Bài soạn "Trường từ vựng" số 3
1. Trường từ vựng là gì
- Trong thuật ngữ trường từ vựng, có thể hiểu trường là một tập hợp (khái niệm trường được mượn của các ngành khoa học tự nhiên, xuất hiện trong các tập hợp từ như: trường hấp dẫn, trường điện từ...), từ vựng chỉ các từ trong một ngôn ngữ (ở đây là tiếng Việt).
- Như vậy, trường từ vựng là tập hợp của những từ căn cứ vào một nét đồng nhất (nét chung) nào đó về nghĩa.
Một số ví dụ :
+ Trường từ vựng “động vật” gồm các từ: trâu, hò, lợn, gà, dê, khỉ; trống, mái; mõm, đuôi; phi, lồng, ...
+ Trường từ vựng về “biển”: bờ biển, eo biển; bão biển, sóng thần; hải âu, sò huyết, ...
2. Một số đặc điểm của trường từ vựng
a) Trước hết, cần hiểu mỗi trường từ vựng là một hộ thống. Mà đã nói tới hệ thống là nói tới tính cấp bậc, nghĩa là một hệ thống thường bao hàm trong lòng nó những hệ thống nhỏ hơn thuộc các tầng bậc, cấp bậc khác nhau. Nói cách khác, một trường từ vựng có thể bao gồm một số trường từ vựng nhỏ hơn. Ví dụ:
- Trường từ vựng “động vật” nói trên có thể có một số trường nhỏ sau:
+ Tên gọi các loài: gà, chó, lợn, mèo, dê, khỉ, hổ, báo,...
+ Về giống: đực, cái, trống, mái,...
+ Bộ phận cơ thể động vật: đầu, đuôi, mõm, sừng, gạc, vuốt, nanh,...
+ Hoạt động: chạy, phi, lồng, lao, trườn, bò; đánh hơi; cấu, xé, vồ, tha,...
- Trường từ vựng “biển” có các trường nhỏ sau:
+ Địa thế vùng biển: bờ biển, bãi biển, eo biển, cửa biển, vịnh, bán đảo,...
+ Thời tiết biển: bão biển, lốc biển, mưa biển, sóng thần,...
+ Sinh vật sống ở biển: hải âu, hải yến, dã tràng, vích, đồi mồi, hào ngư, sò huyết,...
b) Một từ có thể xuất hiện trong nhiều trường từ vựng. Điều này chỉ xảy ra đối với những từ có nhiều nghĩa. Ví dụ, động từ chạy có các nghĩa cơ bản sau:
- Chỉ hoạt động dời chỗ bằng chân với tốc độ cao: người chạy, con mèo chạy,...
- Tìm kiếm: chạy thầy, chạy tiền,...
- Trốn tránh: chạy giặc, chạy loạn,...
- Vận hành: máy chạy, đồng hồ chạy,...
- Vận chuyển: chạy thóc vào kho,...
Với các nghĩa trên, các trường hợp sử dụng khá phong phú nói trên, từ chạy có thể xuất hiện trong khá nhiều trường từ vựng, như các trường nói về con người, động vật, đồ vật ...
c) Thực chất của hiện tượng chuyển nghĩa của từ (theo các phương thức như ẩn dụ, hoán dụ, nhân hoá, so sánh,...) trong ngôn ngữ, nhất là trong thơ văn - chính là chuyển trường từ vựng (từ trường từ vựng chỉ sự vật, hiện tượng này chuyển sang trường từ vựng chỉ sự vật, hiện tượng khác). Qua việc chuyển trường từ vựng, nghĩa của từ sẽ phát triển ngày càng phong phú, đáp ứng được nhu cầu biểu đạt của con người.
II. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
Câu 1. Em đọc lại văn bản Trong lòng mẹ, chú ý các từ có nét chung về nghĩa là cùng chỉ “người ruột thịt” (người trong gia đình, họ hàng), dùng bút chì gạch dưới những từ này. Ví dụ, các từ: thầy, mẹ, em, cô, cháu, mợ, em hé, anh em, con, hà họ, cậu.
Câu 2. - Muốn đặt được tên trường từ vựng cho mỗi dãy từ, em đọc kĩ từng nhóm từ, xem các từ ấy có nét chung gì về nghĩa. Từ nét chung về nghĩa ấy, em tìm tên gọi thích hợp cho từng trường từ vựng. Ví dụ, nét chung về nghĩa của các từ thuộc nhóm (a) là cùng chỉ các dụng cụ đánh bắt cá. Do đó, có thể đặt tên trường từ vựng này là: “Dụng cụ đánh bắt cá”.
- Cũng tương tự, tên của các trường từ vựng còn lại:
+ Nhóm (b) : “Dụng cụ để chứa, đựng”.
+ Nhóm (c) : “Hoạt động của chân”.
+ Nhóm (d): “Trạng thái tâm lí, tình cảm”.
+ Nhóm (e) : “Tính cách con người”.
+ Nhóm (g) : “Dụng cụ để viết”.
Câu 3. Bài tập này yêu cầu các em đặt tên cho trường từ vựng gồm các từ được in đậm trong đoạn văn của Nguyên Hồng. Muốn tìm được tên gọi thích hợp, em đọc kĩ đoạn văn, chú ý các từ được in đậm trong đoạn văn, xem các từ này có nét chung gì về nghĩa.
Cụ thể, các từ này đều biểu thị tình cảm, thái độ của người nói. Do đó, có thể nói các từ này thuộc trường từ vựng “Tình cảm, thái độ”.
Câu 4. Em lần lượt xét từng từ cho sẵn, xem từ ấy có thể xếp vào trường từ vựng “Khứu giác” hay “Thính giác”. Trong đó, em cần chú ý khả năng chuyển nghĩa (đồng thời là chuyển trường) của một số từ. Những từ mang đặc điểm này có thể xuất hiện ở cả hai trường từ vựng nói trên. Cụ thể như sau:
Trường “Khứu giác”: mũi, thơm, điếc, thính
Trường “Thính giác”: tai, nghe, điếc, thính, rõ
Câu 5*. Hai từ cho sẵn: lưới (danh từ), lạnh (tính từ) đều là những từ nhiều nghĩa. Do đó, mỗi từ này có thể xuất hiện trong nhiều trường từ vựng khác nhau. Bài tập này yêu cầu em tìm các trường từ vựng mà mỗi từ nói trên có thể xuất hiện.
Ở mỗi từ, trước hết, em tìm các nghĩa khác nhau của từ. Sau đó, xem xét từ ấy có thể xuất hiện trong các trường từ vựng nào. Cụ thể như sau:
- lưới:
Trường “Dụng cụ để đánh bắt cá, chim...” (cùng trường với: nơm, chài, vó, bẫy...)
Trường “Phương án vây bắt người” (trong các tập hợp từ: sa lưới mật thám, rơi vào lưới phục kích; cùng trường với: bẫy, phương án, kế hoạch,...)
- lạnh:
Trường “Nhiệt độ” (cùng trường với : mát, ấm, nóng,...)
Trường “Thái độ, tình cảm” (cùng trường với: lạnh lùng, ấm áp, vui vẻ, cơi mở, vồn vã, xởi lởi,...)
Trường “Màu sắc” (cùng trường với: ấm, nóng,...)
Lưu ý: Từ tấn công các em tự làm.
Câu 6. Các từ in đậm (chiến trường, vũ khí, chiến sĩ) vốn đĩ thuộc lĩnh vực nào, thuộc trường từ vựng nào Trong đoạn thơ của Bác Hồ, các từ này được chuyển nghĩa, dùng để nói về lĩnh vực nào, thuộc trường từ vựng nào?
Trả lời được các câu hỏi gợi ý trên, em sẽ xác định được các từ in đậm này được chuyển từ trường nào sang trường nào.
(Đáp án: Chuyển từ trường “Quân sự” sang trường “Nông nghiệp”).
Câu 7. Chủ đề của đoạn văn chi phối việc lựa chọn từ ngữ. Vì vậy, nếu em chọn chủ đề “Trường học” hoặc chủ đề “Bóng đá” để viết thì các từ ngữ thuộc chủ đề em lựa chọn sẽ được huy động. Viết xong, em gạch dưới các từ thuộc trường từ vựng đó (ít nhất năm từ).
Ví dụ: Đoạn văn có năm từ thuộc trường từ vựng "trường học"
Hôm nay tôi đến lớp, trên vai là chiếc cặp nặng trĩu những sách vở, bút thước. Tôi cảm thấy mình đã lớn, sân trường rộng rãi với những hàng cây, lớp học đang chờ đón tôi. Ở trường tôi được học tập, vui chơi, với thầy cô, bạn bè. Tôi muốn mãi được là người học sinh ngoan ngoãn, học giỏi để xứng đáng với ngôi trường này.