó được tích lũy từng ngày rồi thấm nhuần vào tư tưởng con người, tạo thành nhân cách xấu. Bảo thủ ngăn cản con người hoàn thiện, tiến bộ hơn. Nó là xiềng xích giữ chặt con người ở quá khứ. Thế giới ngày một đổi mới, xã hội phát triển vô cùng nhanh chóng. Nếu ta vẫn khư khư với lối suy nghĩ cũ rích, sớm muộn cũng sẽ thất bại thảm hại. Không chỉ vậy, người bảo thủ còn có những thói xấu khác như gia trưởng, cổ hủ, nóng nảy, khinh thường người khác,… Điều này sẽ khiến họ không nhận được sự tôn trọng và yêu mến từ cộng đồng, trở thành kẻ cô lập trong xã hội. Để có thể khắc phục tính bảo thủ, ta cần biết mở lòng lắng nghe và chia sẻ. Một người biết kết hợp hài hòa giữa tiếp thu ý kiến và tôn trọng chính kiến của bản thân là người thành công. Đừng trở thành những thầy bói xem voi hay ếch ngồi đáy giếng. Thế giới rộng lớn vô cùng mà bản thân con người lại nhỏ bé. Chỉ bằng cách lắng nghe chân thành và loại bỏ lòng tự ái hẹp hòi, con người mới có thể cùng nhau phát triển.