Bài soạn "Thuyết minh về một thể loại văn học" số 6
a) Quan sát, nghe – đọc
- Em đã được đọc những bài thơ nào thuộc loại thất ngôn bát cú?
Đọc kĩ hai bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác và Đập đá ở Côn Lôn theo định hướng sau:
- Mỗi bài thơ có mấy dòng? Mỗi dòng thơ có mấy chữ (tiếng)? Số dòng, số chữ ấy có thể thay đổi được không?
- Những tiếng nào được gọi là bằng (kí hiệu là B), tiếng nào được gọi là trắc (kí hiệu là T)? Hãy ghi kí hiệu B hoặc T cho từng tiếng trong bài thơ đó, ví dụ:
Bài Đập đá ở Côn Lôn:
Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn
(B – B – T – T – T – B – B)
Lừng lẫy làm cho lở núi non.
(B – T – B – B – T – T – B)
Xách búa đánh tan năm bảy đống,
(T – T – T – B – B – T – T)
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.
(B – B – T – T – T – B – B)
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
(T – B – B – T – B – B – T)
Mưa nắng càng bền dạ sắt son.
(B – T – B – B – T – T – B)
Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
(T – T – T – B – B – T – T)
Gian nan chi kể việc con con!
(B – B – B – T – T – B – B)
- Thơ ngũ ngôn bát cú có luật đối và niêm như sau:
+ Nếu tiếng bằng (hoặc trắc) ở dòng trên ứng với tiếng trắc (hoặc bằng) ở dòng dưới thì gọi là đối nhau (ví dụ: trai đối với lẫy);
+ Nếu tiếng bằng (hoặc trắc) ở dòng trên ứng với tiếng bằng (hoặc trắc) ở dòng dưới thì gọi là niêm nhau (ví dụ: lẫy niêm với búa);
Dựa vào khái niệm đối và niêm trên, hãy rút ra nhận xét về quan hệ bằng – trắc giữa các dòng thơ.
- Thơ ngũ ngôn bát cú phải tuân thủ nguyên tắc về vần:
+ Vần là bộ phận của tiếng, không kể thanh điệu và phụ âm đầu (nếu có), hiệp vần là sự giống nhau về vần giữa các tiếng (ví dụ: vần on trong bài thơ trên);
+ Vần bằng là vần có thanh huyền và thanh ngang, có thanh hỏi, ngã, sắc, nặng là vần trắc.
Hãy cho biết hai bài thơ trên có tiếng nào hiệp vần với nhau, tiếng hiệp vần ấy là vần bằng hay vần trắc?
- Nhận xét cách ngắt nhịp của các câu thơ trong hai bài thơ. Ví dụ:
Những kẻ vá trời / khi lỡ bước (nhịp 4/3)
Lưu ý những trường hợp ngắt nhịp bất thường.
b) Mỗi một thể loại văn học có những đặc thù riêng, thuyết minh về một thể loại văn học là giải trình về những điểm riêng ấy. Nên gắn việc thuyết minh về thể loại văn học với phương pháp nêu ví dụ để cụ thể hoá vấn đề.
c) Lập dàn ý
- Mở bài:
Trả lời câu hỏi Thơ thất ngôn bát cú là gì?
-Thân bài: Trả lời câu hỏi Thơ thất ngôn bát cú là thể thơ như thế nào
+ Đặc điểm về số câu, số chữ;
+ Các đặc điểm của thể thơ: Đối, Niêm, Vần, Nhịp;
- Kết bài:
Nêu cảm nghĩ của em về đặc điểm của thể thơ (nên dựa vào những bài thơ cụ thể).
II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
1. Qua các truyện ngắn đã đọc (Tôi đi học, Lão Hạc, Chiếc lá cuối cùng,…), hãy thuyết minh về đặc điểm của thể loại truyện ngắn.
Gợi ý:
- Về số độ dài – ngắn;
- Về số lượng nhân vật;
- Về câu chuyện được kể;
- Về ý nghĩa của các truyện ngắn.
2. Đọc văn bản thuyết minh sau và tóm tắt lại những ý chính:
TRUYỆN NGẮN
Truyện ngắn là hình thức tự sự loại nhỏ. Truyện ngắn khác với truyện vừa ở dung lượng nhỏ, tập trung mô tả một mảnh cuộc sống: một biến cố, một hành động, một trạng thái nào đó trong cuộc đời nhân vật, thể hiện một khía cạnh của tính cách hay một mặt nào đó của đời sống xã hội. Do đó truyện ngắn thường ít nhân vật và sự kiện.
Cốt truyện của truyện ngắn thường diễn ra trong một không gian, thời gian hạn chế. Nó không kể trọn vẹn một quá trình diễn biến một đời người mà chọn lấy những khoảnh khắc, những “lát cắt” của cuộc sống để thể hiện. Kết cấu của truyện ngắn thường là sự sắp đặt những đối chiếu, tương phản để làm nổi bật ra chủ đề. Do đó mà truyện ngắn thường là ngắn.
Truyện ngắn tuy ngắn nhưng có thể đề cập tới nhiều vấn đề lớn của cuộc đời. Tác phẩm của nhiều bậc thầy trong thể loại này đã cho ta biết điều đó.
(Theo Từ điển văn học)
3. Đối chiếu những ý chính vừa tóm tắt được trong văn bản trên với dàn ý đã chuẩn bị ở câu trên để tự rút ra những hiểu biết về đặc điểm chính của thể loại truyện ngắn.