Bài tham khảo số 1
Bình Ngô đại cáo là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất, thể hiện toàn bộ chiều sâu tư tưởng của Nguyễn Trãi. Đối với văn học dân tộc, văn bản được xếp vào hàng danh dự, được coi là áng thiên cổ hùng văn. Để tạo được nên thành công vang dội ấy không thể không kể đến sự đóng góp về phương diện nghệ thuật. Tác phẩm là áng văn chính luận xuất sắc với nghệ thuật lập luận tài tình, điêu luyện.
Nghệ thuật lập luận trong tác phẩm vô cùng tài ba, nó được thể hiện trước hết ở ngay bố cục của văn bản. Tác phẩm chia làm ba phần rõ ràng, mỗi đoạn tương ứng với một nội dung và gắn kết chặt chẽ với nhau tạo nên tính chỉnh thể cho tác phẩm. Đoạn một nêu lên luận đề nhân nghĩa. Đoạn hai nêu lên cơ sở thực tiễn. Đoạn cuối là lời tuyên bố độc lập vô cùng hào sảng.
Để tạo cơ sở chính nghĩa cho toàn bài, mở đầu tác phẩm Nguyễn Trãi nêu lên luận đề nhân nghĩa:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.
Ông khẳng định lập trường chính nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn, tư tưởng nhân nghĩa là tư tưởng nền tảng, cốt lõi mà nghĩa quân đề cao. Đối với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa trước hết là “yên dân” làm cho dân có được cuộc sống yên ổn, hạnh phúc, no đủ. Đặt trong hoàn cảnh lịch sử bấy giờ, muốn “yên dân” cần phải “trừ bạo”, đuổi giặc ra khỏi bờ cõi, đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân.
Tiếp đó ông nêu lên chân lí khách quan về sự tồn tại độc lập của chủ quyền Đại Việt: “Như nước Đại Việt ta từ trước/…/ Song hào kiệt đời nào cũng có”. Tác giả khẳng định sự tồn tại của đất nước là một sự thật hiển nhiên, vốn có, lâu đời. Không những vậy, ông còn xác định những yếu tố căn bản để xác lập nền độc lập dân tộc: cương vực lãnh thổ, phong tục tập quán, truyền thống lịch sử và anh hùng hào kiệt. Đoạn mở đầu tác phẩm như một bản tuyên ngôn độc lập khi Nguyễn Trãi nêu lên nguyên lí chính nghĩa và chứng minh bằng thực tiễn lịch sử dân tộc Việt. Bằng việc sử dụng những câu văn biền ngẫu, biện pháp liệt kê, so sánh, sử dụng những từ ngữ mang tính hiển nhiên Nguyễn Trãi đã khẳng định đanh thép nền độc lập dân tộc ta.
Sau khi đã tạo nên cơ sở tiền đề, để làm rõ, để minh chứng cho luận đề đó, phần thứ hai của tác phẩm ông đã nêu lên cơ sở thực tiễn: tố cáo tội ác của giặc; cuộc kháng chiến đầy gian khổ và thắng lợi cuối cùng của nhân dân ta.
Tố cáo tội ác của giặc của giặc ông đứng trên lập trường nhân nghĩa để vạch trần tội ác của chúng, âm mưu hiểm độc “Phù trần diệt Hồ” chỉ là cái cớ cũng là dã tâm từ lâu của các triều đại Trung Quốc. Nguyễn Trãi đã đưa ra hàng loạt các cáo trạng đanh thép, liệt kê những tội ác mà quân Minh đã gây ra cho nhân dân ta: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ xuống hầm tai vạ”. Trong suốt hơn hai mươi năm quân Minh đã dùng muôn vàn kế để vơ vét của cải của nhân dân ta, chúng còn tàn sát, hủy hoại thiên nhiên. Cuộc sống của nhân dân khốn cùng, họ lâm vào bước đường cùng. Để khái quát tội ác của chúng Nguyễn Trãi đã tổng kết: “Độc ác thay trúc Nam Sơn không ghi hết tội/ Dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa sạch mùi”. Vạch trần tội ác của giặc, đồng thời Nguyễn Trãi cũng hé mở nguyên nhân dẫn đến cuộc kháng chiến: không thể mãi chứng kiến nỗi đau nhân dân phải gánh chịu, nghĩa quân Lam Sơn đã đứng lên chống lại kẻ thù.
Buổi ban đầu nghĩa quân phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thiếu thốn: quân thù đang ở lúc mạnh nhất, ta đang thiếu người hiền ra giúp sức. Những tưởng khó khăn đó không thể vượt qua nhưng tất cả đã bị đầy lùi bởi nghĩa quân luôn bền bỉ, nhẫn nại, tin tưởng vào con đường chính nghĩa đã chọn. Đồng thời họ cũng đã tìm được con đường cứu nước phù hợp: “Thế trận xuất kì, lấy yếu chống mạnh/ Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều”. Sau giai đoạn khó khăn, quân ta ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, liên tiếp giành được những thắng lợi lớn, áp đảo kẻ thù: “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật/ Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”. Trái ngược với khí thế đi lên của nghĩa quân, kẻ thù bại trận: kẻ cầu xin tha tội, kẻ dẫm đạp lên nhau hòng tìm đường thoát thân, tình cảnh vô cùng thảm bại. Nếu như kẻ thù vào xâm lược nước ta hung hãn, bất nhân bao nhiêu thì khi quân ta lấy lại thế chủ động lại hòa hiếu, nhân nghĩa với chúng bấy nhiêu: “Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh”. Ta mở đường sống cho chúng bằng cách cấp cho phương tiện về nước. Làm như vậy là còn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, để cho nhân dân ta được nghỉ sức sau những năm dài chiến đấu.
Kết thúc tác phẩm là lời tuyên bố độc lập: “Xã tắc từ đây vững bền/ Giang sơn từ đây đổi mới”, chiến tranh đã hoàn toàn kết thúc, đất nước độc lập, một thời kì mới mở ra cho đất nước ta. Những lời cuối cùng của bài cáo thể hiện một niềm tự hào, tin tưởng, hi vọng vào tương lai đi lên của đất nước.
Tác phẩm có kết cấu, lập luận vô cùng chặt chẽ, các phần có liên hệ mật thiết với nhau. Gồm mở bài nêu lên cơ sở thực diễn, có diễn biến và kết quả. Không chỉ vậy để làm tăng hiệu quả lập luận, Nguyễn Trãi còn kết hợp nhuần nhuyễn các biện pháp nghệ thuật: so sánh, liệt kê, …
Đoạn thơ không chỉ sử dụng lí lẽ, những biện pháp nghệ thuật để làm tăng hiệu quả lập luận, mà tình cảm của người viết cũng là một trong những yếu tố không thế thiếu khiến cho bài cáo còn đi sâu vào lòng người đọc. Khi nói về những tội ác của giặc giọng điệu vừa đau đớn, vừa căm thù, xót xa; khi nói về buổi đầu của cuộc khởi nghĩa giọng điệu băn khoăn, lo lắng, hi vọng,…
Bình Ngô đại cáo là tác phẩm mẫu mực về nghệ thuật lập luận. Qua nghệ thuật lập luận tài tình, tác phẩm đã cho thấy tài năng của Nguyễn Trãi, cũng như thấy được cuộc kháng chiến chính nghĩa, hào hùng, thấy được tấm lòng nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam.