Bài tham khảo số 1
Phạm Ngũ Lão được biết đến là một con người văn võ toàn tài. Nổi bật trong các tác phẩm của ông là bài thơ “Tỏ lòng”. Qua bài thơ này, tác giả đã khắc họa được vẻ đẹp con người và quân đội nhà Trần:
“Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu”
Trước hết, hình ảnh người anh hùng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông hiện lên thật đẹp. Khi giặc Nguyên tràn vào xâm lược, chúng đã gây ra bao nhiêu tội ác dã man, tàn bạo. Đối phó với kẻ thù như vậy cần phải có một bản lĩnh phi thường. Cụm từ “hoành sóc” gợi ra hình ảnh người tráng sĩ tay cầm ngọn giáo với tư thế chủ động, tự tin và không hề nhỏ bé. Nhưng trong bản dịch thơ của Trần Trọng Kim lại dịch là “múa giáo” - cách dịch mang tính hoa mỹ, tuy phù hợp với nhịp thơ nhưng không nói lên được được sức mạnh nội lực bên trong. Kết hợp với đó, tầm vóc của người anh hùng còn được thể hiện qua không gian “giang sơn” - đất nước, thể hiện tầm vóc vĩ đại và thời gian “kháp kỉ thu” - mang tính ước lệ, ý chỉ khoảng thời gian kéo dài vô tận. Từ đó, tác giả khẳng định tầm vóc kì vĩ, sánh ngang tầm vũ trụ, lấn át cả không gian và thời gian của người anh hùng thời đại nhà Trần. Họ như những dũng tướng uy phong, lẫm liệt.
Không chỉ vậy, câu thơ tiếp theo, Phạm Ngũ Lão còn cho thấy tiềm lực mạnh mẽ của quân đội nhà Trần. “Tam quân” có nghĩa là ba quân (được biết bao gồm tiền quân, trung quân, hậu quân). Một quân đội tinh nhuệ, đông đảo về số lượng và mạnh mẽ về chất lượng. Quân đội đó còn có một khí thế vững vàng. Hình ảnh so sánh rất độc đáo “tam quân” với “tỳ hổ”. Loài hổ được coi là chúa tể rừng xanh, có uy lực và sức mạnh. Với hình ảnh này, tác giả đã nhấn mạnh sự dũng mãnh của quân đội nhà Trần đã trở thành nỗi khiếp đảm của quân thù. Không chỉ vậy, Phạm Ngũ Lão còn làm rõ sức mạnh ấy bằng hình ảnh “khí thôn ngưu”. Đây là hình ảnh gợi ra hai cách hiểu. Khí thế của ba quân hùng mạnh đến nỗi nuốt trôi trâu, hay khí thế hào hùng ngút trời của quân đội nhà Trần đã làm lu mờ ánh sáng của sao Ngưu trên bầu trời. Dù hiểu theo cách nào, ta cũng đều thấy được khí thế hào hùng của quân đội nhà Trần trước kẻ thù xâm lược. Một quân đội như vậy đủ sức để đánh bại mọi kẻ thù xâm lược.
Như vậy, qua phân tích, với bài thơ Tỏ lòng, Phạm Ngũ Lão đã giúp người đọc thêm hiểu hơn về vẻ đẹp của con người và quân đội nhà Trần, cũng như “hào khí Đông A” vang dội một thời.