Bài soạn tham khảo số 5
* Tri thức về kiểu bài:
Kiểu bài: Phân tích, đánh giá một truyện kể: chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật là kiểu bài nghị luận văn học dùng lí lẽ và bằng chứng để làm rõ đặc điểm, giá trị nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện kể như: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười,...
Yêu cầu đối với kiểu bài:
- Về nội dung nghị luận:
Xác định chủ đề và phân tích, đánh giá ý nghĩa, giá trị của chủ đề.
Phân tích, đánh giá được một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật như cốt truyện, tình huống, sự kiện, nhân vật, lời người kể chuyện và lời nhân vật, người kể chuyện, điểm nhìn,... và tác dụng của chúng trong việc thể hiện chủ đề của truyện kể.
- Về kĩ năng nghị luận, bài viết cần đáp ứng các yêu cầu:
Lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, thể hiện được những suy nghĩ, cảm nhận của người viết về truyện kể.
Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tin cậy lấy từ truyện kể.
Sử dụng các câu chuyển tiếp, các từ ngữ liên kết hợp lí để giúp người đọc nhận ra mạch lập luận.
Có các phần mở bài, thân bài, kết bài theo quy cách.
Mở bài: giới thiệu truyện kể (tên tác phẩm, tác giả,...). Nêu khái quát các nội dung chính hay định hướng của bài viết.
Thân bài: lần lượt trình bày các luận điểm làm nổi bật ý nghĩa, giá trị của chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật.
Kết bài: khẳng định lại giá trị của chủ đề và hình thức nghệ thuật của truyện kể; nêu ý nghĩa của tác phẩm đối với bản thân và người đọc.
* Đọc ngữ liệu tham khảo:
Phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của truyện ngụ ngôn Chó sói và chiên con (La Phông-ten).
Câu 1 (trang 26 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1 – Chân trời sáng tạo):
Mở bài, thân bài và kết bài của ngữ liệu đã đáp ứng được đúng yêu cầu của kiểu bài phân tích, đánh giá một truyện kể. Vì:
- Xét về hình thức (đầy đủ cấu trúc bố cục ba phần):
+ Mở bài: ngữ liệu đã giới thiệu được truyện kể sẽ phân tích và hướng làm của bài viết.
+ Thân bài: đã trình bày được các đặc điểm nổi bật: chủ đề và ý nghĩa của chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật (trong đó có phân tích rõ từng hình thức nghệ thuật).
+ Kết bài: đưa ra sự nhận xét về chủ đề và hình thức nghệ thuật và ý nghĩa của tác phẩm đối với bản thân.
- Về cách lập luận: chặt chẽ, mạch lạc, rõ ràng, thuyết phục độc giả.
Câu 2 (trang 26 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1 – Chân trời sáng tạo):
- Các luận điểm trong ngữ liệu được sắp xếp theo trình tự sự việc trung tâm (chủ đề) đến những nét đặc sắc về nghệ thuật.
- Đây là trình tự hợp lí. Bởi vì:
+ Cần làm rõ chủ đề trước để người đọc hiểu vấn đề cốt yếu trong truyện mà chúng ta đang phân tích.
=> Từ đó, người viết nói tiếp những nét đặc sắc về nghệ thuật góp phần tạo nên thành công cho văn bản.
Câu 3 (trang 26 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1 – Chân trời sáng tạo):
Trong mỗi luận điểm, ngữ liệu đã có sự kết hợp giữa lí lẽ, bằng chứng hợp lí, logic, mạch lạc, thuyết phục người đọc, người nghe.
Ví dụ: Ở luận điểm số 2 (Những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật).
- Ngữ liệu đã sử dụng phương pháp phân tích để chia nhỏ ra vấn đề (các hình thức nghệ thuật)
- Ở mỗi hình thức nghệ thuật, ngữ liệu đều chỉ rõ tên hình thức đó, được biểu hiện qua từ ngữ nào và tác dụng ra sao.
- Đưa ra bằng chứng đứng ngay phía sau lí lẽ để bổ sung, minh chứng.
- Cụ thể, ở 3a (Phân tích, đánh giá nghệ thuật tạo tình huống).
- “Thông thường, khi muốn thể hiện lối ứng xử, tính cách của nhân vật nào đó, tác giả truyện ngụ ngôn sẽ đặt các nhân vật trước những tình huống thách thức khó khăn, nguy hiểm” => lí lẽ.
- “Trong truyện Chó sói và chiên con, tình huống nguy hiểm ấy là chiên con đang uống nước thì gặp sói, sói kiếm cớ bắt tội để có lí do “trừng phạt” chú chiên tội nghiệp và hợp thức hóa hành động tàn bạo của mình” => bằng chứng đứng ngay sau lí lẽ để làm rõ.
- “Tình huống và diễn biến ấy khiến cho điều mà người kể chuyện đúc rút, khát quát công khai ở đầu truyện – cái lí luôn thuộc về kẻ mạnh - mỗi lúc một sáng tỏ thêm qua từng chi tiết, từng dòng thơ” => đưa ra tác dụng của hình thức nghệ thuật đó.
Câu 4 (trang 26 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1 – Chân trời sáng tạo):
- Cách người viết phân tích, đánh giá ý nghĩa và giá trị chủ đề có sự mạch lạc, liên kết với nhau, giúp người đọc hiểu rõ chủ đề bài viết và ý nghĩa chủ đề biểu hiện là gì.
- Có sự bao quát chung phù hợp với mọi đối tượng người đọc và mục đích truyện ngụ ngôn viết ra.
Câu 5 (trang 26 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1 – Chân trời sáng tạo):
- Những nét đặc sắc nghệ thuật của truyện kể được người viết nêu ra trong ngữ liệu bao gồm:
- Nghệ thuật tạo tình huống.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật giàu tính biểu trưng.
- Nghệ thuật kể chuyện bằng thơ.
- Nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật thông qua đối thoại.
=> Nhận xét: Những nghệ thuật đặc sắc trên làm nổi bật tính cách nhân vật. Từ đó, chủ đề của truyện kể được làm sáng rõ, tô đậm và để lại những bài học sâu sắc cho người đọc.
Câu 6 (trang 26 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1 - Chân trời sáng tạo):
Từ ngữ liệu trên, những lưu ý em rút ra được khi viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện kể gồm:
- Cần lập dàn ý trước khi viết bài.
- Phân tích, đánh giá theo một trình tự nhất định.
- Cần có sự liên kết mạch lạc, rõ ràng giữa các đoạn văn trong bài, giữa các luận điểm, lí lẽ và dẫn chứng.
- Cần đưa ngay dẫn chứng để chứng minh, làm sáng rõ luận điểm, lí lẽ.
*Thực hành viết theo quy trình
Bài tập (trang 26 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1 – Chân trời sáng tạo):
Hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện kể (thần thoại, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn, truyện cười, truyện cổ tích) mà bạn yêu thích.
Bước 1: Chuẩn bị viết
Xác định tác phẩm truyện, mục đích viết, người đọc
Lựa chọn một truyện kể cụ thể trong số các thể loại như thần thoại, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn, truyện cười, truyện cổ tích mà bạn yêu thích để làm bài. Nên chọn truyện có chủ đề xác định, hình thức nghệ thuật thú vị, thể hiện sâu sắc nội dung, ý nghĩa,... Chẳng hạn:
- Thần thoại: Thần Trụ Trời, Cuộc tu bổ lại các giống vật,...
- Truyền thuyết: Thánh Gióng, Sự tích Hồ Gươm..
- Truyện ngụ ngôn: Thầy bói xem voi, Ếch ngồi đáy giếng,...
- Truyện cười: Đến chết vẫn hà tiện, Đất nứt con bọ hung (truyện Trạng Quỳnh).
- Truyện cổ tích: Sọ Dừa, Em bé thông minh,...
Trả lời các câu hỏi có tính định hướng cho bài viết:
- Mục đích viết của bạn là gì (thể hiện nhận thức, đánh giá của bạn về truyện kể, | luyện tập phát triển kĩ năng, chia sẻ ý kiến với người khác,...)?
- Người đọc bài viết của bạn có thể là những ai (thầy cô giáo bộ môn, bạn bè cùng lớp, phụ huynh,...)?
Thu thập tài liệu
- Tìm những nguồn tư liệu liên quan đến truyện kể từ các báo, tạp chí, sách chuyên luận, trên các trang mạng đáng tin cậy, thư viện,.
- Khi đọc, tham khảo tư liệu, cần ghi chép một số nhận xét, đánh giá về tác phẩm cần cho việc trích dẫn hoặc suy nghĩ tiếp để trao đổi thêm trong bài viết.
Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý
Tìm ý
- Để tìm ý cho việc phân tích, đánh giá chủ đề của một truyện kể, cần trả lời các câu hỏi: Chủ đề của truyện này là gì? Chủ đề đó có gì sâu sắc, mới mẻ? Những tác phẩm nào gần gũi về chủ đề oà giữa chúng có gì tương đồng, có gì khác biệt?,..
- Để tìm ý cho việc phân tích, đánh giá nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm, bạn cần trả lời các câu hỏi: Tác phẩm thuộc thể loại thần thoại, truyện cổ tích, ngụ ngôn,... hay truyện cười?; Thể loại ấy có những điểm gì đáng lưu ý về nhân vật, cốt truyện, điểm nhìn, lời kể,...?; Các đặc điểm hình thức của truyện đã góp phần thể hiện chủ đề như thế nào...?
- Bài viết cần có ít nhất mấy luận điểm? Sắp xếp các luận điểm theo trình tự nào? • Lí lẽ, bằng chứng cần có cho mỗi luận điểm?
Lập dàn ý
- Bạn hãy sắp xếp, trình bày các ý đã tìm thành một dàn ý. Riêng với dàn ý phần thân bài, bạn cần:
- Xây dựng hệ thống luận điểm cho bài viết.
- Tạo lập ít nhất hai luận điểm về nội dung và về nghệ thuật.
Sắp xếp các luận điểm theo nhiều cách:
a. hình thức nghệ thuật trước, chủ đề sau,
b, chủ đề trước, hình thức nghệ thuật sau;
c, kết hợp phân tích, đánh giá chủ đề và hình thức nghệ thuật trong từng luận điểm,...
Ví dụ: Trong ngữ liệu tham khảo, khi phân tích, đánh giá truyện ngụ ngôn Chó sói và chiến con, các luận điểm đã được sắp xếp theo trình tự b:
- Luận điểm thứ nhất: giá trị của chủ đề: tình trạng “kẻ mạnh” bất chấp lẽ phải, ức hiếp, sát hại kẻ yếu trong xã hội. (Lí lẽ và bằng chứng)
- Luận điểm thứ hai: những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật: tình huống truyện độc đáo, nhân vật giàu tính biểu trưng, kết cấu tương phản, lối kể chuyện bằng thơ hàm súc mà hấp dẫn,... (Lilẽ và bằng chứng)
- Nêu rõ ý kiến nhận xét, đánh giá của người viết về những nét đặc sắc của tác phẩm.
- Lược dẫn từ truyện kể một số hình ảnh, chi tiết, biện pháp nghệ thuật tiêu biểu để dàn ý phần thân bài cụ thể hơn.
Bước 3: Viết bài
- Phát triển các luận điểm thành những đoạn văn có câu chủ đề và các câu triển khai ý của câu chủ đề.
- Làm sáng tỏ các luận điểm phân tích, đánh giá về chủ đề và hình thức nghệ thuật bằng việc trích dẫn các hình ảnh, chi tiết, biện pháp nghệ thuật tiêu biểu trong tác phẩm.
- Diễn đạt mạch lạc, thể hiện được những suy nghĩ, cảm nhận của người viết về truyện kể.
- Hình dung lại thật rõ về người đọc và mục đích viết để chọn lựa văn phong phù hợp.
- Sử dụng các câu chuyển tiếp, các từ ngữ liên kết hợp lí để giúp người đọc nhận ra mạch lập luận.
Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa
Bài viết tham khảo
Truyền thuyết dân gian vốn là món ăn tinh thần vô cùng phong phú của dân tộc ta, được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Thuở ấu thơ ta lớn lên nhờ những câu chuyện kể của bà, của mẹ, lúc trưởng thành ta lại ru con ngủ bằng chính những câu chuyện hấp dẫn ấy. Có rất nhiều câu chuyện đã trở nên quen thuộc trong lòng mỗi người ví như Tấm Cám, Sọ Dừa, Sơn Tinh Thủy Tinh hay Thánh Gióng,... Tựu chung lại những truyền thuyết, những câu chuyện cổ ấy đều phản ánh chân thực khát khao của nhân dân ta về một cuộc sống tốt đẹp, lương thiện, về việc chế ngự thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm với một niềm tin tích cực. Sự tích Hồ Gươm cũng chính là một truyền thuyết như vậy. Bối cảnh của truyền thuyết diễn ra trong lúc giặc Minh đô hộ nước ta, tuy đã có nghĩa quân Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa chống giặc, nhưng buổi đầu thế lự còn non yếu, nên vẫn thường thua trận. Long Quân thấy nghĩa quân anh dũng, xả thân vì nước nên quyết định cho mượn gươm thần. Tuy nhiên, việc cho mượn gươm Long Quân cũng thiết kế một cách rất tinh tế, như là một thử thách cho Lê Lợi, bởi cái gì dễ có được người ta thường không trân trọng. Hơn thế nữa việc cho mượn gươm có phần thử thách ấy còn giúp Lê Lợi thu nạp được thêm một vị tướng tài là Lê Thận.
Lê Thận ban đầu vốn làm nghề đánh cá, có lẽ Long Quân đã thấy được khí chất anh hùng và tiềm năng của chàng trai miền biển này nên đã cố tình gửi gắm lưỡi gươm cho Lê Thận. Sau ba lần thả lưới ở ba khúc sông khác nhau mà vẫn vớt được cùng một lưỡi gươm kỳ lạ, đen thui, giống một thanh sắt không hơn không kém, Lê Thận đã quyết định đem về dựng ở xó nhà, vì linh cảm của một người thông minh thì gươm này ắt có điều bí ẩn, sau này có thể dùng được. Theo dòng chảy định mệnh, Lê Thận tham gia nghĩa quân Lam Sơn, trở thành phụ tá đắc lực, lập nhiều công lớn, chiến đấu anh dũng, thế nên có lần Lê Lợi đã ghé nhà Lê Thận chơi. Dương như đã nhận ra chủ tướng Lê Lợi, nên lưỡi gươm đen sì, vốn vẫn gác xó nhà lại sáng rực lên bất thường. Lê Lợi cầm lên xem thì thấy hai chữ "Thuận Thiên", như báo trước cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi lãnh đạo là hợp ý trời, được trời cao ủng hộ. Tuy nhiên đến đây những con người trần mắt thịt vẫn chưa thể nào liên hệ đến sự thần kỳ của lưỡi gươm kỳ lạ ấy.
Chỉ đến một lần, nghĩa quân thất thế, Lê Lợi phải chạy một mình vào rừng tránh sự truy lùng của giặc, lúc này đây vô tình phát hiện ra ánh sáng kỳ lạ ở một ngọn cây trong rừng, Lê Lợi tò mò trèo lên xem thì phát hiện một chuôi gươm nạm ngọc cực đẹp. Là người nhanh nhạy Lê Lợi lập tức liên tưởng đến lưỡi gươm ở nhà Lê Thận, ông liền đem chuôi gươm ấy về. Qủa đúng như vậy, khi lắp lưỡi gươm vào chuôi gươm thì vừa in, sau nhiều lần thử thách cuối cùng chuôi và lưỡi gươm cũng tìm được nhau, ý trời đã phó thác cho Lê Lợi làm việc lớn. Ngoài ra sự tương hợp của chuôi và lưỡi gươm còn thể hiện một lời nhắc nhở rất hay của Long Quân, rằng muốn làm việc lớn trước hết cần sự đoàn kết, nếu chỉ có chuôi gươm đẹp đẽ thì cũng chẳng thể chém đầu tên địch nào, còn nếu chỉ có lưỡi gươm thì cũng chẳng thể dùng bởi thiếu mất chuôi. Hình ảnh chuôi gươm cũng đại diện cho vị chủ tướng là Lê Lợi người lãnh đạo nghĩa quân, lúc nào cũng phải sáng suốt và mạnh mẽ. Hình ảnh lưỡi gươm là đại diện cho quân đội của ta, tiêu biểu là những vị tướng dưới trướng như Lê Thận, người sẽ giúp Lê Lợi chém đầu từng tên giặc cướp nước. Như vậy sự vừa vặn của chuôi và lưỡi gươm chính là biểu hiện của sự phối hợp ăn ý giữa chủ tướng Lê Lợi và nghĩa quân dưới trướng, đó là sức mạnh tổng hòa làm nên chiến thắng của nhân dân ta.
Từ khi có sự trợ giúp của thanh gươm thần, nghĩa quân ta liên tục thắng trận, quân giặc bị đánh đuổi không còn một mảnh giáp, phải đầu hàng và rút quân về nước trong sự nhục nhã. Có được chiến thắng ấy, một phần là nhờ sự thần kỳ của gươm thần mà Long Quân cho mượn, đồng thời gươm ấy đã mang lại niềm tin và nhuệ khí cho nghĩa quân ta, giúp sức mạnh nghĩa quân tăng gấp bội.
Chuyện sau khi Lê lợi đã lên làm vua, trong một lần du thuyền trên hồ Tả Vọng (hồ Gươm bây giờ), thì có rùa Thần lên đòi gươm về cho Long Quân có nhiều ý nghĩa. Đầu tiên là lý lẽ có mượn có trả, Lê Lợi đã chiến thắng quân Minh, đất nước ta đã yên bình, thanh gươm cũng không còn phận sự gì nữa thì nên được trả về cho chủ cũ. Thứ hai là Long Quân muốn gửi gắm một điều rằng, sự trợ giúp của thần linh âu cũng chỉ là một phần nhỏ, còn nếu muốn vận nước hưng thịnh lâu dài thì phải dựa vào tài trị quốc của Lê Lợi, đừng nên ỷ vào việc có gươm thần mà lơ là cảnh giác, bài học của An Dương Vương vẫn còn sáng mãi cho đến tận bây giờ. Dù bất kỳ lý do nào, Long Quân đòi lại gươm cũng thật xác đáng. Câu chuyện trả Gươm cũng giải thích lý do hồ Tả Vọng còn có tên là hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm.
Sự tích Hồ Gươm không chỉ đặc sắc về nội dung mà còn rất phong phú về nghệ thuật Trong truyền thuyết này có hai câu chuyện vừa lồng ghép vừa tách bạch với nhau: câu chuyện mượn gươm và câu chuyện trở gươm. Chúng có nội dung riêng nhưng đồng thời bổ sung nghĩa cho nhau. Không chỉ vậy văn bản là sự kết hợp giữa yếu tố thực và yếu tố tưởng tượng, kì ảo một cách hài hòa, hợp lí. Với sự kết hợp hài hòa các yếu tố kì ảo và sự bền bỉ với các yếu tố lịch sử, Sự tích Hồ Gươm không chỉ giải thích, nguồn gốc ra đời của tên gọi Hồ Gươm. Mà qua câu chuyện này còn nhám ca ngơi, tôn vinh tính chất chính nghĩa, tính chất nhân dân của khởi nghĩa Lam Sơn Tên họ Hoàn Kiếm đồng thời cũng dùng để đánh dấu chiến thắng của dân tộc, thể hiện ước mơ, khát vọng hòa bình của nhân dân.
Truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm là một truyền thuyết có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện lòng tin và khát vọng mạnh mẽ của nhân dân ta về sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Bởi cuộc chiến của nhân dân ta là cuộc chiến vì chính nghĩa, có sự trợ giúp của thần linh, là thuận theo ý trời, những kẻ hung tàn bạo ngược ắt phải thất bại. Sự tích ấy còn là lời lý giải lý thú về những cái tên khác của hồ Gươm.