Bài tham khảo số 1
Có ai đó đã nói rằng: “Khi lâm vào cảnh bất hạnh, con người nên nghĩ đến hạnh phúc và phấn đấu cho hạnh phúc. Khi ấy họ sẽ thoát khỏi cảnh bất hạnh và sẽ đạt được hạnh phúc”. Cuộc đời đâu phải lúc nào ta cũng cảm thấy hạnh phúc, có những lúc chỉ muốn kết thúc cuộc đời cho đỡ chán. Nhưng ta có nên làm như vậy không? Cuộc đời đâu phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng cho chúng ta đi, nếu không phấn đấu vượt qua khó khăn ta sẽ chẳng thấy hạnh phúc, cuộc đời dường như vô nghĩa nếu như không có những trải nghiệm khắc nghiệt, ta sẽ chẳng biết mình là ai và mình đang làm gì cho thế giới này? Vậy đáy bánh xe vận mệnh quay mãi không dừng và đôi khi có cả tàn nhẫn. Ta ở trong vòng quay của cuộc đời và định mệnh, lúc đó đấu tranh là yếu tố rất cần thiết cho sự vươn lên để tìm thấy hạnh phúc của mình. Đó cũng chính là ý của C.Mác được thể hiện rõ trong câu nói: “Hạnh phúc là đấu tranh”.
Trước hết ta phải hiểu được “hạnh phúc” là gì? Vậy hạnh phúc có phải là thỏa mãn những ước muốn của bản thân, đạt được kết quả như mình mong muốn, hay hạnh phúc là được người khác yêu thương,.. hạnh phúc là một khái niệm rất trừu tượng. Nếu bạn hỏi hạnh phúc là gì? Mỗi người sẽ có đáp án trả lời khác nhau. Hạnh phúc đến và đi rất nhanh đôi khi con người còn chưa kịp cảm nhận. Con người luôn luôn lúc nào cũng muốn được hạnh phúc. Hạnh phúc ở mỗi người là khác nhau, mọi người tìm kiếm hạnh phúc theo các con đường riêng của mình. Còn “đấu tranh” là gì? Đấu tranh chính là dũng cảm mạnh mẽ vượt qua sự yếu đuối của bản thân, dám đương đầu với thử thách để vươn tới một tương lai tươi sáng. Khó khăn là điều tất yếu không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Vì vậy cách tốt nhất để vượt qua, đi xuyên qua nó. Có những lúc sẽ bị khó khăn đẩy lùi nhưng nếu gục ngã là bạn đã thất bại, nhưng nếu bạn vẫn tiếp tục kiên trì tới cùng thì bạn sẽ có được thành công như mình mong muốn. Để kiên trì đến lúc thành công bạn cần một yếu tố hết sức quan trọng nữa là bạn phải đứng lên từ thất bại và tiếp tục tiến bước để “đấu tranh” giành lấy thành công. Đó chính là hạnh phúc khi đấu tranh.
Vậy ý của cả câu nói này là con người cần đấu tranh vượt qua tất cả mọi khó khăn để có được hạnh phúc. Và hạnh phúc chỉ trở thành hiện thực khi con người đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu, kìm hãm sự phát triển của xã hội. Câu nói của C.Mác cũng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Sở dĩ Mác cho rằng hạnh phúc là đấu tranh vì lịch sử phát triển của loài người luôn luôn vận động và phát triển không ngừng theo hướng tiến lên và ngày càng hoàn thiện hơn. Lịch sử xã hội loài người là lịch sử đấu tranh giai cấp, các giai cấp mâu thuẫn với nhau đối lập nhau mà chủ yếu là xuất phát từ mâu thuẫn về mặt lợi ích kinh tế. Các cuộc đấu tranh này suy cho cùng cũng mang mục đích muốn xã hội tốt đẹp hơn và mang lại cho đa số người dân trong xã hội. Đấu tranh để xã hội ngày càng phát triển hơn hoàn thiện hơn những cái lạc hậu không tốt sẽ được thay thế bởi cái mới tốt hơn hoàn thiện hơn. Và khi cuộc sống tốt đẹp hơn cũng đồng nghĩa với việc người dân cảm thấy hạnh phúc. Còn khi con người đấu tranh với tự nhiên chống lại các hiện tượng tự nhiên như bão, lũ lụt, hạn hán… để khắc phục những hiện tượng khắc nghiệt đó và biến những hiện tượng ấy phục vụ lợi ích của con người thì khi ấy con người cảm thấy hạnh phúc. Đồng nghĩa với việc con người cảm thấy hạnh phúc thì con người cần phải đấu tranh, nhưng trước khi đấu tranh chống lại các hiện tượng sự vật trong xã hội trước hết con người cần phải đấu tranh chống lại những cái không tốt của mỗi bản thân con người. Chúng ta cần hoàn thiện bản thân của mình trước sau đó thì mới có thể đấu tranh với xã hội.
Câu nói của C.Mác là dựa trên quy luật đấu tranh và thống nhất giữa các mặt đối lập nguyên lý phát triển, trong triết học thì đấu tranh là một sự chuyển hóa bắt nguồn từ mâu thuẫn, sự vận động cũng là một mâu thuẫn: khi cái mới ra đời tất nhiên cái cũ sẽ bị thay thế. Trong mỗi người chúng ta luôn có 2 yếu tố mâu thuẫn bên trong là tình cảm và lý trí. Hai yếu tố này luôn xảy ra song song nhau đấu tranh với nhau mới có thể đi đến quyết định sẽ nghe theo tình cảm hay lý trí. Ví dụ như: sắp đến ngày thi cuối kì rồi nhưng cũng là ngày bố mẹ sắp đi ăn cỗ ở tận Vịnh Hạ Long muốn dẫn bạn đi theo cùng và tiện thể đi du lịch gia đình luôn. Vậy bạn sẽ phải đấu tranh trong bản thân có nên đi hay không, nếu ở nhà học tập chăm chỉ chắc chắn kì thi sắp tới bạn sẽ làm tốt nhưng đồng nghĩa với việc ở nhà là bạn đã bỏ qua cơ hội đi du lịch cùng bố mẹ, nhưng nếu bạn đi thì bạn không thể ở nhà và ôn bài chuẩn bị cho kì kiểm tra cuối kì sắp tới nguy cơ bị điểm thấp sẽ là rất cao. Vậy là bạn sẽ phải đấu tranh giữa việc đi và ở nhà. Nếu bạn được điểm cao trong kì thi sắp tới bố mẹ sẽ rất vui và tự hào về bạn và nhất là bạn hài lòng mà kết quả mình đạt được. Nếu ta quyết định cố gắng cứng rắn bỏ qua việc đi chơi thì ta sẽ chạm tới cái đích là học tập đạt được kết quả cao. Vậy việc đấu tranh đó là có hiệu quả, ta đạt được thành công mà nếu thành công tất nhiên ta sẽ cảm thấy hạnh phúc.
Vậy câu nói mà C.Mác đã trả lời cô con gái của mình: “Hạnh phúc là đấu tranh” là hoàn toàn đúng. Hạnh phúc là khi ta đấu tranh, có khi đấu tranh bị thất bại nhưng nó đã giúp ta rút kinh nghiệm cho các cuộc đấu tranh sau này. Hãy cố gắng hết sức để ta có thể giành thắng lợi ở ngay cuộc đấu tranh đầu tiên niềm hạnh phúc sẽ được nhân đôi. Hạnh phúc đôi khi thật giản đơn, chỉ là một món quà nhỏ hay chỉ là một câu nói, nhưng đôi khi lại thật lớn lao. Không ai hiểu được mỗi người chúng ta cảm nhận được hạnh phúc như thế nào? Nhưng có một điều khi ta hạnh phúc nhất là khi dân tộc ta đã được giải phóng, là một quốc gia hoàn toàn độc lập. Chỉ khi đất nước hoàn toàn độc lập con người mới có thể nghĩ đến những điều hạnh phúc cho riêng mình.
Qua đó ta cần áp dụng câu nói của C.Mác vào đời sống thực tiễn. Hiện đang là sinh viên em cần cố gắng học tập thật tốt áp dụng thật tốt những kiến thức của mình cho xã hội, cống hiến một phần sức lực để đất nước ngày càng giàu mạnh và khi đấu tranh ta có thể đấu tranh bằng các hình thức khoa học nhất.