Top 5 Bài văn nêu suy nghĩ về vầng trăng trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy (Ngữ văn 9) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5

Bài tham khảo số 1

Nguyễn Duy thuộc thế hệ nhà thơ quân đội trưởng thành trước cuộc chiến chống Mỹ cứu nước. Thơ ông có giàu chất triết lý, thiên về chiều sâu nội tâm với những trăn trở, day dứt, suy tư. Bài thơ Ánh trăng được viết năm 1978, ba năm khi chiến tranh kết thúc. Thông qua cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa vầng trăng và con người, bài thơ là lời nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước, bình dị, hiền hậu, từ đó, gợi nhắc người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thuỷ chung cùng quá khứ. Vầng trăng trong bài thơ là một biểu tượng đa nghĩa.


Trong thi ca trung đại, trăng là biểu tượng của cái đẹp, của thiên nhiên vô tư và thuần khiết. Trong thi ca kháng chiến, trăng là ánh sáng, là người bạn, người thân cùng con người sống và chiến đấu. Trăng canh gác cùng người chiến sĩ trong bài thơ Đồng chí; trăng rọi đường hành quân trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu; trăng tâm tình, sẻ chia trong thơ Hồ Chí Minh,… Có thể nói, vầng trăng luôn kề cận con người mọi lúc, mọi nơi với tấm lòng thủy chung, son sắt bền chặt nhất.

Trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy, một lần nữa, vầng trăng hiện lên với đầy đủ ý nghĩa ấy. Vầng trăng là hình ảnh của thiên nhiên hồn nhiên, tươi mát, là người bạn suốt thời nhỏ tuổi, rồi thời chiến tranh ở rừng. Vầng trăng là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, hơn thế trăng còn là vẻ đẹp bình dị, vĩnh hằng của đời sống.


Thuở bé thơ, cuộc sống nơi đồng quê tuy vất vả gian lao nhưng gần gũi với thiên nhiên, có vầng trăng và cây cỏ. Rồi đến khi đi kháng chiến ở rừng, vầng trăng cũng theo bước hành quân:


“Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỷ”


Trong dòng hồi tưởng, tác giả đã khái quát vẻ đẹp của cuộc sống bình dị, vô tư, hồn nhiên và khẳng định tình cảm gắn bó bền chặt của con người với vầng trăng là “tri kỷ”, “tình nghĩa”. Trăng là người bạn chia sẻ mọi vui buồn, trăng đồng cam cộng khổ, xoa dịu những đau thương, nham nhở của chiến tranh bằng thứ ánh sáng mát dịu. Trăng là người bạn đồng hành trên mỗi bước đường gian lao nên trăng hiện diện như là hình ảnh của quá khứ, là hiện thân của ký ức chan hoà tình nghĩa. Hai từ “tri kỷ” là một sự khẳng định đinh ninh nghĩa tình đậm sâu và bền chặt đến nỗi, con người nghĩ rằng:


“ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa”.


Với sự gắn bó tình nghĩa ấy nhà thơ đã từng tâm niệm “không bao giờ quên”. Giọng thơ hồi tưởng đều đặn nhưng từ “ngỡ” như báo hiệu trước sự xuất hiện của những biến chuyển trong câu chuyện của nhà thơ. Sau chiến tranh, người lính từ giã núi rừng nhưng không trở về miền quê mà lại lên thành phố – nơi đô thị hiện đại – một không gian xa lạ. Khi đó mọi chuyện bắt đầu đổi khác:


“Từ hồi về thành phố

quen ánh điện cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường”.


Sự thay đổi của hoàn cảnh sống – không gian khác biệt, thời gian cách biệt, điều kiện sống cách biệt đã khiến con người đổi thay chóng quánh. Từ hồi về thành phố, con người say mê trong cuộc sống tiện nghi với “ánh điện, cửa gương” rực rỡ sắc màu. Người lính bình dị năm xưa bắt đầu quen sống với những tiện nghi hiện đại như “ánh điện, cửa gương”. Cuộc sống công nghiệp hoá đã làm át đi sức sống của ánh trăng trong tâm hồn con người. Anh lính đã quên đi chính ánh trăng đã đồng cam cộng khổ cùng người lính, quên tình cảm chân thành, quá khứ cao đẹp nhưng đầy tình người.


Vầng trăng tri kỷ ngày nào bỗng dưng trở thành “người dưng”, người khách qua đường xa lạ, còn con người đâu còn son sắt thuỷ chung. Một sự thay đổi phũ phàng khiến người ta không khỏi nhói đau. Tình cảm xưa kia nay chia lìa. Hành động “vội bật tung cửa sổ” và cảm giác đột ngột “nhận ra vầng trăng tròn’ cho thấy quan hệ giữa người và trăng không còn là tri kỷ, tình nghĩa như xưa, vì có người lúc này thấy trăng như một vật chiếu sáng thay thế cho điện sáng mà thôi.

Câu thơ dưng dưng, lạnh lùng, nhức nhối, xót xa miêu tả một điều gì bội bạc, nhẫn tâm vẫn thường xảy ra trong cuộc sống. Có lẽ nào sự biến đổi về kinh tế, về điều kiện sống, tiện nghi lại kéo theo sự thay dạ đổi lòng?. Bởi thế mà ca dao mới lên tiếng nói: “Thuyền về có nhớ bến chăng?”. Nhà thơ Tố hữu trong bài thơ Việt Bắc cũng đã diễn tả nỗi băn khoăn của nhân dân việt Bắc khi tiễn đưa cán bộ về xuôi:


“Mình về thành thị xa xôi

Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng?

Phố đông còn nhớ bản làng

Sáng đêm còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?”


Từ sự xa lạ giữa người với trăng ấy, nhà thơ muốn nhắc nhở: đừng để những giá trị vật chất điều khiển chúng ta. Niềm suy tư của tác giả và tấm lòng của vầng trăng được giải bày trung thực ở hai khổ thơ cuối. Trăng và con người đã gặp nhau trong một giây phút tình cờ, không hẹn trước:


“Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng là bể

như là sông là rừng”


Sự đổi thay của con người không làm vầng trăng cau mặt. Vầng trăng xuất hiện vẫn một tình cảm tràn đầy, không mảy may sứt mẻ. “Trăng tròn” là một hình ảnh thơ khá hay, không chỉ là ánh trăng tròn mà còn là tình cảm bạn bè trong trăng vẫn trọn vẹn, vẫn chung thuỷ như năm xưa. Tư thế “ngửa mặt lên nhìn mặt” là tư thế đối mặt: “mặt” ở đây chính là vầng trăng tròn. Con người thấy mặt trăng là thấy được người bạn tri kỷ ngày nào. Cách viết thật lạ và sâu sắc.


Từ cái đối mặt trực diện ấy, ánh trăng đã thức dậy những kỉ niệm quá khứ tốt đẹp, đánh thức lại tình cảm bạn bè năm xưa, đánh thức lại những gì con người đã lãng quên. Cảm xúc “rưng rưng” là biểu thị của một tâm hồn đang rung động, xao xuyến, gợi nhớ gợi thương khi gặp lại bạn tri kỷ. Ngôn ngữ bây giờ là nước mắt rưng rức dưới hàng mi. Nhịp thơ hối hả dâng trào như tình người dào dạt. Niềm hạnh phúc của nhà thơ như đang được sống lại một giấc chiêm bao. “Ánh trăng” nghĩa tình hiện lên đáng giá biết bao, cao thượng vị tha biết chừng nào:


“Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình”.


Trăng tượng trưng cho quá khứ vẹn nguyên chẳng thể phai mờ, là người bạn, là nhân chứng nghĩa tình mà nghiêm khắc nhắc nhở nhà thơ và cả mỗi chúng ta. Con người có thể vô tình, có thể lãng quên nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì luôn tròn đầy, bất diệt. Mặc cho con người vô tình, “trăng cứ tròn vành vạnh”, không thay đổi gì. Đó là vẻ đẹp tự nó và mãi mãi vĩnh hằng. Đó còn là hình ảnh tượng trưng cho vẻ đẹp và những giá trị truyền thống.


Ở đây, có sự đối lập giữa “tròn vành vạnh” và “kẻ vô tình”, giữa cái im lặng của ánh trăng với sự “giật mình” thức tỉnh của con người. Trăng tròn vành vạnh, trăng im phăng phắc không giận hờn trách móc mà chỉ nhìn thôi, một cái nhìn thật sâu như soi tận đáy tim người lính đủ để giật mình nghĩ về cuộc sống hòa bình hôm nay. Họ đã quên mất đi chính mình, quên những gì đẹp đẽ, thiêng liêng nhất của quá khứ để chìm đắm trong một cuộc sống xô bồ, phồn hoa mà ít nhiều sẽ mất đi những gì tốt đẹp nhất của chính mình.


Trăng tròn vành vạnh là hiện diện cho quá khứ đẹp đẽ không thể phai mờ. ánh trăng chính là người bạn nghĩa tình mà nghiêm khắc nhắc nhở nhà thơ và cả mỗi chúng ta: con người có thể vô tình, có thể lãng quên nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì luôn tròn đầy, bất diệt. Phép nhân hoá trong câu thơ “Ánh trăng im phăng phắc” khiến hình ảnh vầng trăng hiện ra như một con người cụ thể, một người bạn, một nhân chứng, rất nghĩa tình, thủy chung nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc đang nhắc nhở con người. “Ánh trăng im phăng phắc” tuy tĩnh lặng nhưng đủ làm để làm con người “giật mình” tự thức bản thân, nhận ra sự vô tình lãng quên quá khứ tốt đẹp, tức là con người đang phản bội lại chính mình. Nó còn có ý nhắc nhở con người nên trân trọng, giữ gìn vẻ đẹp và những giá trị truyền thống.


Có thể thấy, hình ảnh vầng trăng trong bài thơ trước hết là vầng trăng của tự nhiên. Nhưng vầng trăng còn là biểu tượng của quá khứ đầy tình cảm, khi con người trần trụi giữa thiên nhiên, hồn nhiên, không so đo, tính toán. Khi đó, tâm hồn con người rộng mở, khoáng đạt như sông, như đồng, như bể như rừng. Đó hoàn toàn là những hình ảnh thiên nhiên rộng rãi, hùng vĩ. Nhưng khi kháng chiến thành công thì con người nhốt mình vào cửa kính, buyn – đinh, sống riêng cho mình, cho cái cá nhân nhỏ bé. Bởi thế mà không gần gũi, khổng mặn mà với vầng trăng. Lúc này, trăng tượng trưng cho quá khứ ân tình, thủy chung; cho những tình cảm lớn lao mộc mạc nhưng bất tử, sáng trong mãi mãi.


Con người có thể quên quá khứ, nhưng quá khứ không bao giờ quên. Trăng cứ tròn vành vạnh cũng như quá khứ cứ tươi đẹp, không bao giờ mờ phai, không bao giờ khuyết thiếu. Chỉ có những ai mê mải với cái riêng tư ích kỷ mới có thể dửng dưng vô tình đến vậy. Nhưng vầng trăng ấy bao dung, không “kể chi người vô tình”. Chính thái độ lặng im cao thượng ấy càng làm những ai sớm quên quá khứ nghĩa tình phải giật mình.


Bài thơ “Ánh trăng” là tâm sự của Nguyễn Duy, là suy ngẫm của nhà thơ trước sự đổi thay của hoàn cảnh sống, khi mà con người từ chiến tranh trở về cuộc sống hòa bình. Những sông, đồng, bể, rừng là hình ảnh tượng trưng, nhưng cũng là hình ảnh thật của những người kháng chiến. Thành phố là môi trường mới, là hình ảnh thật của những người kháng chiến không đặt chân tới. Môi trường mới, hoàn cảnh mới làm cho con người sống cách biệt với thiên nhiên cũng có nghĩa là xa dần quá khứ, lạnh nhạt dần với quá khứ. Ánh trăng nghiêm nghị vằng vặc soi sáng hay cũng chính là lời cảnh báo tình trạng suy thoái về tình cảm, sẽ dẫn đến suy thoái lối sống, suy thoái đạo đức. Nó nhắc nhở con người cần thuỷ chung với quá khứ, với những điều tốt đẹp của quá khứ.


Vầng trăng và ánh trăng mang ý nghĩa biểu trưng, trở thành hình tượng xuyên suốt bài thơ, tạo thành dòng chảy liên hồi, là sợi dây kết nối con người trong hiện tại và quá khứ đã qua. Cuộc gặp gỡ tình cờ nhưng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Từ câu chuyện tưởng như là thường tình nhưng đã thức tỉnh con người. Con người tự nhắc nhở thấm thía về thái độ, tình cảm đối với những năm tháng quá khứ gian khổ mà nghĩa tình đối với thiên nhiên, đất nước bình dị. Bài thơ có ý nghĩa nhắc nhở, củng cố người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thuỷ chung cùng quá khứ.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 5 Bài văn nêu suy nghĩ về vầng trăng trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy (Ngữ văn 9) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |