Bài tham khảo số 1
Đồng dao mùa xuân của Nguyễn Khoa Điềm là bài thơ viết về người lính hi sinh nơi chiến trường Trường Sơn trong “Những năm máu lửa”. Tác phẩm thể thiện tình cảm tiếc thương, sự trân trọng, lòng biết ơn,… với những con người đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước. có nhiều dòng thơ thấm thía nỗi đau mất mát: “Anh không về nữa”, “Anh vẫn một mình”, “Anh ngồi lặng lẽ”,… trước sự ra đi của người lính trẻ “Chưa một lần yêu… Còn mê thả diều”. Hình ảnh anh bộ đội bình dị, thân quen với màu áo xanh, ba lô con cóc, làn da sốt rét và đặc biệt là “Cái cười hiền lành” khiến nỗi tiếc thương càng thêm sâu sắc. Nhưng bài thơ không để lại cảm giác bi thương, nặng nề nhờ cách tác giả cảm nhận và khắc họa hình tượng người chiến sĩ đã hi sinh. Anh vẫn ở bên đồng đội trên con đường chiến đấu: “Anh thành ngọn lửa/ Bạn bè mang theo”. Anh hóa thân vào sắc hoa rực rỡ, màu suối biếc xanh, vào vóc dáng núi non hùng vĩ. “Ngày xuân ngọt lành” của người lính ấy không bao giờ mất đi mà sẽ từ núi xanh trở về, hồi sinh trong các thế hệ sau, trong mùa xuân đất nước. Những cảm xúc đẹp đẽ đọng lại trong tâm hồn người đọc còn được nhân lên từ hình thức nghệ thuật đặc sắc của bài thơ. Nhan đề Đồng dao mùa xuân, nhịp điệu của thể thơ bốn chữ, các biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ, nói giảm nói tránh… mang đến cho tác phẩm giọng điệu tươi trẻ của một khúc đồng dao. Người đọc tưởng như nghe vang lên đâu đây lời hát của những đứa trẻ hồn nhiên, tung tăng trên những cánh đồng quê, hạnh phúc trong cuộc sống thanh bình được các anh bảo vệ, gìn giữ. Những sắc màu tươi đẹp: núi xanh, tấm áo màu xanh, mai vàng, suối biếc và sức sống bất diệt của mùa xuân, tuổi thơ, ngày xuân cứ ngời lên bất chấp khói lửa, đạn bom. Bài thơ không chỉ ngợi ca sự hi sinh thầm lặng, lớn lao, cao cả của những người lính mà còn khẳng định sự tiếp nối thiêng liêng giữa các thế hệ để làm nên đất nước muôn đời.