Bài soạn tham khảo số 4

*Tri thức về kiểu bài

  • Kiểu bài: Văn bản nghị luận một vấn đề xã hội là kiểu văn bản dùng lí lẽ, bằng chứng để bàn luận và làm sáng tỏ về một vấn đề xã hội (một ý kiến, một tư tưởng đạo lí hay một hiện tượng xã hội), giúp người đọc nhận thức đúng về vấn đề và có thái độ, giải pháp phù hợp đối với vấn đề đó.
  • Yêu cầu đối với kiểu bài:
  • Nêu và giải thích được vấn đề nghị luận.
  • Trình bày ít nhất hai luận điểm về vấn đề xã hội; thể hiện rõ ràng quan điểm, thái độ (khẳng định/ bác bỏ) của người viết; hướng người đọc đến một nhận thức đúng và CÓ thái độ, giải pháp phù hợp trước vấn đề xã hội. Liên hệ thực tế, rút ra ý nghĩa của vấn đề.
  • Sử dụng được các bằng chứng thực tế tin cậy nhằm củng cố cho lí lẽ.
  • Sắp xếp luận điểm, lí lẽ theo trình tự hợp lí.
  • Diễn đạt mạch lạc, khúc chiết, có sức thuyết phục.
  • Có các phần: mở bài, thân bài, kết bài theo quy cách của kiểu bài.

Mở bài: nêu vấn đề xã hội cần nghị luận; sự cần thiết bàn luận về vấn đề.

Thân bài: trình bày ít nhất hai luận điểm chính nhằm làm rõ ý kiến và thể hiện quan điểm, thái độ của người viết (trước các biểu hiện đúng sai/ tốt/xấu); sử dụng lí lẽ và bằng chứng thuyết phục.

Kết bài: khẳng định lại tầm quan trọng hay ý nghĩa của vấn đề cùng thái độ, lập trường của người viết.


*Đọc ngữ liệu tham khảo

Câu 1 (trang 56 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1 – Chân trời sáng tạo):

Ngữ liệu đã đáp ứng được yêu cầu về bố cục đối với kiểu bài nghị luận về một vấn đề xã hội hay chưa?

Trả lời:


  • Ngữ liệu trên đã đáp ứng được yêu cầu về bố cục đối với kiểu bài nghị luận về một vấn đề xã hội:
    • Đã nêu và giải thích được vấn đề cần nghị luận.
    • Có hệ thống luận điểm rõ ràng, lí lẽ, bằng chứng thuyết phúc, xác thực, gần gũi.

Câu 2 (trang 56 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1 – Chân trời sáng tạo):

Việc tác giả dùng đoạn đầu trong thân bài để đưa ra cách hiểu về khái niệm “thần tượng” có tác dụng như thế nào trong cách triển khai vấn đề?

Trả lời:


  • Việc đưa ra cách hiểu về khái niệm “thần tượng” ở đoạn đầu trong phần thân bài là rất hợp lí, bởi:
    • Nó sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về vấn đề người viết đang muốn nói tới; là cơ sở cho những luận điểm tiếp theo và tăng sức thuyết phục cho một bài văn nghị luận.

Câu 3 (trang 56 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1 – Chân trời sáng tạo):

Nhận xét về cách người viết sử dụng lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ các luận điểm chính trong văn bản.

Trả lời:


  • Cách người viết sử dụng lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ các luận điểm chính trong văn bản rất thuyết phục, xác thực và được trình bày theo một trình tự hợp lí.
  • Lí lẽ và bằng chứng được sử dụng ngay sau luận điểm chính mà nhờ đó vấn đề nghị luận được làm sáng rõ hơn.

Câu 4 (trang 56 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1 – Chân trời sáng tạo):

Nêu một số từ ngữ, câu văn cho thấy người viết đã chú ý thể hiện quan điểm của mình, nhận xét về cách thể hiện ấy.

Trả lời:

  • Một số từ ngữ, câu văn cho thấy người viết đã chú ý thể hiện quan điểm của mình:
    • “Xung quanh vấn đề này, theo tôi, có mấy câu hỏi cần được trả lời thỏa đáng”.
    • “Theo tôi” được lặp lại nhiều lần.

=> Nhận xét: việc sử dụng một số từ ngữ và câu văn như vậy giúp cho bài viết nghị luận mang tính chủ quan, thể hiện rõ cách nhìn của người viết đối với vấn đề chính trong bài. Từ đó, tìm được sự đồng cảm nơi người đọc về cùng một vấn đề.


Câu 5 (trang 56 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1 – Chân trời sáng tạo):

Bạn rút được kinh nghiệm hay lưu ý gì trong cách trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống từ ngữ liệu trên?

Trả lời:

  • Cần nêu lên quan điểm của cá nhân.
  • Nêu rõ vấn đề mình sẽ nghị luận.
  • Cần có hệ thống luận điểm, dẫn chứng, lí lẽ thuyết phục.

*Thực hành viết theo quy trình

Đề bài (trang 56 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1 – Chân trời sáng tạo) :

Hãy viết văn bản nghị luận trình bày ý kiến về một trong những vấn đề sau:

  • Tầm quan trọng của động cơ học tập;
  • Ứng xử trên không gian mạng;
  • Quan niệm về lòng vị tha;
  • Thị hiếu của thanh niên ngày nay,...

Bước 1: Chuẩn bị viết

  • Xác định đề tài: Bạn có thể chọn một đề tài cụ thể trong hoặc ngoài các vấn đề được gợi ý trong đề bài. Chẳng hạn: bàn luận về động cơ, đức tính trung thực, tinh thần vượt khó,... trong học tập của lớp trẻ; vấn đề thị hiếu của thanh niên ngày nay, ứng xử trên không gian mạng, sự tương trợ đối với người gặp khó khăn, hoạn nạn,... Tuy vậy, nên chọn đề tài theo các tiêu chí:
    • Vấn đề mà bạn quan tâm, có hứng thú trong việc trình bày ý kiến.
    • Vấn đề quen thuộc, gần gũi với bạn và những người cùng độ tuổi.
    • Vấn đề thuận lợi cho bạn trong việc tìm hiểu thực tế, chia sẻ trải nghiệm hay bày tỏ quan điểm, thái độ,... trong bài viết.
    • Vấn đề đang có những ý kiến khác biệt, thậm chí trái ngược nhau.
  • Xác định mục đích viết, đối tượng người đọc
    • Bạn cần trả lời một số câu hỏi như: Mục đích viết bài này là gì? Người đọc bài viết này có thể là ai?
    • Đó là cơ sở giúp bạn lựa chọn nội dung, cách viết cho phù hợp với mục đích viết và đối tượng người đọc.
  • Thu thập tư liệu
    • Để viết được văn bản đáp ứng yêu cầu của đề bài, bạn hãy tự hỏi:
    • Vấn đề liên quan đến các khái niệm nào?
    • Xung quanh vấn đề nghị luận có những ý kiến, quan niệm khác biệt nào?
    • Việc giải quyết vấn đề có ích lợi gì và nên giải quyết thế nào?


Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý

Bạn nên tìm ý bằng cách nêu và trả lời một số câu hỏi dưới đây:

  • Vấn đề cần được khẳng định hay bác bỏ hoặc kết hợp khẳng định với bác bỏ? Từ các câu trả lời đầu tiên này, lại đặt các câu hỏi cụ thể hơn để phát triển ý. Chẳng hạn, tìm ý cho vấn đề ứng xử trên không gian mạng, trước hết bạn cần phân ra các kiểu ứng xử của cư dân mạng thành hai loại hành vi: hành vi đúng đắn, hợp pháp và hành vi sai trái, quá khích, bất hợp pháp, với loại hành vi đúng thì khẳng định, với hành vi sai thì cần bác bỏ. Nhưng từ đây bạn lại đặt và trả lời tiếp các câu hỏi: Thế nào là hành oi đúng đắn, hợp pháp và ngược lại? Khi mọi người hành xử đúng đắn thì có ích lợi gì cho cộng đồng? Có cách nào để tránh được những sai lầm, vi phạm luật pháp trên không gian mạng?
  • Cần có ít nhất mấy luận điểm? Sắp xếp luận điểm theo trình tự nào?
  • Lí lẽ, bằng chứng nào cần có cho mỗi luận điểm?

- Lập dàn ý: Bạn sắp xếp nội dung các phần mở bài, thân bài, kết bài các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong thân bài theo gợi ý trong mục Yêu cầu đối với kiểu bài (trang 54). Trong đó, cần tập trung phát triển dàn ý phần thân bài.

Ví dụ: Cũng với đề bài trên, nếu chọn vấn đề quan niệm về thần tượng như ở ngữ liệu tham khảo trên đây, dàn ý phần thân bài có thể là:

  • Luận điểm thứ nhất: Thần tượng là gì, một hình mẫu như thế nào thì được xem là thần tượng? hoặc: Xác định cách hiểu đúng về thần tượng. (Lí lẽ, bằng chứng)
  • Luận điểm thứ hai: Vì sao có tình trạng ngộ nhận về thần tượng? hoặc: Giải thích lí do dẫn đến sự ngộ nhận về thần tượng. (Lí lẽ; bằng chứng)
  • Luận điểm thứ ba: Chúng ta cần đến thần tượng để làm gì? hoặc: Mục đích của việc tìm kiếm thần tượng: không phải chỉ để nhìn ngắm, tôn thờ mà còn để tự vuon lên. (Lí lẽ; bằng chứng)

Bước 3: Viết bài

  • Triển khai dàn ý thành đoạn, thành bài.
  • Mỗi luận điểm nên trình bày thành một đoạn với lí lẽ và bằng chúng.
  • Trong mỗi đoạn văn, cần có câu chủ đề nêu rõ nội dung luận điểm.
  • Về trình tự, có thể đưa lí lẽ trước, bằng chứng sau hoặc nêu lí lẽ đến đâu, đưa bằng chứng đến đấy.
  • Dùng các từ ngữ liên kết cấu, liên kết đoạn để tạo sự mạch lạc cho bài viết, giúp người đọc dễ theo dõi các ý của bài viết.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa

Sau khi viết xong, hãy đọc lại bài viết của mình và chỉnh sửa theo những gợi ý trong bảng kiểm dưới đây:


* Viết văn bản nghị luận về tầm quan trọng của động cơ học tập:

Dàn ý

Mở bài: Nêu vấn đề xã hội cần nghị luận: Tầm quan trọng của động cơ học tập

Thân bài

  • Giải thích thế nào là động cơ học tập?
  • Động cơ học tập là việc xác định đúng mục đích, nhiệm vụ, mục tiêu học tập để từ đó có hướng học tập đúng đắn.
  • Khi nào động cơ học tập được hình thành?
    • Động cơ được hình thành dần dần trong quá trình học tập của học sinh
    • Có thể chia làm hai loại động cơ là động cơ bên ngoài và động cơ bên trong.
  • Động cơ học tập có vai trò quan trọng như thế nào với mỗi người học?
  • Xác định động cơ học tập đúng đắn sẽ giúp người học đạt được kết quả học tập tốt, có hướng phấn đấu trong học tập.
  • Để kích thích động cơ học tập của học sinh cần phải làm gì?
  • Tạo động lực cho các em bằng cách đưa ra các tấm gương trong gia đình, nhà trường, xã hội; kích thích, cổ vũ, động viên các em để đạt được kết quả học tập cao…

Kết bài: Khẳng định tầm quan trọng của động cơ học tập.


Bài làm tham khảo

Học tập là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà mỗi người cần phải xác định cho mình, đặc biệt là với mỗi học sinh. Để việc học đạt hiệu quả mỗi người nên xác định cho mình một động cơ học tập đúng đắn. Vậy động cơ học tập là gì? động cơ học tập có vai trò quan trọng như thế nào với mỗi người?


Chúng ta hiểu động cơ học tập là việc xác định nhiệm vụ, mục tiêu học tập đúng đắn. Trên cơ sở có mục tiêu học tập đó, mỗi người sẽ có ý thức phấn đấu để hoàn thành mục tiêu và đạt được kết quả cao trong học tập. Mỗi người sẽ có mỗi động cơ học tập khác nhau, không ai giống ai cả. Dù động cơ học tập khác nhau nhưng đều giống nhau ở mục tiêu và kết quả đạt được, đó là kết quả học tập tốt. Trên thực tế không phải ai cũng xác định được mục tiêu học tập cả, có người có ý thức, trách nhiệm thì luôn luôn xác định được mục tiêu học tập đúng đắn, phấn đấu để đạt được mục tiêu đó. Trường hợp này thì lại thường rơi vào những người có sự chăm chỉ và có kết quả học tập tốt. Ngược lại những người có lực học kém, thường xuyên ỷ lại vào người khác sẽ không có động cơ học tập rõ ràng, hậu quả là việc học đã kém lại càng kém hơn, thành tích học tập không được như mong muốn.


Động cơ học tập hình thành từ khi nào? Chúng ta không thể ép học sinh mầm non, tiểu học mới chập chững đi học đã xác định được mục tiêu, động cơ học tập ngay được. Động cơ học tập hình thành trong quá trình lâu dài, được tích lũy dần dần và chỉ thực sự rõ ràng khi học sinh đã có những nhận thức, suy nghĩ đúng đắn, chính xác về việc học của mình. Có những bạn hình thành động cơ học tập từ rất sớm ngược lại lại có những người trải qua rất nhiều những thay đổi, biến động, đả kích về tinh thần hoặc nhiều lý do khác mới hình thành cho mình được động cơ học tập… Với động cơ học tập chúng ta có thể chia nó làm hai loại: một là động cơ bên trong hai là động cơ bên ngoài. Động cơ bên trong chính là mục tiêu phấn đấu mà người học đề ra để mình đạt được; động cơ bên ngoài là những ảnh hưởng, tiêu chí của xã hội đặt ra và nó cũng có tác động không nhỏ đến người học, là yếu tố thúc đẩy mỗi người hình thành được mục tiêu cho mình.


Như chúng ta đều biết động cơ học tập có vai trò vô cùng quan trọng với mỗi người. Nhờ có động cơ học tập người học có phương hướng, mục tiêu học tập để từ đó hoàn thành được giấc mơ của mình. Chẳng hạn một người có động cơ học tập là đạt học bổng để đi nước ngoài du học thì họ sẽ luôn có ý thức phấn đấu, nỗ lực để hoàn thành được mục tiêu đó. Nếu có được những động cơ học tập phù hợp, việc học sẽ không còn áp lực với mỗi học sinh, chúng sẽ thấy đó là điều thú vị cần phải chinh phục được. Từ đó, kết quả học tập sẽ được cải thiện rất nhiều.


Để có được động cơ học tập mỗi người cần phải xác định được tầm quan trọng của việc học, mục tiêu rõ ràng ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó việc hỗ trợ của cha mẹ, thầy cô và bạn bè xung quanh cũng là những yếu tố cần thiết giúp mỗi người học nhận thức được đúng đắn nhiệm vụ của mình. Cha mẹ cũng không nên quá áp đặt, so sánh để tạo áp lực cho con cái. Mà hãy dành sự nhẫn nại, kiên trì, giảng giải từ từ để con em hiểu được tầm quan trọng của học tập.


Với mỗi học sinh xác định được động cơ học tập là điều vô cùng quan trọng, đó là bước đệm và là tiền đề để mỗi người có hướng phấn đấu trong học tập, hoàn thành được những mục tiêu đề ra, chinh phục được con đường học vấn của mình.

Hình minh họa
Hình minh họa
Hình minh họa
Hình minh họa

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |