Bài tham khảo số 2
Nguyễn Trãi là một tác giả lớn của nền văn học trung đại Việt Nam. Ông đã để lại cho hậu thế một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ. Nhưng dường văn chương của ông dường như cũng chịu chung số phận như con người - phải trải qua bao phen thăng trầm chìm nổi. Trong đó, “Bình Ngô đại cáo” - viết sau đại thắng năm 1427, là bản tổng kết xuất sắc quá trình kháng chiến mười năm, không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước bảo vệ độc lập, truyền thống bất khuất chống ngoại xâm, còn đặc biệt nêu cao “chí nhân, đại nghĩa” như một giá trị văn hóa ngời sáng của dân tộc Đại Việt. Với bút lực hào hùng và lời văn truyền cảm mạnh mẽ, tác phẩm đã trở thành một áng “thiên cổ hùng văn”.
Bình Ngô đại cáo là thông báo bằng văn bản và được viết theo bằng văn biền ngẫu, theo thể cáo - thường dùng để thông báo sự kiện quan trọng của quốc gia, dân tộc. Nguyên tác được viết bằng chữ Hán, và được các học giả như Ngô Tất Tố, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim dịch sang tiếng Việt ngày nay. Tác phẩm có giữ một vị trí quan trọng về phương diện lịch sử lẫn phương diện văn học. Ức Trai đã thừa lệnh Lê Lợi viết tác phẩm vào khoảng đầu năm 1428, khi cuộc kháng chiến chống Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn đã thắng lợi, quân Minh buộc phải ký hòa ước, rút quân về nước, nước ta bảo toàn được nền độc lập, hòa bình.
Nhan đề cho thấy đây là bài cáo trọng đại tuyên bố về việc dẹp yên giặc Ngô - một tên gọi hàm ý khinh bỉ căm thù giặc Minh xâm lược. Bài cáo có bố cục chặt chẽ mạch lạc, khắc họa, lên án, tố cáo tội ác của giặc và khẳng định chủ quyền dân tộc. Chính vì vậy, bài cáo xoay quanh các cảm hứng chính sau đây: cảm hứng về chính nghĩa (nhận thức sâu sắc về nguyên lí chính nghĩa và thái độ khẳng định sức mạnh của nguyên lý đó); cảm hứng căm thù giặc xâm lược; cảm hứng về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, về tinh thần quyết chiến quyết thắng của nhân dân Đại Việt; cảm hứng độc lập dân tộc và tương lai đất nước. Với bốn cảm hứng đó, bài cáo thường được chia thành bốn phần tương đương. Phần 1 là nêu luận đề chính nghĩa (Từ đầu đến “chứng cớ còn ghi”). Phần 2 là lên tiếng tố cáo tội ác, vạch trần âm mưu xâm lược Đại Việt với cớ phù Trần diệt Hồ của giặc (tiếp theo phần 1 cho đến “Ai bảo thần dân chịu được”). Phần 3 là quá trình kháng chiến và sự thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn (tiếp theo phần 2 đến “cũng là chưa thấy xưa nay”). Phần còn lại - phần 4 là phần nêu ra bài học lịch sử và sự khẳng định chính nghĩa sẽ thắng thế lực phi nghĩa, bất nhân.
Mở đầu Bình Ngô đại cáo, tác giả Nguyễn Trãi đã nêu nguyên lí chính nghĩa làm chỗ dựa, làm nền tảng xác đáng để triển khai toàn bộ nội dung bài cáo. Tiếp thu từ tinh thần Nho giáo cùng với sự phát triển nội dung nhân nghĩa, Nguyễn Trãi đã nêu ra một luận đề có tính dân tộc:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”
Với Nguyễn Trãi, việc trước hết là “trừ bạo” để nhân dân có được một cuộc sống yên ổn, ấm no, hạnh phúc. Ông cho rằng nếu muốn trị vì thiên hạ thì việc phải nghĩ đến đầu tiên chính là “nhân nghĩa”. Dân tộc ta chiến đấu chống xâm lược là nhân nghĩa, là phù hợp với nguyên lí chính nghĩa. Sau đó, tác giả nêu lên chân lý khách quan về sự tồn tại độc lập của nước Đại Việt, sự tồn tại đó như có cơ sở chắc chắn từ tháng ngày lịch sử:
“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác”
Ở phần 2 - cảm hứng căm thù giặc xâm lược, Nguyễn Trãi đã thể hiện lòng uất hận sục sôi, viết nên một bản cáo trạng đanh thép với một trình tự tư duy logic: vạch trần âm mưu xâm lược, lên án chủ trương cai trị thâm độc, tố cáo mạnh mẽ những hành động tội ác. Qua việc phân tích luận điệu bịp bợm “phù Trần diệt Hồ”, tác giả đi sâu những việc làm phi nhân, diệt chủng:
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”
Tội ác của chúng được ghi lại bằng cái vô cùng, vô hạn:
“Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa hết mùi”
Ở phần 3, với nguồn cảm hứng dồi dào, phong phú, Nguyễn Trãi đã khắc họa lại quá trình gian nan, vất vả của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Chính những gian khổ ngày đầu đã dẫn đến thắng lợi vẻ vang về sau. Cảm hứng anh hùng ca bao trùm toàn bộ đoạn trích. Những chiến công thần tích được miêu tả một cách dồn dập. Nhạc điệu trong câu sảng khoái, hào hùng như sóng triều dâng:
“Gươm mài đá, đá núi cũng mòn
Voi uống nước, nước sông cũng phải cạn.
Đánh một trận, sạch không kình ngạc
Đánh hai trận, tan tác chim muông”
Và ở phần 4 - phần kết thúc, Nguyễn Trãi đã không giấu được niềm vui chung của dân tộc, thay lời Lê Lợi trịnh trọng tuyên bố nền độc lập lâu dài:
“Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Kiền khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh”
Từ đó, ta thấy được viễn cảnh huy hoàng, tươi sáng của non sông xã tắc. Hiện thực hôm nay chính là nhờ những ngày tháng đau thương của quá khứ “Muôn thuở thái bình vững chắc”. Lời kết thúc “Xa gần bá cáo/ Ai nấy đều hay” đã sẻ chia sự vui mừng, niềm tự hào và niềm tin về ngày mai, về tương lai đất nước.
Bài cáo đã thể hiện thành công những đặc sắc về thể loại. Bên cạnh đó, giọng điệu thay đổi linh hoạt trong mỗi phần, khi cao tràn uất hận, khi hào hùng dữ dội, khi cuồn cuộn như sóng triều dâng trên đề tài lịch sử - văn học đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Sự am hiểu hơn người của Nguyễn Trãi về lịch sử, về điển cố, điển tích đã mang lại tính thuyết phục, hấp dẫn hơn cho tác phẩm.
“Bình Ngô đại cáo” từ khi ra đời đã được xem làm một bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc, vừa tố cáo tội ác của giặc Minh vừa khẳng định được độc lập chủ quyền dân tộc. Đã qua bao thăng trầm biến đổi nhưng giá trị của “Bình Ngô đại cáo” vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay và Nguyễn Trãi – nhà quân sự tài ba, nhà chính trị lỗi thời, nhà thơ, nhà văn xuất sắc sẽ mãi mãi được khắc ghi trong lòng mỗi người con nước Việt.