Bài soạn "Thuốc" số 3
I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Lỗ Tấn (1881 - 1936) tên khai sinh là Chu Thụ Nhân, tên chữ là Dự Tại, bút danh là Lỗ Tấn. Ông sinh ra ở phủ Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang trong một gia đình quan lại sa sút. Ông thân sinh ra Lỗ Tấn từng đỗ tú tài. Năm Lỗ Tấn 13 tuổi, ông bỗng nhiên lâm bệnh, sau đó, vì không có tiền chạy chữa mà mất. Lỗ Tấn ôm mộng học nghề y từ đấy.
Trước khi học nghề thuốc, Lỗ Tấn từng học nghề hàng hải với mong muốn được đi đây đó để mở mang tầm mắt. Rồi ông lại học nghề khai mỏ với ước vọng góp phần làm giàu cho Tổ quốc. Nhưng đều thất vọng.
Chọn nghề y và được sang Nhật học, Lỗ Tấn mong muốn có thể chữa chạy cho những người nghèo ốm, không có tiền chữa như bố ông. Nhưng khi đang học ở Nhật, trong một lần đi xem phim, ông thấy những người Trung Quốc hăm hở đi xem người Nhật chém một người Trung Quốc làm gián điệp cho quân Nga, ông bỗng thấy chữa bệnh thể xác không quan trọng bằng chữa bệnh tinh thần cho quốc dân. Ông bỏ nghề y và chuyển sang làm văn nghệ từ đó.
Làm văn nghệ, Lỗ Tấn đã chủ trương dùng ngòi bút của mình phanh phui các căn bệnh tinh thần của quốc dân và lưu ý mọi người tìm phương thuốc chạy chữa. Ông đã dũng cảm chỉ cho họ thấy những bước đi sai nhịp trên con đường hành quân tiến vào tương lai.
Tác phẩm chính: các tập truyện ngắn Gào thét, Bàng hoàng, Chuyện cũ viết lại; các tập tạp vãn: Nấm mồ, cỏ dại, Gió nóng, Hai lòng, ...
2. Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, Trung Quốc bị các nước đế quốc xâu xé. Xã hội Trung Hoa biến thành nửa phong kiến nửa thuộc địa, thế nhưng nhân dân lại an phận chịu nhục. Đó là căn bệnh đớn hèn, tự thoả mãn, cản trở nghiêm trọng con đường giải phóng dân tộc. Thuốc ra đời đúng vào hoàn cảnh ấy như một lời cảnh tỉnh những ai còn đang ngơ ngác trước thời cuộc, chỉ ra cho họ thấy rằng Trung Quốc đang như một con bệnh trầm kha chỉ có tiêu diệt hết thứ vi rút đớn hèn mới có cơ hội cứu được con bệnh thập tử nhất sinh ấy.
Lỗ Tấn viết Thuốc ngày 25 - 4 - 1919, rồi đăng trên tạp chí Tân thanh niên đúng vào dịp phong trào Ngũ tứ nổ ra.
II - HƯỚNG DẪN ĐỌC - HlỂU VĂN BẢN
Câu 1. Chiếc bánh bao tẩm máu người trong truyện được những người đao phủ làm ngay sau khi khai đao xử tử kẻ tử tù. Và người ta dùng nó để chữa bệnh lao: con bệnh ăn chiếc bánh bao tẩm máu người ấy. Chiếc bánh bao tẩm máu người trở thành một liều thuốc. Nhưng đó là một liều thuốc độc hại, bởi nó gợi đến suy tưởng về lịch sử Trung Quốc mấy nghìn năm là lịch sử "nhân nhục nhân" - người ăn thịt người! Và vì thế, hình ảnh chiếc bánh bao tẩm máu người trở thành biểu tượng cho sự u mê, tăm tối vì mê tín, dị đoan của những người dân Trung Quốc xưa.
Câu 2. Hạ Du là một nhà cách mạng có nghĩa khí, có tư tưởng cách mạng tiến bộ, chiến đấu vì nhân dân lao động. Nhưng trong cuộc bàn luận trong quán trà, những người nông dân Trung Quốc lại lên án Hạ Du, coi Hạ Du như một thứ giặc cỏ rác. Hành động của những người nông dân Trung Quốc cho thấy họ chưa được giác ngộ về cách mạng, chưa hiểu hết về những người như Hạ Du. Và vì thế, họ chưa ủng hộ cách mạng, cái chết của Hạ Du dường như có điều gì oan ức!
Qua cuộc bàn luận trong quán trà, Lỗ Tấn vừa nhắc nhở vừa nghiêm khắc phê phán những người làm cách mạng thời kì ấy đã mắc bệnh xa rời quần chúng, không làm được công tác dân vận, giác ngộ tư tưởng cho quần chúng nhân dàn.
Câu 3. Không gian nghệ thuật của truyện là tù hãm, ẩm mốc, bế tắc, nhưng thời gian nghệ thuật thì có tiến triển. Từ mùa thu "trảm quyết" đến mùa xuân Thanh minh đã thể hiện mạch suy tư lạc quan của tác giả. Tìm hiểu ý nghĩa của hình ảnh vòng hoa.
Thời gian nghệ thuật của truyện được khuôn vào trong hai thời điểm của mùa thu và mùa xuân. Hai cảnh đầu xảy ra vào mùa thu còn cảnh sau xảy ra vào mùa xuân. Hai con người ra đi vào mùa thu như sự đồng điệu với cái tàn tạ vốn có của mùa. Hai cái chết của hai người trai trẻ có số phận khác nhau và cái cách họ chết cũng không giống nhau. Thế nhưng, đến mùa xuân, hai bà mẹ có chung nỗi đau khổ dường như đã đồng cảm với nhau. Đặt câu chuyện vào thời gian của hai mùa: một mùa có tính chất tàn tạ và khép lại, một mùa có tính chất hồi sinh, tác giả dường như muốn gửi gắm vào đó một niềm hi vọng. Hi vọng về một sự hồi sinh. Dù không có những biểu hiện thật rõ ràng, song với cách kết cấu thời gian nghệ thuật như thế và với hình ảnh "Những cây dương liễu mới đâm ra được những chồi non bằng nửa hạt gạo" ở phần sau của truyện, tác giả đã gieo vào lòng người một niềm tin, một niềm hi vọng về một cuộc sống mới mẻ hơn, đỡ u ám hơn cho những số phận tối tăm, đau khổ trong tác phẩm.
Mùa xuân Thanh minh, người mẹ Hạ Du đến mộ con kinh ngạc về vòng hoa trên mộ con. Không phải vòng hoa của họ hàng. Không phải vòng hoa của hàng xóm... Vậy ắt hẳn, đó là vòng hoa của những người đồng chí của Hạ Du. Vậy là những người cách mạng vẫn còn! Hình ảnh vòng hoa là hiện thân của phong trào cách mạng vẫn đang âm thầm sống và sẽ sống mãnh liệt trong cái mùa xuân tràn trề sức sống ấy.
III - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
Câu 1. Đặc điểm thi pháp truyện của Lỗ Tấn là dung dị, trầm lắng và sâu xa. Bối cảnh của truyện cũng vậy: một quán trà, một pháp trường và một bãi tha ma. Cảnh tượng nào cũng gây cảm giác buồn buồn cố hữu. Quán trà của những người vô công rồi nghề thì nghèo nàn, tẻ nhạt. Pháp trường thì toàn những bóng đen lượn lờ, dưới ánh đèn dầu khi mờ, khi tỏ. Bãi tha ma thì "mộ dày khít như bánh bao nhà giàu trong tiệc mừng thọ", ở giữa có một con đường mòn cố hữu mà nhà văn đã nhắc nhiều lần trong tác phẩm của mình.
Con đường mòn phân chia ranh giới nghĩa địa thành hai phần rõ rệt: bên phải là mộ của người nghèo, bên trái là mộ của những người chết chém. Người dân Trung Quốc lúc bấy giờ rất lạc hậu, họ coi làm cách mạng là "làm giặc", là trái đạo. Hình ảnh con đường mòn được nhắc nhiều lần trong tác phẩm như một sự ám ảnh về lối sống u mê của người dân đương thời, có thể coi "Bối cảnh ấy là bức tranh điển hình của nước Trung Hoa thời trung cổ".
Trong tác phẩm có cảnh mùa xuân, vào tiết Thanh minh, hai bà mẹ đã bước qua con đường mòn cố hữu đến thăm nhau, đó có thể coi là dấu hiệu tốt lành, hứa hẹn sự giác ngộ của người dân Trung Quốc.
Câu 2. Trong phần cuối của truyện, câu hỏi của mẹ Hạ Du: "Thế này là thế nào?" khi nhìn thấy trên nấm mồ của con mình có "những cánh hoa trắng hoa hồng,... không nhiều lắm, xếp thành vòng tròn tròn, không lấy gì làm đẹp, nhưng cũng chỉnh tề" lặp đi lặp lại hai lần như là một điệp khúc gợi nhiều day dứt. Câu hỏi trước hết chính là sự bế tắc, lạ lẫm của bà mẹ khi ngay cả bà cũng không hiểu ý nghĩa việc làm của cậu con trai. Câu hỏi bâng khuâng, có chút gì băn khoăn đau khổ và tự trách. Nó vấn vương sang cả người đọc một nỗi niềm day dứt không yên và không thể không trả lời được. Đặt câu hỏi ở phần cuối truyện khi mọi sự gần như đã lắng xuống, Lỗ Tấn muốn người đọc suy ngẫm để hiểu ý nghĩa của cái chết kia. Đồng thời, nhà văn cũng muốn gửi gắm sự day dứt về mối quan hệ gắn bó giữa quần chúng và cách mạng.
Nguyễn Tuân, khi đọc Thuốc đã có nhận xét: "Cái câu hỏi "Thế này là thế nào?" trong đoạn cuối truyện được láy đi láy lại như một điệp khúc. Nó cũng tác động đến cảm nghĩ của người đọc y như điệp khúc kể khổ trong truyện Cầu phúc... Trong Cầu phúc cũng là một bà mẹ đau khổ, bâng khuâng tự trách. Trong Thuốc lại một bà mẹ đau khổ khác, cũng vấn vương mà tự hỏi "Thế này là thế nào?". Người đọc yên sao được trước những câu hỏi như thế... Hình như nhân vật trong truyện hỏi thẳng vào chính mình".