Bài tham khảo số 1
Một đại biểu Quốc hội đã phát biểu trên nghị trường: “Chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa ngắn như ngày nay”. Đây là lời cảnh báo đầy đau xót về tình trạng thực phẩm phẩm.
Vệ sinh an toàn thực phẩm hay an toàn thực phẩm hiểu theo nghĩa hẹp là một môn khoa học dùng để mô tả việc xử lý, chế biến, bảo quản và lưu trữ thực phẩm bằng những phương pháp phòng ngừa, phòng chống bệnh tật do thực phẩm gây ra. Hiểu theo nghĩa rộng, vệ sinh an toàn thực phẩm là toàn bộ những vấn đề cần xử lý liên quan đến việc đảm bảo vệ sinh đối với thực phẩm nhằm đảm bảo cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Vệ sinh an toàn thực phẩm là giữ cho thực phẩm không bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, ngộ độc thực phẩm. Vệ sinh an toàn thực phẩm cũng bao gồm một số thói quen, thao tác trong khâu chế biến cần được thực hiện để tránh các nguy cơ sức khỏe tiềm năng nghiêm trọng. Thực phẩm được coi là vệ sinh và an toàn là những thực phẩm được xử lý và bảo quản sạch sẽ trong quá trình sản xuất, chăm sóc và đóng gói, chế biến.
Vệ sinh an toàn thực phẩm có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống xã hội, không những ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe con người, đến sự phát triển của giống nòi, thậm chí tính mạng người sử dụng, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch và an ninh, an toàn xã hội. Bảo đảm an toàn thực phẩm để nâng cao sức khỏe người dân, tăng cường nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và mở rộng quan hệ quốc tế.
Thực phẩm là nguồn cung cấp dưỡng chất không thể thiếu đối với cuộc sống của chúng ta. Một nguồn thực phẩm phong phú, đa dạng; và là chất dinh dưỡng thiết yếu cung cấp để nuôi cơ thể. Tuy là vậy nhưng hiện nay, vấn nạn lớn mà con người đang phải đối mặt lại chính là thực phẩm bẩn, không đảm bảo an toàn vệ sinh về chất lượng, độ an toàn trong chế biến và sản xuất.
An toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng đặc biệt, mọi người được tiếp cận với thực phẩm an toàn đã trở thành quyền cơ bản đối với mỗi con người. Thực phẩm an toàn đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khỏe con người, nâng cao chất lượng cuộc sống và giống nòi. Thế nhưng, nhiều thông tin liên tục phản ánh về tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm trên toàn quốc, cộng thêm dịch cúm gia cầm ở một số địa phương càng làm bùng lên sự lo âu của cộng đồng dân cư.
Trong những năm gần đây, việc sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất trở nên phổ biến, tràn lan, không đúng liều lượng và danh mục cho phép. Các loại phẩm màu, đường hóa học đang bị lạm dụng trong pha chế nước giải khát, sản xuất bánh kẹo, chế biến thức ăn sẵn như thịt quay, giò chả, ô mai gây mất an toàn thực phẩm và chưa từng hề xin cấp phép giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay.
Nhiều loại thịt bán trên thị trường không qua kiểm duyệt thú y. Tình hình sản xuất thức ăn, đồ uống giả, không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và không theo đúng thành phần nguyên liệu cũng như quy trình công nghệ đã đăng ký với cơ quan quản lý. Nhãn hàng và quảng cáo không đúng sự thật vẫn xảy ra. Nhu cầu sử dụng nguồn hàng hóa ngày càng tăng; mức sống của con người cùng ngày càng lên cao. Chính vì vậy mà trên thị trường mọc tràn lan những cửa hàng, siêu thị, địa điểm cung cấp nhỏ lẻ… mà người bán lẫn người mua chẳng thể kiểm soát được. Việc này đã dẫn tới tình trạng các thực phẩm không đảm bảo về chất lượng; cho ra những sản phẩm “giả” mà chi phí bỏ ra lại là “thật”.
Có nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc khiến nhiều người tiêu dùng khó để lựa chọn.Có rất nhiều mặt hàng, sản phẩm được ra mắt, bày bán trên thị trường mỗi ngày. Dù rất khó nhưng chúng ta vẫn phải chấp nhận rằng việc người tiêu dùng rất dễ rơi vào tình trạng mua lầm hàng “giả” mà tưởng “thật”. Từ đó dẫn đến tình trạng hàng vẫn được sản xuất ra thị trường với số lượng lớn; người mua vẫn nhiều và người bán cũng liên tục nhập hàng. Các cửa hàng nhỏ lẻ thường sẽ chú ý đến lợi nhuận; và khi nhập hàng giá tốt thì việc bán ra cũng sẽ đạt được nhiều lợi ích hơn.
Nguyên nhân gây nên hiện trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Do Sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt: thuốc bảo vệ thực vật, trừ sâu, diệt nấm, kim loại nặng trên rau xanh, trái cây vượt quá mức cho phép. Quy trình chế biến không nghiêm ngặt, không đảm bảo, không đảm bảo vệ sinh khi chế biến thực phẩm. Sử dụng nước thải sinh hoạt, nguồn nước không đảm bảo trong chế biến. Sử dụng nước thải chăn nuôi để tưới rau; làm cho các hàm lượng kim loại nặng; và các vi sinh vật gây bệnh trong rau, củ, quả cao hơn nhiều so với quy định. Từ đó, gây ảnh hưởng xấu đến tiêu dùng và xuất khẩu.Chính vì thế người tiêu dùng cần nâng cao hiểu biết về chất lượng hàng hóa, đặc biệt chất lượng các loại thực phẩm; thận trọng nhiều hơn trong việc lựa chọn thực phẩm để đảm bảo vệ sinh, rõ nguồn gốc, tránh mua những thực phẩm kém chất lượng, gây những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Khi mua sản phẩm, người tiêu dùng cần xem xét cẩn thận thượng hiệu sản phẩm, hàng hóa và thời hạn sử dụng, kiểm tra kĩ các chỉ tiêu dinh dưỡng và chỉ tiêu liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm ghi trên nhãn hàng.
Người sản xuất và kinh doanh thực phẩm vì lợi nhuận trước mắt mà bất chấp những tác hại đối với người tiêu dùng nhưng bản thân người tiêu dùng chưa thực sự cẩn thận và tỉnh táo khi lựa chọn. Nhiều người tiêu dùng còn dễ dãi và không quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính điều đó gây nên nhiều vấn đề bất cập trong kiểm soát và quản lí chất lượng thực phẩm trong cuộc sống hiện nay.
Bản thân cần xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, cần có trách nhiệm với vấn nạn chung với xã hội, không thực hiện hay tiếp tay cho hành vi sản xuất, chế biến, lưu hành thực phẩm bẩn. Tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của những người xung quanh về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mặc dù chúng ta đã có những tiến bộ rõ rệt trong bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời qua song công tác quản lý an toàn thực phẩm còn nhiều yếu kém, bất cập dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm có xu hướng tăng và ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cộng đồng. Vấn đề đặt ra trước mắt cho việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ có thể được giải quyết tốt nếu có sự tham gia thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, từ người quản lý, người sản xuất, đến người tiêu dùng đều phải đồng lòng thực hiện với mục tiêu: “Giữ gìn sức khỏe cho mọi người” cho thế hệ hôm nay và cả thế hệ tương lai của chúng ta.