Bài tham khảo số 1
Nhắc đến mảng văn học dân gian, ta khó mà bỏ qua được truyện cười - một thể loại vừa dân dã, gần gũi, vừa góp phần đem lại nhiều bài học cho bao thế hệ. Trong số đó, “Lợn cưới, áo mới” đã là cái tên quá quen thuộc. Truyện tuy đơn giản nhưng lại mang đến lời phê phán sâu sắc nhằm vào thói khoe khoang của con người.
Nội dung truyện “Lợn cưới, áo mới” rất đơn giản. Đó chỉ là một anh mua được chiếc áo mới, đứng đợi cả ngày trời cũng chẳng ai khen lấy nửa câu. Đến chiều có người chạy qua bắt chuyện thì tình cờ, người đó cũng có tính khoe của. Thay vì hỏi xem có thấy con lợn nào chạy qua thì người ấy lại phải nhấn mạnh là “con lợn cưới”, ý chỉ nhà mình đang có cỗ to. Nhưng anh chàng đầu chuyện cũng chẳng vừa. Mất công đứng lâu như vậy, anh ta vui vẻ, hớn hở mà đáp: “Từ lúc tôi mặc chiếc áo mới này chẳng thấy con lợn nào chạy qua cả”.
Điểm gây cười ở đây chính là sự thừa thãi thông tin trong những câu thoại. Truyện chỉ có hai nhân vật, cuộc hội thoại cũng chỉ vỏn vẹn hai câu. Thế nhưng cả người hỏi và người trả lời đều chẳng ai quan tâm đến điều đối phương muốn biết. Một kẻ khoe lợn, một kẻ khoe áo để cho thỏa cái thói hư vinh, mong đợi sự khen ngợi, công nhận hay ngưỡng mộ, tán dương từ người khác. Điều này không chỉ đem đến tiếng cười sảng khoái cho độc giả mà còn âm thầm châm biếm tật khoe khoang của con người.
Với cốt truyện đơn giản, tình huống gây cười độc đáo cùng hệ thống nhân vật, hình tượng quá đỗi giản dị, thân thuộc, truyện vẫn đủ sức mang tới bài học ý nghĩa về sự khiêm nhường. Đồng thời, phê phán thói hư tật xấu còn tồn tại. Việc người ta ham hư vinh, thích khoe của không phải chỉ ngày xưa mới có mà cho đến ngày nay vẫn có thể thấy rất nhiều. Vậy nên chính việc chạm tới những vấn đề có tầm ảnh hưởng một cách nhẹ nhàng, dí dỏm như trên đã làm nên sức sống lâu bền cho tác phẩm.