Bài tham khảo số 12

Tố Hữu chẳng phải ngẫu nhiên, chẳng phải cố tình, tất cả là sự vừa phải khi viết Việt Bắc. Nếu như ở trong đoạn thơ đầu, là giây phút chia ly giữa người đi, kẻ ở, là thời điểm muốn đi rồi lại muốn dừng thì chuyển sang 10 câu thơ này, một bức tranh thiên nhiên đã được vẽ ra thật tuyệt mỹ. Hơn vậy, trong tranh vẫn đong đầy tình cảm thương mến, vẫn đong đầy nỗi nhớ nhung, một tình cảm thật đẹp trong bức tranh tứ bình lung linh sắc màu.


Tố Hữu là một chiến sĩ cách mạng tiên phong, thơ ông bất cứ khi nào cũng khiến cho mỗi đọc giả cảm thấy hừng hực khí thế chiến đấu, tràn ngập tình yêu Tổ quốc, ông không phải là người giỏi viết tình ca như Xuân Quỳnh, Xuân Diệu, thế nhưng rõ ràng, với Việt Bắc, nhà thơ đã rất thành công khi tấu lên một cung đàn, một bản nhạc thật đẹp về nỗi nhớ thương. Đoạn thơ mở đầu bằng 2 câu thơ:


“Ta về mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người”


Điệp từ “nhớ” được lặp lại 2 lần nằm gọn gàng trên 2 câu thơ. Một câu hỏi tu từ được đặt ra với rất nhiều những gửi gắm. Đại từ xưng hô mình ta lại tiếp tục được sử dụng mang tới sự gần gũi, mộc mạc, nói một cách hoa mỹ hơn thì đó là cụm từ hội tụ đầy đủ phong vị Việt Nam. Đoạn thơ mở ra biết bao trường nhớ nhung da diết. Câu hỏi “Ta mình mình có nhớ ta” của người đi vẫn còn đang bỏ ngỏ. Thật lạ lùng, là câu hỏi bỏ ngỏ ấy lại mang một ý thật tình tứ, rất giống với những câu hát giao duyên:


“Mình về mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”


Câu hỏi ấy xét cho cùng cũng chính là cái cớ để nhân vật trữ tình bộc bạch lòng mình, khẳng định tình cảm đậm sâu gắn bó với con người Việt Bắc, không gian Việt Bắc. Có thể thấy, 15 năm là khoảng thời gian thực sự đủ dài để người đi kịp ghi lại tất cả những khoảnh khắc nơi đây, về khung cảnh, về con người. Thiên nhiên và con người Việt Bắc đã trở thành nguồn ký ức không thể phai mờ trong tâm trí của những người đi.


Tố Hữu sử dụng danh từ “hoa” bởi lẽ, hoa chính là biểu tượng của thiên nhiên, đẹp nhất, tinh khôi nhất, nồng thắm nhất. Đó cũng chính là vẻ đẹp kết tinh của cuộc sống. Đồng bào Việt Bắc cũng chính là những bông hoa đẹp nhất, tươi thắm nhất – một loài hoa thật đặc biệt – thật khiến người ta dễ nhớ nhung. Nhà thơ đã rất khéo léo và tinh tế khi sử dụng từ nối “cùng”, không phải là từ “và” không phải là từ “với” mà đó là từ “cùng” tạo ra trạng thái cảm xúc quấn quýt, vấn vương, hòa quyện giữa thiên nhiên và con người. Hai câu thơ mở đầu cho đoạn thơ thật đặc biệt, thật tinh tế, thật ý nhị, trữ tình.

Mùa đông, được nhắc tới với sự lạnh lẽo vào cô đơn vô chừng thế nhưng trong bức tranh mùa đông Tố Hữu đem đến lại thật rực rỡ, ấm nồng:


“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”


Giữa một không gian xanh bất tận, sắc hoa chuối đỏ tươi đột ngột bừng lên như một ngọn lửa ấm áp xua đi không gian giá lạnh nơi đại ngàn. Màu sắc mà hình ảnh tạo nên một bức tranh đường nét vừa hài hòa, vừa ấn tượng và dễ gây những rung cảm trong lòng người đọc. Mùa đông hiện lên với sắc đỏ ấm nồng của hoa chuối, với hình ảnh của con người lao động mang vẻ đẹp đầy kiêu hãnh giữa rừng xanh mênh mang.


Giữa một không gian xanh bất tận của đại ngàn, giữa những vườn chuối được ấp ủ tình yêu thương để bùng lên những ấm áp dù rất nhỏ thế những điều kỳ diệu là ngọn lửa ấy dù nhỏ nhưng lại đủ để lan tỏa ra khắp không gian núi đồi nơi đây. Hình ảnh được lựa chọn cho câu thơ của mình đó chính là hình ảnh hoa chuối rừng. Loài hoa này có khá nhiều sự khác biệt đối với hoa chuối ta, dáng chúng mọc thẳng với màu đỏ tươi như phát sáng, chiếu thẳng diện vào cảm giác của con người. Con người bây giờ đang đi giữa một màu xanh bất tận, xanh lá, xanh trời và cả đôi mắt của người cũng mang trọn một màu xanh biêng biếc.


Giữa một khoảng xanh mênh mông và vô tận đó, nhà thơ không miêu tả cụ thể, chi tiết hình dáng của con người mà chỉ nhanh mắt chớp lấy một hình ảnh thần tình nhất. Đó là khoảnh khắc khi ánh sáng của mặt trời chiếu xuống lưỡi dao gài ngang lưng. Con người bây giờ, như một điểm hội tụ của anh sáng giữa núi rừng đại ngàn mênh mông, giữa lá xanh và hoa đỏ. Trong không gian ấy, con người không cô đơn, nhỏ bé mà rất mực kiêu hãnh, oai hùng, khỏe khoắn trong tư thế làm chủ thiên nhiên, làm chủ đất trời.


Trong nỗi nhớ về khung cảnh của Việt Bắc mùa đông, nỗi nhớ ấy không lạnh lẽo và ấm áp vô cùng. Nơi núi cao, nơi đại ngàn, mùa đông không hoang vụ, không tàn tạ, thê lương mà ấm áp vô ngần. Đông qua xuân tới, đất trời cũng có những đổi thay:


“Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”


Đến đây nên xanh trầm tĩnh đã nhường chỗ cho nền trắng tinh khiết của hoa mơ rừng. Hai chữ “trắng rừng” khiến cảnh rừng như bừng sáng. Phải nói rằng đây là một hình ảnh có sức ám ảnh lớn đối với hồn thơ Tố Hữu. Việt Bắc trong nỗi nhớ của Tố Hữu dường như không thể thiếu được sắc hoa này. Về sau, trong bài “Theo chân Bác”, Tố Hữu sẽ viết:


“Ôi sáng xuân nay, xuân 41

Trắng rừng biên giói nở hoa mơ

Bác về. Im lặng. Con chim hót

Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ”.


Trên nền cảnh ấy hiện ra hình ảnh người Việt Bắc trong một công việc thầm lặng: “Nhớ người đan nón chuốt từng sợi gịang”. Hai chữ “chuốt từng” gợi ra được dáng điệu cần mẫn, cẩn trọng và tài hoa. Không biết người đan nón kia gửi vào từng sợi giang nỗi niềm gì, ước mơ gì?


“Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình.”


Trong những bức tranh trên, chúng ta mới chỉ thấy màu sác, đường nét và ánh sáng. Đến đây chúng ta còn nghe thấy được âm thanh của rừng, đó là tiếng nhạc ve. Nhạc ve làm cho không khí trở nên xao động. Phải nói rằng trong các bức tranh ở đây thi Việt Bắc mùa hè là đặc sắc hơn cả. Trong câu thơ, chúng ta thấy dường như có một phản ứng dây chuyền chạy từ đầu đến cuối câu thơ. Ve kêu gọi hè đến, hè đến làm cho những rừng phách ngả sang màu vàng. Ai đã lên Việt Bắc, dễ thấy hình ảnh kỳ lạ của những cánh rừng phách.


Trong những ngày cuối cùng của mùa xuân, những cây phách vẫn là màu xanh, nụ hoa vẫn náu kín trong những kẽ lá. Nhưng khi những tiếng ve đầu tiên của mùa hè cất lên thì chúng nhất loạt trổ hoa vàng. Chi cổ vài ba ngày mà những rừng phách đã lênh láng sắc vàng. Chữ “đổ” là một chữ tinh tế. Nó nhấn mạnh vào khía cạnh mau lẹ trong việc biến đổi màu sắc, đồng thời diễn tả những trận mưa hoa vàng rừng phách mỗi khi có một luồng gió ào qua.


Rõ ràng, gam màu đến đây đã thay đổi hẳn, sắc trắng đã nhường chỗ hẳn cho sác vàng. Dường như âm thanh đã làm đổi thay màu sắc. Trên nền cảnh ấy xuất hiện một hình ảnh lao động đấy kiên nhẫn của một cô gái Việt Bắc: “Nhớ cô em gái hái măng một mình”. Hình ảnh này làm toát lên dáng điệu chịu thương, chịu khó, hay lam hay làm, giàu đức hy sinh. Bao bọc lên hình ảnh này dường như chúng ta thấy sự cảm thương kín đáo của người viết. Bộ tranh này kết thúc bằng bức tranh thu. Ba bức tranh trên là cảnh ngày, riêng bức này là cảnh đêm. Bức tranh vẽ ra những ánh trăng rọi qua vòm lá tạo thành một khung cảnh huyền ảo:


“Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”


“Rừng thu trăng rọi hòa bình”. Nó xui khiến ta nhớ đến một câu thơ cũng viết vể đêm rừng Việt Bắc của Hồ Chí Minh: “Trăng lồng cồ thụ bóng lồng hoa”. Đây đúng là khung cảnh trữ tình dành cho những cuộc hát giao duyên. Cho nên nó là cảnh cuối cùng: “Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”. Chữ “ai” là cách nói bóng gió, ám chỉ người đang hát cùng với mình, làm cho lời lẽ trở nên tình tứ hơn. Và qua tiếng hát chúng ta thấy được phẩm chất ân tình, chung thuỷ của người Việt Bắc.

Nhớ người Việt Bắc, người về còn nhớ cả “Tiếng hát ân tình thuỷ chung”. Đó là tâm hồn, là tình cảm của những con người miệt mài, chăm chỉ với công việc, lặng lẽ cưu mang trong mình những rung động, cảm xúc trước đất trời, trước cuộc đời. Có thể nói đây cũng là bản hòa âm của hai tâm hồn đồng điệu. Tiếng hát ân tình ấy vượt qua trập trùng núi rừng, băng qua mênh mông biển cả của thời gian mà vướng vít bước chân người đi, nó vấn vương trong lòng người đi kẻ ở, vấn vương trong cả tâm hồn người đọc.


Đoạn trích là bốn bức họa bằng thơ rất tài tình của Tố Hữu. Cảnh và người hòa quyện, đan xen khiến bức tranh nào cũng thật sinh động, ấm áp. Đoạn thơ vừa đậm chất dân tộc [thể thơ, giọng tâm tình, tha thiết] vừa mang đậm vẻ đẹp, hơi thở của thời đại [hình ảnh thơ, tình cảm cách mạng trong thơ. Nghệ thuật điệp – láy đi láy lại từ “nhớ” cùng các câu hỏi tu từ liên tiếp, dồn dập đã diễn tả thành công tình cảm tha thiết, sâu nặng của người về.


Qua đoạn thơ, ta thấy rõ đặc điểm thơ và vẻ đẹp hồn thơ Tố Hữu, kết tinh trong tình cảm lớn, lẽ sống lớn: tình cảm cách mạng, lẽ sống thủy chung với cách mạng. Vẻ đẹp bức tranh tứ bình bao gồm bốn bức tranh, bốn cảnh sắc, bốn dáng điệu. Tố Hữu đã thâu tóm được những gì là đặc trưng nhất của quê hương cách mạng. Điều thú vị là tất cả đều hiện lên trong điệp khúc nhớ thương. Những chữ “nhớ” đứng ở đầu câu tạo nên âm hưởng rất mặn mà, da diết của nỗi nhớ. Trong nỗi nhớ tất cả đều hiện lên lung linh hơn, huyền ảo hơn.


xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |