Bài tham khảo số 1
Thạch Lam là một trong số những cây bút lãng mạn xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Với lối viết giàu tâm tình, lời văn bình dị mà gợi cảm, những sáng tác của Thạch Lam luôn mở ra một thế giới thầm kín bên trong của con người với biết bao cảm tưởng, cảm giác và đọng lại trong lòng người đọc thật nhiều dư vị. Và có thể nói, truyện ngắn “Hai đứa trẻ” là một trong số những sáng tác xuất sắc của Thạch Lam. Đọc thiên truyện, người đọc sẽ không thể nào quên được nhân vật Liên - một cô gái nơi phố huyện cũ với nhiều cung bậc cảm xúc, vừa mơ hồ, mong manh, vừa tinh tế và ẩn chứa nhiều ý nghĩa.
Trước khoảnh khắc của ngày tàn, tâm hồn nhạy cảm của Liên đã có những rung động trước sự đổi thay của bức tranh thiên nhiên, cảnh vật. Thiên nhiên lúc chiều tàn nơi phố huyện vừa bình di, gần gũi vừa có gì đó xơ xác, tiêu điều. Đó là âm thanh của tiếng trống thu không, là tiếng kêu râm ran của những chú ếch, chú nhái, là tiếng muỗi đã bắt đầu vo ve. Đó còn là màu sắc, là hình ảnh của “phương tây đỏ rực” và “những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn”, là hình ảnh của dãy tre làng. Tất cả, tất cả những âm thanh, hình ảnh ấy đã quyện hòa vào nhau và tạo nên bức tranh phố huyện lúc chiều về, đồng thời, bức tranh ấy đã có tác động rõ nét đến tâm trạng, cảm xúc của Liên. Trước giờ khắc của ngày tàn, trong đôi mắt của Liên “bóng tối ngập đầy dần”, “cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tầm hồn ngây thơ của chị” và rồi “Liên thấy lòng buồn man mác”. Dường như, có một nỗi buồn ngập tràn và thấm thía trong nỗi lòng của Liên. Nhưng không dừng lại ở đó, Liên còn cảm nhận được vị riêng của đất, của quê hương đã thấm vào trong nỗi lòng, trong con người của chị, đó là “mùi ẩm mốc bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn với mùi cát bụi”. Đặc biệt, khi nhìn thấy hình ảnh của những đứa trẻ con nhà nghèo “cúi lom khom trên mặt đất nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau phiên chợ”, Liên thấy “động lòng thương cảm”. Có lẽ cô thấy thương cho số phận của những đứa trẻ, cho những con người nơi phố huyện nghèo và thương cảm cho cả chính bản thân mình. Như vậy, có thể thấy, Liên là một cô gái có tâm hồn nhạy cảm và đầy lòng trắc ẩn, thương yêu con người.
Khi trời đã bắt đầu về đêm, khi bóng tối đã bao trùm lấy cả không gian phố huyện nghèo, trong Liên lại hiện lên bao nỗi niềm cảm xúc. Trước hơn cả đó chính là Liên đưa mắt nhìn về phía vòm trời xa xa để tìm lấy niềm vui với bao điều bí mật và xa lạ của bầu trời đêm “vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh, lẫn với vệt sáng của những con đom đóm bay là là trên mặt đất” rồi liên tưởng chúng với dải Ngân Hà, với những nhân vật trong thế giới truyện cổ tích thần bí. Và để rồi, những kỉ niệm tuổi thơ với những tháng ngày tươi đẹp lại hiện về trong tâm hồn của Liên. Đó là những ngày tháng gia đình cô còn sống ở Hà Nội, được thưởng thức những món quà ngon và lạ. Nhưng giờ đây, tất cả đã là quá khứ, nó chỉ còn là một miền kỉ niệm không còn rõ rệt trong Liên, để cô lại quay về với cuộc sống thực tại, ngắm nhìn cảnh vật, cuộc sống của những con người phố huyện lúc đêm khuya. Đó là không gian với bóng tối ngập tràn khắp muôn nẻo, là những ngôi nhà đã “đóng cửa im ỉm” . Liên cố đưa mắt tìm ánh sáng nhưng có chăng chỉ là những vệt sáng nhạt nhòa, leo lét trong đêm tối, chỉ là vệt sáng, chấm sáng từ “ngọn đèn con của chị Tí”, “cái bếp lửa của bác Siêu”, ngọn đèn nhỏ trong cửa hàng của chị em Liên,... Bóng tối ngập tràn cảnh vật, còn cuộc sống của những con người phố huyện nghèo thì tẻ nhạt, đơn điệu, ngày này qua ngày khác vẫn mãi một công việc, một suy nghĩ. Trước cuộc sống của những con người nơi phố huyện lúc đêm khuya, Liên không thể không cảm thấy xót xa, cảm thông với những kiếp người nhỏ nhoi sống lay lắt trong bóng tối của cơ cực đói nghèo.
Dẫu nơi phố huyện nghèo, trong Liên luôn hiện hữu một nỗi buồn man mác nhưng đâu đó trong tâm hồn của cô vẫn luôn ánh lên một ánh sáng, một tia hi vọng, một mong ước và một sự đợi chờ trong đêm. Tất cả những nỗi niềm ấy của Liên được nhà văn Thạch Lam khắc họa rõ nét qua cảnh đợi tàu. Đêm nào cũng thế, dù thật muộn, nhưng những con người nơi phố huyện nói chung, chị em Liên nói riêng vẫn thức và háo hức chờ đợi chuyến tàu đi qua. Cũng như những người dân nơi đây, chuyến tàu chính là niềm vui duy nhất trong ngày của chị em Liên, bởi lẽ chuyến tàu ấy đã mang đến cho họ một thế giới khác với cuộc sống buồn tẻ, đơn điệu của phố huyện. Và hơn thế nữa, đó là chuyến tàu ở Hà Nội về nên nó chở đầy ký ức tuổi thơ của hai chị em Liên, mang theo bao kỉ niệm, bao ánh sáng, bao hi vọng và mơ ước về một ngày mai tươi sáng, tốt đẹp hơn để xua tan đi bóng tối ngập tràn nơi mảnh đất này. Như vậy, có thể thấy, việc chờ tàu là việc làm không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của chị em Liên. Cả hai chị em cô đều đón chờ chuyến tàu đêm đi qua với tâm trạng háo hức, vui sướng.
Tóm lại, với cốt truyện đơn giản, ngôn ngữ giàu hình ảnh cùng giọng điệu tâm tình, thủ thủ và ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc, truyện ngắn “Hai đứa trẻ” đã xây dựng thành công nhân vật Liên - một nhân vật với nhiều cung bậc tình cảm, cảm xúc tinh tế và xúc động. Đồng thời, qua nhân vật Liên cũng giúp chúng ta thêm hiểu và thêm trân trọng tấm lòng của nhà văn Thạch Lam với những con người nơi phố huyện nghèo.