Bài tham khảo số 1
Truyện thần thoại luôn là những câu chuyện hấp dẫn cả người lớn lẫn trẻ nhỏ bởi những thông tin lý thú mà nó mang lại. Không chỉ vậy, những chi tiết kì ảo trong thần thoại còn vẽ nên trong đầu ta biết bao tưởng tượng về thế giới từ thuở sơ khai cho đến tận bây giờ. Thần thoại được chia thành nhiều nhóm, song ấn tượng nhất có lẽ là nhóm thần thoại suy nguyên, kể về sự hình thành trời đất, thế gian, vạn vật, kể về các vị thần.
Nằm trong nhóm thần thoại suy nguyên thuộc kho tàng văn học dân gian Việt Nam, truyện “Thần Sét” cũng kể về nguồn gốc hiện tượng tự nhiên. Bằng trí tưởng tượng phong phú của mình, tác giả dân gian đã khéo vẽ nên câu chuyện về thần Sét, nhằm giải thích hiện tượng sấm sét trong tự nhiên: do thần Sét đánh lầm kẻ vô tội nên bị Ngọc Hoàng bắt nằm im trong một đám rừng ở thiên đình.
Ngọc Hoàng ra lệnh cho con gà thần thỉnh thoảng mổ một cái vào người thần Sét khiến thần đau nhói mà không biết làm thế nào được. Khi được Ngọc Hoàng tha tội, hễ cứ nghe thấy tiếng gà là giật mình. Mỗi lần nghe tiếng chớp, biết thần Sét xuống nên người hạ giới thường bắt chước tiếng gà để dọa thần.
Chi tiết này đã khéo léo giải thích hiện tượng sấm sét trên trời, đồng thời giải thích lý do của một số trường hợp không may, khi con người hoặc con vật bị sét đánh chết. Ngoài ra, chi tiết này còn thể hiện kinh nghiệm dân gian của nhân dân trong việc đối phó với các hiện tượng cực đoan của tự nhiên.
Như vậy, ngoài vai trò làm nên sắc thái kì ảo, thiêng liêng cho câu chuyện thần thoại, các yếu tố kì ảo còn là cầu nối để nhân dân lan truyền các kinh nghiệm đối phó với hiểm họa thiên nhiên cho con cháu đời sau.