Bài tham khảo số 1
Đôi khi giáo dục và chơi đùa hòa nhập làm một. Nội dung giáo dục ẩn trốn trong trò chơi và tự thân trò chơi định hướng cho các em vào các hoạt động xã hội. Ai dậy sớm là một bài thơ điển hình nhất cho cấu trúc tinh tế của thơ Võ Quảng:
Ai dậy sớm
Bước ra nhà
Cau xoè hoa
Đang chờ đón!
Ai dậy sớm
Đi ra đồng
Cả vừng đông
Đang chờ đón!
Ai dậy sớm
Chạy lên đồi
Cả đất trời
Đang chờ đón!
Bài thơ chia làm ba khổ, nội dung xoay quanh việc đánh thức trẻ em. Dậy trưa là bản tính tự nhiên của trẻ con. Người lớn đánh thức trẻ con bằng quyền lực. Ít ai có cái khéo như Võ Quảng, biết lấy cái tự nhiên để kích thích một hoạt động tự nhiên. Dậy sớm là một cuộc chơi với bao điều thú vị đang chờ đón: Mùi hoa cau thơm ngát, màu ánh sáng vàng tươi và bao thứ tinh khôi khác của đất trời.
Bài thơ đẹp ở cấu trúc vừa trùng điệp vừa tăng cấp. Trùng điệp ở tiếng gọi của thời gian giục giã: “Ai dậy sớm”, ở tiếng chào mời vang lên thánh thót “Đang chờ đón”. Tăng cấp ở hành động từ chậm đến nhanh dần: “đi”, “bước”, “chạy”, mỗi nhịp vận động là một hơi thở sâu hơn, hít lấy khí trời, hương hoa trong trẻo. Tăng cấp ở không gian từ chật hẹp đến cõi mênh mông “nhà”, “đồng”, “đồi”, mỗi không gian là một tặng vật kì diệu của vũ trụ. Con người tuy nhỏ bé nhưng tự ý thức được sự sống của mình sẽ lớn lên ngang tầm với đất trời.
Đọc văn thơ Võ Quảng ta thấy cùng một lúc hiện thân cả hai con người của ông: Một em bé của một thời ngây thơ và một ông già hóm hỉnh biết tổ chức những cuộc chơi cho con trẻ. Hai con người này tự tương tác như hai tấm gương đối xứng: đứa trẻ ngưỡng vọng chuẩn mực của ông già để lớn lên và ông già soi vào đứa trẻ hồn nhiên trong trắng để thanh lọc hồn mình. Sáng tác của Võ Quảng từ truyện đến thơ luôn là một cuộc hòa giải vô tận như thế.
Võ Quảng viết về trẻ em ở cả hai mặt: tốt và chưa tốt. Nhưng cả hai mặt đều đáng yêu. Ông đã nhìn lại tuổi thơ bằng con mắt hóm hỉnh của người từng trải và bao dung. Điều mà các nhà giáo dục thường đẩy đến mức độ nghiêm trọng thì ông lại tỏ ra trân trọng. Vì lẽ, bản tính tự nhiên của trẻ em là sự hồn nhiên trong trẻo, mọi cái gọi là “hư hỏng” của trẻ con đều do tấm gương hoen ố của người lớn. Sự nghiêm trọng quá mức nào đó đối với trẻ em chỉ tự biến mình thành hài hước trong mắt con trẻ.
Võ Quảng có cả một tập thơ “Măng tre” với nghĩa ngụ ngôn: Măng lớn lên theo lẽ tự nhiên, vươn thẳng lên bầu trời cao rộng, nó chỉ lệch lạc khi môi trường xung quanh nó quá nhiều áp lực mà thôi!