Bài tham khảo số 2
Hình ảnh của người lính trong kháng chiến luôn là chủ đề của rất nhiều nhà văn, nhà thơ với những hình ảnh khác nhau về người lính. Và trong tác phẩm “Bài thơ về Tiểu đội xe không kính” ta thấy rõ về hình ảnh của những người lính lái xe ở Trường Sơn với tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm, bất chấp khó khăn nguy hiểm và ý chí chiến đấu thông qua hình ảnh của những chiếc xe không kính.
Bài thơ ra đời trong thời kì kháng chiến chống Mĩ đã thể hiện rất thành công về hình ảnh người lính lái xe. Và vì tác giả là người am hiểu đời sống chiến tranh và có lối viết văn tả thực nên đã gây ấn tượng sâu sắc tới người đọc. Trong bài thơ tác giả đã tạo nên hình ảnh đặc biệt là những chiếc xe không kính, hình ảnh độc đáo đó đã để lại trong lòng người đọc ấn tượng sâu sắc.
Trong bài thơ, tác giả đã vẽ nên một hình ảnh rất gần gũi và gắn bó với người lính, đó chinh là những chiếc xe không kính.
Ở đây tác giả đã tả rất thực về những cái thiếu của chiếc xe nên đã tạo nên hình ảnh rất đặc biệt về chiếc xe không kính trần trụi, dị dạng và nó gây ấn tượng sâu sắc tới người đọc. Qua những sự thiếu thốn đó, tác giả còn muốn nói lên với chúng ta về sự ác liệt của chiến tranh.
Đối với người chiến sĩ lái xe chiếc xe “không kính” đem lại những cảm giác bất ngờ khi lao đi trên đường. Nhưng đó cũng chính là nguyên nhân gây ra hậu quả:
Không có kính, ừ thì bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Khổ thơ bắt đầu bằng cấu trúc lặp lại “không có kính” như muốn nhấn mạnh phác họa rõ nét vẻ lạ lùng, độc đáo của chiếc xe và là lí do khiến xe “có bụi”.
Mất đi bộ phận che chắn, người lái và chiếc xe như đi giữa bụi đất. Điệp ngữ “bụi” và động từ “phun” diễn tả, nhấn mạnh mức độ ghê gớm đến đáng sợ của bụi: bụi bay, bụi cuốn mù mịt cả không gian, đất trời mỗi lần xe chạy và kéo dài suốt cả chặng đường dài. Trong bài thơ Lá đỏ, nhà thơ Nguyễn Đình Thi cũng đã cảm nhận về cơn bụi nơi đây:
Đoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhòa trong trời lửa.
Những cơn bụi đó qua khung kính vỡ đã ùa vào buồng lái, phủ đầy tóc, đầy mặt người lính biến anh thành hình tượng đáng yêu qua cách so sánh của nhà thờ “tóc trắng như người già”. Anh chiến sĩ đôi mươi, trẻ trung, sôi nổi giờ đây đã được “hóa trang” thành một con người khác, già đi gấp bội bởi lớp bụi dày bám trên tóc. Cái gian khổ của anh chiến sĩ lái xe được diễn tả sao mà nhẹ nhàng đến thế. Họ không kêu ca, than vãn mà lại lấy chính cái gian khổ của mình để khôi hài nữa chứ.
Đối lập với thực tế gian khổ vẫn là thái độ của người chiến sĩ lái xe:
Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha
Nếu từ ngữ “ừ thì” thể hiện sự chấp nhận, chịu đựng những cơn bụi thì thái độ “chưa cần rửa” lại là sự thách thức, bất chấp, xem thường mọi gian khổ. Gian khổ này dường như không tác động, làm lay chuyển, ý chí, quyết tâm anh. Người chiến sĩ xem đó là dịp để rèn luyện ý chí, sức mạnh của mình.
Cội nguồn sức mạnh, nghị lực nơi người chiến sĩ là do mục đích, lí tưởng cao cả “vì Miền Nam thân yêu”. Giọng điệu bài thơ vừa ngang tàng lại vừa rất vui tươi, sôi nổi thể hiện thái độ quyết tâm trong nhiệm vụ, thách thức trước gian khổ. Lời thơ có chỗ nhẹ nhàng, cân đối như chiếc xe vẫn đang tiến tới, có chỗ gợi cảm, trong sáng như văng vẳng tiếng cười, tiếng hát. Tất cả đã khắc họa hình ảnh người chiến sĩ giải phóng quân thời chống Mĩ dũng cảm, kiên cường, bất khuất mà cũng rất lãng mạn, trẻ trung, bình dị.
Không có kính, ừ thì ướt áo
...
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.
Điệp cấu trúc không có kính … ừ thì chưa cần thể hiện tính cách ngang tàng, bất chấp tất cả khó khăn. Không có kính che mưa thì dĩ nhiên phải ướt áo, dù áo ướt nhưng các anh cũng mặc kệ, cứ để vậy mà lái tiếp bởi mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi. Các anh vẫn giữ cái tư thế ấy, hiên ngang mà sao yêu đời quá đi thôi!
Với chất liệu hiện thực độc đáo, chỉ qua hai khổ thơ ba và bốn, bài thơ thể hiện hình ảnh hào hùng của chiếc xe không kính, qua đó khắc họa nổi bật hình ảnh cao quý của người lính lái xe ở Trường Sơn trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước.