Bài tham khảo số 1
Khác với giai đoạn đầu của văn học trung đại say sưa trong cảm hứng ca ngợi hùng tâm tráng chí của người anh hùng, ca ngợi những chiến công vĩ đại của cả dân tộc, thì đến những thế kỉ 18, 19 khi mà nhà nước phong kiến bắt đầu rơi vào khủng hoảng trầm trọng với sự diễn ra liên miên của các cuộc chiến tranh nội bộ, cướp đi sự bình yên của biết bao mái nhà, văn học lên ngôi và phát triển rực rỡ với cảm hứng nhân đạo, thay cho tiếng nói tha thiết về quyền sống của con người. Trong số đó phải kể đến “Chinh phụ ngâm” của tác giả Đặng Trần Côn, được Đoàn Thị Điểm dịch lại.
Trong 8 câu cuối, ta thấy người chinh phụ đang cố vùng vẫy thoát ra khỏi nỗi buồn bao trùm cả không gian, thời gian, cả tâm hồn. Nàng đã tìm đến yếu tố ngoại cảnh làm cứu cánh. Nhưng ngoại cảnh chỉ là tiếng gà “eo óc” gáy, là “hòe phất phơ rủ bóng bốn bên”, càng gợi sâu hơn vào nỗi lòng nhức nhối, nỗi cô đơn, trơ trọi của nàng trong cảnh “bẽ bàng mây sớm đèn khuya”. Cuối cùng chỉ còn lại người chinh phụ với nỗi nhớ, nỗi sầu triền miên “ đằng đẵng” theo thời gian, "dằng dặc theo thời gian’’. Tuy đã “gượng” đốt hương, “gượng” soi gương, “gượng” gảy ngón đàn mà đến nỗi sợ "hồn đà mê mải”, sợ lệ lại châu chan”, sợi “dây đứt phím chùng” mà đành ngậm ngùi trở về với bi kịch với nỗi cô đơn ngự trị trong tâm hồn mình.Trong đau buồn, cô đơn, nàng người chinh phụ khao khát gửi nỗi nhớ thương da diết trong lòng mình đến nghìn trùng xa xôi, đến nơi có người mình yêu thương.
“Lòng này gửi gió đông có tiện
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.”
Đó là tất cả sự toàn tâm toàn ý, tình cảm thủy chung, tròn đầy và vẹn nguyên nhất được bồi đắp bấy lâu của chinh phụ đều được gửi đến “Non Yên” , để sẻ chia, cũng là để tâm sự nỗi lòng mình, để thể hiện tình cảm, khao khát của mình đối với tình yêu. Non Yên, là một địa danh, có tên cụ thể nhưng không ai biết nó ở đâu, cách đây bao xa. Phải chăng đó chỉ là một hình ảnh tượng trưng cho sự xa xôi cách trở giữa hai con người, cho sự vô vọng của người chinh phụ, cho sự vô vọng của một tình cảm thủy chung, trọn vẹn được gửi đi mà chẳng thể nhận được hồi đáp.
“Non Yên dù chẳng tới miền
Nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời.”
Khoảng cách càng xa xôi, nỗi nhớ càng đậm sâu, da diết, đến trời thăm thẳm xa vời cũng không thể thấu sự cao vời tràn đầy của nó, biển cả mênh mông chẳng thể hiểu được hết độ sâu của nỗi nhớ ấy. Khi suy tưởng đã nguôi ngoai, chinh phụ quay trở về với thực tại, với những cảnh vật gần mình nhất:
“Sương như búa bổ mòn gốc liễu
Tuyết dường cưa xẻ héo cành ngô
Giọt sương phủ bụi chim gù
Sâu tường kêu vắng chuông chùa nện khơi.”
Đêm sâu , trời lạnh, mọi cảnh vật vốn trơ trọi đến khô khốc giờ lại đứng cạnh nhau, soi chiếu vào nhau khiến cho bức tranh trải ra trước mắt chinh phụ lại trải một màu ảm đạm , thê lương, nhức nhối. “Cảnh buồn người thiết tha lòng” hay như Nguyễn Du từng nói: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu”, vậy cảnh ở đây đã nhuốm màu buồn lên hồn người hay chính hồn người đã lan thấm nỗi xót xa vào cảnh vật. Ngoại cảnh mà cũng là tâm cảnh.Nhưng chính sức mạnh ghê gớm nội tại tâm hồn khiến người chinh phụ lại một lần nữa vươn dậy, vươn tới không gian thoáng đạt ngoài kia để tìm cách giải thoát cho tâm hồn mình. Và nàng thấy:
“Lá màn lay ngọn gió xuyên,
Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm
Hoa dãi nguyệt, nguyệt in một tấm,
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông,
Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng…”
Khoảnh khắc bắt gặp hình ảnh hoa nguyệt ấy có lẽ cũng là khoảnh khắc người chinh phụ say sưa với quá khứ êm đềm của mình với người mình yêu thương - gắn bó, quấn quít, kề cận bên nhau không rời. Các từ chỉ hành động liên tiếp nhau “lay, xuyên, theo, dãi, in, lồng, thắm” càng tô đậm thêm khát khao được hạnh phúc , được quấn quít bên người mình yêu thương đến cồn cào, cháy bỏng, rạo rực. Nhưng, đau lòng thay, thực tế là: “Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau.”
Dù cho là hình ảnh hoa nguyệt trùng phùng nhưng chúng vẫn cách xa nhau, là hai thực thể hoàn toàn khác nhau, không thể hòa nhập. Dù là quấn quít bên nhau nhưng đã lùi vào quá vãng, vào miền sâu thẳm của vô vọng rồi. Cùng với lúc niềm khát khao dâng đến tận cùng, nỗi đau cũng tràn đầy, khôn nguôi như xé lòng, chẳng thể cất thành lời.
Chỉ là một đoạn trích nhỏ trong “Chinh phụ ngâm” nhưng “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” đã thể hiện tinh thần chung của cả tác phẩm. Âm hưởng chủ đạo là nỗi buồn sầu sâu lắng. Trên nền âm hưởng ấy, có đôi khi rạo rực những khát khao cháy bỏng, có đôi khi da diết tình cảm thủy chung, nhớ mong. Nhưng dù là cung bậc nào đều thấy được vẻ đẹp của người phụ nữ qua hình ảnh người chinh phụ. Đặc biệt là tiếng nói tố cáo đanh thép chiến tranh phi nghĩa đã gây nên những thương tổn sâu sắc trong tâm hồn con người, những vết thương không bao giờ lành miệng, những trống vắng khó có thể bù đắp được. Đoạn trích đã thể hiện được đầy đủ tinh thần của cả tác phẩm, tư tưởng của tác giả và cả bóng dáng của thời đại lịch sử, của giai đoạn văn học đương thời.