Bài tham khảo số 1
Thần thoại Việt Nam là một thể loại cũng mang phong cách huyền huyễn tương tự truyền thuyết, tuy nhiên nó lý giải những điều bình thường và thực tế hơn. Cũng chính vì vậy, những truyện này gần gũi đối với người dân lao động. Hình ảnh cây lúa nước trong những truyện thần thoại Việt Nam rất đa dạng, được sáng tạo nên từ nhiều bàn tay nghệ nhân xây dựng. Đặc biệt, truyện nữ thần Lúa là một truyện thần thoại vô gần gũi với những dân tộc ít người tại Việt Nam.
Trong truyện, nữ thần Lúa được xây dựng là con gái của Ngọc Hoàng, người đứng đầu tam giới. Sau khi con người sinh sôi nảy nở dưới mặt đất, nữ thần Lúa là người ban phép cho nhân gian, tạo ra hạt nảy mầm, kết bông mẩy hạt nuôi sống loài người. Tuy nhiên, do con người thiếu hiểu biết và không tôn trọng thần, người bắt con người phải lao động để kiếm được hạt cơm.
Trong đoạn đầu, nữ thần Lúa được thần tượng hóa, trở thành một vị thần có đầy sức mạnh. Người cũng vô cùng yêu thương con người, tạo ra miếng cơm và còn để cho “lúa chín tự về nhà mà không cần gặt và không phải phơi phóng gì cả”. Cuộc sống ấy chính là cuộc sống mà con người hiện nay mơ ước, không cần đối phó thiên tai mà vẫn có được những hạt lúa mẩy. Và “Cần ăn, cứ ngắt bông vào nồi là lúa sẽ thành cơm.”
Tuy nhiên, cuộc sống như vậy không kéo dài được lâu. Và thứ hủy hoại đi sự tốt đẹp này lại là do con người. Người phụ nữ trong truyện làm trái với tục lệ, không dọn dẹp và còn tỏ ra cáu giận với những bông lúa đang về nhà. Điều đó làm vị thần tức giận, “nhất định không cho lúa bò về nữa.” Từ đây, con người phải đi cắt lúa, phơi phóng rồi xay giã mới có thể tạo ra được hạt gạo để thổi cơm.
Hình ảnh người phụ nữ ẩn dụ ở đây ám chỉ phái nữ mà người thời đó quan niệm, những người dễ cáu giận và hay tính toán chi li, dễ làm hỏng việc. Tuy rằng nghĩa này khiến rất nhiều người tỏ ra bất bình, nhưng đây cũng là một trí tưởng tượng của người xưa trong việc bông lúa không tự về nữa.
Sau câu chuyện, ta còn thấy chi tiết “Trời sai một thiên thần đưa xuống hạ giới một số hạt giống lúa và một số hạt giống cỏ vãi ra khắp mặt đất để nuôi người và vật.” Đó chính là cỏ. Tuy nó cũng có một phần giúp ích cho cuộc sống của người và vật, nhưng cũng giải thích được việc khi có cỏ thì lúa chậm phát triển. “Do đó mà ở trên mặt đất cỏ mọc nhiều mà lại rất khoẻ còn lúa thì ít lại mọc rất khó khăn, nếu không chăm bón, làm cỏ thì bị cỏ át mất.”
Cũng như hiện thực, trong quá trình vun vén, con người hiện nay phải chăm bón và bỏ ra rất nhiều công sức. Sau đó, quá trình để “đưa” hạt lúa về cũng không hề dễ dàng nữa. Quá trình cắt lúa, phơi lúa, xay xát đều mất nhiều thời gian và sức người. Cũng do lỗi lầm trong quá khứ đó, cuộc sống cần nhiều sức lao động hơn.
Tuy nhiên, nếu để ý bạn sẽ thấy ngữ điệu kể chuyện không có sự khó chịu hay tức giận. Họ chấp nhận việc này và cũng chấp nhận phải lao động. Thần thoại Nữ thần Lúa sử dụng nhiều hình ảnh gợi hình, những chi tiết huyền ảo vô cùng hấp dẫn. Nhân vật trong truyện khi xây dựng đều có sự thần thánh hóa, trở thành những vị thần có sức mạnh đúng theo mô típ trong truyện thần thoại.
Nữ thần Lúa là một câu chuyện thần thoại vô cùng đặc sắc với nhiều giá trị nghệ thuật. Câu chuyện giải thích về quá trình thu về hạt lúa - hạt ngọc của trời. Qua đây, ta cũng có thể thấy được những người nông dân ngày xưa, tuy quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng trí tưởng tượng của họ lại vô cùng phong phú.