Bài soạn "Tức cảnh Pác Bó" của Hồ Chí Minh số 5
1. Tác giả
Hồ Chí Minh (1890 – 1969), tại làng Kim Liên – Nam Đàn – Nghệ An.
Người sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo cha là ông Nguyễn Sinh Sắc, mẹ là Hoàng Thị Loan.
Từ nhỏ Hồ Chí Minh đã thông minh và lớn lên đã được tiếp thu tư tưởng làm cách mạng.
Sinh ra trong một thời đại đất nước làm nô lệ, Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước và trở thành vị lãnh tụ đầu tiên của nước Việt Nam.
Bác không chủ tâm làm thơ văn nhưng vì để phục vụ cho cách mạng và yêu thơ văn cho nên Bác đã để lại rất nhiều tác phẩm có giá trị.
2. Tác phẩm
Tháng 2 năm 1941, sau ba mươi năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Bác Hồ trở về Việt Nam để trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến trong nước. Sau khi trở về, Người sống và làm việc trong hoàn cảnh hết sức gian khổ: Bác sống trong hang Pác Bó, một hang núi nhỏ sát biên giới Việt - Trung (thuộc huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng).
Tại đây, Người phải sinh hoạt hết sức khổ cực, thường xuyên phải ăn cháo ngô, măng rừng thay cơm. Bàn làm việc của Người là một phiến đá nhỏ bên bờ suối cạnh hang (con suối này được Bác đặt tên là suối Lê-Nin). Bài thơ "Tức cảnh Pác Bó" nói về cuộc sống của Người trong thời gian sống tại hang Pác Bó, cùng đó bài thơ thể hiện niềm vui trong cuộc sống cách mạng.
Câu 1: Trang 29 sgk ngữ văn 8 tập 2
Bài thơ thuộc thể thơ gì? Hãy kể tên một số bài thơ cùng thể thơ này mà em đã học.
Bài làm:Bài thơ thuộc thể thơ tứ tuyệt, một thể thơ của Trung Quốc, một bài thơ gồm có 4 câu, mỗi câu có 7 chữ. Các tiếng cuối của các câu 1,2,4 hoặc 2,4 hiệp vần với nhau.
Một số bài thơ cùng thể thơ này đã học : Cảnh Khuya, Nguyên Tiêu (Rằm Tháng Giêng), Sông núi nước Nam (Nam quốc sơn hà), Bánh trôi nước, Ngẫu nhiên viết nhân buổi vể quê (Hồi hương ngẫu thư), Tĩnh dạ tứ (Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh), ...
Câu 2: Trang 29 sgk ngữ văn 8 tập 2
Nhận xét giọng điệu chung của bài thơ. Tâm trạng của Bác Hồ ở Pác Bó được biểu hiện như thế nào qua bài thơ? Vì sao Bác lại cảm thấy cuộc sống gian khổ đó "thật là sang"?
Bài làm:
Giọng điệu chung của bài thơ là giọng sảng khoái, tự nhiên, hóm hỉnh pha chút vui đùa.
Tâm trạng của Bác Hồ qua bài thơ: một tinh thần lạc quan, yêu đời. Làm việc hăng say dù trong điều kiện gian khổ, không ngừng cố gắng để giúp cách mjang nước nhà phát triển. Tinh thần lạc quan còn thể hiện ở sự hòa hợp với thiên nhiên một cách tự nhiên của Bác, biến gian khổ khó khăn thành niềm vui, động lực cố gắng.
Những năm tháng sống và làm việc ở Pác Bó, thực tế Bác đã phải trải qua rất nhiều những khó khăn. Thế nhưng những gian khổ ấy, những cháo bẹ, rau măng, bàn đá chông chênh,…không làm mờ đi được niềm tin và niềm vui vì thời cơ của cuộc giải phóng đang tới gần. Có được niềm tin ấy thì những gian khổ nhỏ nhoi trong sinh hoạt cá nhân kia có nghĩa lí gì, thậm chí, tất cả đều trở nên sang trọng. Bài thơ cho thấy nhân cách cao khiết của Hồ Chí Minh, cho thấy sự hi sinh thầm lặng của người cho đất nước.
Câu 3: Trang 29 sgk ngữ văn 8 tập 2
Qua bài thơ, có thể thấy rõ Bác Hồ cảm thấy vui thích, thoải mái khi sống giữa thiên nhiên. Nguyễn Trãi cũng từng ca ngợi "thú lâm tuyền" (niềm vui thú được sống giữa rừng, suối) trong bài Côn Sơn ca. Hãy cho biết "thú lâm tuyền" ở Nguyễn Trãi và ở Bác Hồ có gì giống và khác nhau.
Bài làm:
"Thú lâm tuyền" – cũng như "thú điền viên" – là một tình cảm thanh cao, một nét đẹp có truyền thống từ xưa. Bao triết nhân hiền giả, gặp lúc thời thế nhiễu nhương, lầm bụi, không thể nhập thế hành đạo giúp đời, bạn cùng hoa cỏ gió trăng, giữ tâm hồn trong sạch.
Bài thơ ‘Tức cảnh Pác Bó’ cho thấy rõ ‘thú lâm tuyền’ và niềm vui cảnh nghèo của Bác Hồ khi ở Pác Bó. Người như thật sự hoà nhịp với cuộc sống nơi núi rừng, một cách tự nhiên, hòa nhã.
Niềm vui trong Côn Sơn ca của Nguyễn Trãi là niềm vui của một cư sĩ lui về ở ẩn sống giữa rừng và suối. Tuy nhiên, Bác không phải là một ẩn sĩ trốn đời mà là một nhà cách mạng vĩ đại đang nếm mật nằm gai, hoạt động cách mạng bí mật. Và sự nghiệp cách mạng ấy chỉ cho phép Người hưởng niềm vui thú được sống với rừng, suối (thú lâm tuyền) trong hoàn cảnh ấy đầy gian khổ khi ở Pác Bó và sau đó ở Việt Bắc. Một con người giành cả đời hi sinh cho độc lập dân tộc.
Phần tham khảo mở rộng
Câu 1: Giá trị nội dung và nghệ thuật bài thơ Tức cảnh Pác Bó
Bài làm:
Nội dung:
Hiện thực cảnh sinh hoạt bình dị, nề nếp, gian khổ, thiếu thốn nhưng hết sức lạc quan, tự tin, yêu đời, yêu thiên nhiên của người chiến sĩ cách mạng.
Vẻ đẹp tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của bác Hồ trong cuộc sống cách mạng gian lao ở Pác Bó.. Với người, làm cách mạng và sống hòa hợp với thiên niên là niềm vui lớn.
Nghệ thuật:
Ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng
Là bài thơi tứ tuyệt bình dị, pha lẫn giọng đùa vui tươi, phấn chấn
Ý thơ tự nhiên, phóng khoáng.
Câu 2: Viết đoạn văn cảm nhận về cuộc sống của Bác qua bài thơ Tức cảnh Pác Bó
Bài làm:
Qua Tức cảnh Pác Bó, ta thấy được một nếp sống giản dị, thanh cao và phong thái ung dung, lạc quan, tin tưởng vào tương lai cách mạng của Bác. Sau bao năm bôn ba nước ngoài, Người được trở về với dân tộc Việt Nam. Bác chọn quê hương Cao Bằng, nơi rừng núi hoang vu để làm nơi sống và hoạt động cách mạng. Bài thơ đã khắc họa cuộc sống của người nơi đây với nhịp sống đều đặn (sáng ra – tối vào) và chan hòa với thiên nhiên: bờ suối, hang đá, bẹ, rau măng, bàn đá. Cuộc sống của Người nơi núi rừng khó khăn, thiếu thốn trăm bề, Bác chỉ ăn những thức sẵn từ núi rừng và ngủ trong hang đá lạnh tối. Nhưng Người không cảm nhận đó là sự thiếu thốn, gian truân, câu thơ với nhịp thơ nhịp nhàng gợi ra một tâm thế ung dung, Người hài lòng với cuộc sống hiện tại. Đằng sau cuộc sống mộc mạc, giản dị ấy là công việc lớn lao mà Bác đang theo đuổi, là phong trào cách mạng đang cần sự chỉ đạo sáng suốt của Người. Bên bờ suối Lê- nin nước chảy róc rách, cạnh đó là chiếc bàn đá và quyển sách, hình ảnh Bác Hồ hiện lên như một yếu tố quan trọng đưa bức tranh thiên nhiên tươi đẹp ấy từ tĩnh sang động. Và với người chiến sĩ cách mạng, cuộc đời ấy “thật là sang”, đó là cái sang về mặt tinh thần. Được hoạt động cách mạng, được phấn đấu cho lí tưởng độc lập cho dân tộc là con đường mà cả cuộc đời Người theo đuổi. Niềm vui lớn của Người không phải "thú lâm tuyền" đơn điệu mà trước hết là niềm vui vô hạn của người chiến sĩ yêu nước vĩ đại sau 30 năm xa tổ quốc được trở về sống giữa lòng đất nước yêu dấu, trực tiếp lãnh đạo phong trào. Bài thơ khiến chúng ta thêm khâm phục tinh thần yêu nước thương dân của Bác – người cha già vĩ đại cảu dân tộc Việt Nam
Câu 3: Phân tích từ “sang” trong câu thơ: Cuộc đời cách mạng thật là sang
Bài làm:
Cái sang của cuộc đời cách mạng:
Với Người, niềm vui lớn không phải "thú lâm tuyền" đơn điệu mà trước hết là niềm vui vô hạn của người chiến sĩ yêu nước vĩ đại sau 30 năm xa tổ quốc được trở về sống giữa lòng đất nước yêu dấu, trực tiếp lãnh đạo phong trào. Nhà thơ luôn tìm thấy sự hài hòa tự nhiên ,thư thái, trong sạch với thiên nhiên đất trời.
Đó là sự sang trọng giàu có về mặt tinh thần của những cuộc đời làm cách mạng lấy lí tưởng cứu nước làm lẽ sống, không hề bị khó khăn , gian khổ khuất phục.Bác tin tưởng và nắm chắc thời cơ giải phóng dân tộc đang tới gần. So với niềm vui, tương lai tươi sáng của đất nước thì những khó khăn: hang tối, cháo bẹ, rau măng, bàn đá chông chênh đều trở thành sang trọng vì đó là cuộc đời cách mạng mà Người đã chọn.
Câu thơ cuối đã khẳng định lý tưởng của người chiến sĩ Cộng sản toát lên niềm lạc quan vô hạn.
Chữ sang kết thúc bài thơ có thể coi là chữ thần là nhãn tự kết tinh, tỏa sáng tinh thần toàn bài thơ.