Bài tham khảo số 2
Thơ là một phương tiện thể hiện rõ cảm xúc và ý chí của con người. Làm thơ rất dễ, nhưng để trở thành một nhà thơ lại không dễ. Bởi thơ là một bản nhạc, người tấu lên nó một cách hay nhất thì phải trải qua quá trình dài luyện tập. Thơ có thể đưa chúng ta thoát ra khỏi hiện tại, đi đến niềm vui và hạnh phúc. Nó cũng có thể thể hiện được rõ nhất những gì đang có ở hiện tại, là những cảm xúc bồn bã u ám của con người. Vấn đề những con chữ biến ảo đó được Lê Đạt thể hiện qua cái nhìn của bản thân trong tác phẩm “Chữ bầu lên nhà thơ”.
Lê Đạt là một nhà thơ đặc biệt luôn đi tìm tòi những điều độc đáo trong văn chương, trong từng con chữ. Ông có khát khao đi tìm hiểu hết ý nghĩa của thơ, sống vì thơ và cống hiến hết mình. Không chỉ là những chữ ghép lại, thơ theo định nghĩa của Lê Đạt là một thứ “đạo”. Ông xác định cả đời của mình đều dành cho thơ, để gọt giũa những vần thơ và tạo nên những con chữ tuyệt mỹ. Với Lê Đạt, công việc “nghệ thuật” nhất chính là tạo ra những tác phẩm từ những con chữ giao tiếp hàng ngày. Trong công việc, nhất là liên quan đến thơ ông thường có những yêu cầu rất nghiêm khắc. Ông quan điểm: “Nhà thơ không coi rẻ chữ như những vật vô tri vô giác, những công cụ quẳng đi khi đã hết tác dụng mà tôn trọng chữ như những sinh vật có hồn, lắng nghe tiếng nói của chữ và trò chuyện với chữ như những nhà ngoại cảm lắng nghe và trò chuyện với thế giới bên kia.”
Để khẳng định cho điều đó, từ ngay những dòng ban đầu ông đã đưa ra lập luận rất thuyết phục. Ông coi trọng “ý tại ngôn toại” của văn thơ, một bài thơ phải làm cho người đọc vừa hiểu được nội dung, vừa đắm chìm trong mạch cảm xúc đó. Không như lời nói hàng ngày, theo Lê Đạt, thơ là một điều lạ lùng mà không cần nói ra những người ta vẫn cảm nhận được điều bạn muốn biểu đạt. Bởi riêng ngôn ngữ, thơ đã là một nơi cất chứa cảm xúc vô tận, chắt lọc những tinh túy từ con chữ tầm thường. Cái mà một nhà thơ thực thụ hướng tới không phải là chất “thương mại” tầm thường, mà là âm điệu, sự gợi cảm của từng vần, từng nhịp.
Ông cũng bày tỏ thái độ “ghét” của mình với những quan niệm: “Các nhà thơ Việt Nam thường chín sớm nên cũng tàn lụi sớm”. Theo ông, nó chỉ đúng với những nhà thơ được thiên phú, vì có khi “thời” hết, thiên phú lụi tàn thì không có sự cố gắng, họ sẽ thực sự phải dừng lại. Tuy nhiên, những người thực sự rèn luyện, gắn bó với con chữ thì sẽ mãi tràn đầy linh cảm. Bởi vậy, ông rất đề cao những con người này. Ông cho rằng đây mới chân chính là những người tạo ra dòng lịch sử mới cho thơ ca, vĩnh viễn tồn tại theo thời gian chứ không phải nhất thời. Bởi trên con đường họ đi không có hoa hồng trải sẵn, họ phải đổ mồ hôi, bỏ thời gian ra để nghiên cứu và luyện tập.
Lê Đạt cho rằng “chữ Bầu lên nhà thơ”, ý nghĩa là đề cao những con chữ và sự thấu hiểu nó của một nhà thơ đích thực. Mỗi người sẽ có một phong cách riêng, một không gian riêng để “lưu trữ” những ý nghĩ táo bạo. Đó chính là sự khác biệt mà một nhà thơ nên có và một bài thơ nên cần. Và tất cả những gì hiển hiện trong không gian đó đều được tạo thành từ những chữ cái bình thường nhưng lại vô cùng linh hoạt. Cũng vì vậy, Lê Đạt khẳng định: “Người làm thơ tự trọng trên lĩnh vực ngôn ngữ phải bận tâm đến việc mở mang bờ cõi ngôn ngữ, tương tự một nhà bác học mở rộng bờ cõi của khoa học, đổi khác cách nhìn tự nhiên”.
Sự đặc sắc, thăng hoa của ngôn từ còn được gắn với số phận và con đường “không thể quay đầu” mà họ chọn. Bởi, hoàn cảnh tác động rất nhiều đến phong cách và vần thơ của một người, cũng khiến nó trở thành một “chất riêng” không bị nhầm lẫn. Ông thể hiện quan điểm của mình qua câu nói: “Những câu thơ hay đều kỳ ngộ, nhưng là kỳ ngộ kết quả của một thành tâm kiên trì, một đa mang đắm đuối làm động lòng quỉ thần, chứ không phải may rủi đơn thuần. Làm thơ không phải đánh quả, và không ai trúng số độc đắc suốt đời”. Thứ đồi hỏi một nhà thơ thực thụ không chỉ cần sự rèn luyện, mà cũng cần nhiều sự sáng tạo, linh cảm của từng người.
Lê Đạt sử dụng nhiều từ thuần Việt, xoay chuyển linh hoạt giữa những con chữ mà ông coi trọng. Các từ được dùng đều thể hiện rất rõ tính cách và quan điểm của ông về câu chữ. Lập luận của ông cũng rất sắc bén và logic, những ví dụ đều vô cùng chính xác và dễ hiểu. Đó là một trong những thành công lớn nhất của một bài luận.
Lê Đạt là một người đam mê những con chữ, không ai có thể nghi ngờ được điều này. Nhan đề và nội dung của bài đều vô cùng hấp dẫn và lôi cuốn người đọc. Qua đây, ta có thể nhận thấy đượ rất nhiều vấn đề. Thứ nhất là sự quan trọng của con chữ trong việc tạo ra những tác phẩm, thứ hai là sự khẳng định tầm quan trọng của tác giả và cuối cùng, ta hiểu được những tinh hoa chắt lọc trong việc sáng tác thơ. Thơ không đơn giản chỉ để đọc, nó còn là sợi dây chia sẻ, cảm nhận.