Bài soạn tham khảo số 2
1. Chuẩn bị.
Câu hỏi trang 55 SGK Ngữ văn tập 1: Khi đọc du kí, các em cần chú ý:
+ Văn bản viết về chuyến đi đến đâu? Đi bằng phương tiện gì? Thái độ và cảm xúc của người viết ra sao?
+ Cảnh sắc và con người ở đó như thế nào? Tác giả ghi lại bằng cách miêu tả, kể chuyện, phát biểu cảm nghĩ hay kết hợp các yếu tố đó?
+ Bài du kí mang lại cho em hiểu biết, thái độ và tình cảm gì?
Trả lời
- Văn bản viết về chuyến đi đến Đồng Tháp Mười. Đi bằng phương tiện xe máy. Thái độ của người viết rất hào hứng, say mê tìm hiểu về vùng đất mới.
- Cảnh sắc và con người ở Đồng Tháp Mười: Cảnh sắc đơn sơ, mộc mang đậm đà chất dân tộc và con người thì thân thiện, năng động, hiền lành. Tác giả đã kết hợp cả ba cách là miêu tả, kể chuyện và phát biểu cảm nghĩ khi viết bài kí này.
- Bài du kí giúp cho em hiểu biết về văn hóa, đặc điểm thiên nhiên ở vùng Đồng Tháp Mười. Từ đó gợi cho em sự thích thú, hào hứng khi biết thêm nhiều điều về một vùng đất mới.
Câu hỏi trang 55 SGK Ngữ văn tập 1: Tìm hiểu về loại hình du lịch mới ngày nay với tên gọi “du lịch sinh thái”, du lịch ở vùng miền Tây Nam Bộ được gọi là “du lịch miệt vườn”; về vùng Đồng Tháp Mười, Nam Bộ.
Trả lời
- Du lịch sinh thái / miệt vườn là là loại hình du lịch sinh thái gắn liền với những vườn cây ăn trái rộng lớn và trù phú. Với những thuận lợi về đất đai, khí hậu và hệ thực vật phong phú, du lịch sinh thái miệt vườn rất phát triển ở vùng Nam Bộ nước ta, đem đến lợi ích kinh tế cho người dân địa phương.
Câu hỏi trang 55 SGK Ngữ văn tập 1: Đọc trước văn bản Đồng Tháp Mười mùa nước nổi, tìm hiểu thêm thông tin về tác giả Văn Công Hùng.
Trả lời
Tìm hiểu về tác giả Văn Công Hùng
- Cuộc đời:
+ Văn Công Hùng sinh ngày 19-5-1958, quê quán Điền Hoà, Phong Điền, Thừa Thiên Huế.
+ Ông sinh ra và lớn lên, học phổ thông ở Thanh Hoá, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Huế năm 1981,
- Sự nghiệp:
+ Xung phong lên Gia Lai-Kon Tum công tác, từng làm cán bộ Sở Văn hoá thông tin, sưu tầm nghiên cứu văn hoá dân gian, phóng viên báo Văn hoá, Thư ký toà soạn tạp chí Văn nghệ Gia Lai, giảng dạy tại Trường Trung học Văn hoá nghệ thuật Gia Lai...
+ Ông hiện là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá 8, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai, Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Gia Lai.
- Tác phẩm đã xuất bản: Bến đợi (thơ, 1992) / Hát rong (thơ, 1999) /Ngựa trắng bay về (trường ca, 2002)
2. Đọc hiểu
a. Trong khi đọc
Câu hỏi trang 55 SGK Ngữ văn tập 1: Lũ quan trọng như thế nào đối với Đồng Tháp?
Trả lời
- Có thể nói lũ rất quan trọng với những người dân vùng Đồng Tháp Mười, lũ là nguồn sống của cư dân miền sông nước, lũ mang phù sa về, nếu không có lũ người dân sẽ thiếu nước ngọt nghiêm trọng, cuộc sống sinh hoạt của con người sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cây cỏ khô rụi.
Câu hỏi trang 56 SGK Ngữ văn tập 1: Thế nào là" tràm chim"?
Trả lời
- “Tràm chim” tức là tràm và chim gồm những cây tràm kết thành rừng và chim thì dày đặc thành vườn.
Câu hỏi trang 56 SGK Ngữ văn tập 1: Món ăn nào là đặc sản của Đồng Tháp Mười?
Trả lời
- Món ăn đặc sản của Đồng Tháp Mười là cá linh kho ngót và bông điên điển xào tôm.
Câu hỏi trang 57 SGK Ngữ văn tập 1: Sen ở Đồng Tháp Mười có gì đặc biệt?
Trả lời
- Sen ở Đồng Tháp Mười rất đặc biệt so với sen ở các vùng khác sen ở đây chen giữa rừng tràm, không chen chúc chật chội chúng chiếm những không gian lớn bát ngát chỉ mình sen.
Câu hỏi trang 57 SGK Ngữ văn tập 1: Khu di tích Gò Tháp có những gì đặc sắc?
Trả lời
Khu di tích Gò Tháp có những nét đặc biệt như rộng khoảng 5000 mét vuông, cao hơn khoảng 5 mét, nằm giữa rốn Đồng Tháp Mười sàn sạt, lênh loang nước nên nó trở thành của hiếm, gắn liền với lịch sử chống Mĩ cứu nước. Hơn thế nơi đây còn khai quật được di tích nền gạch cổ niên đại 1500 năm trước.
Câu hỏi trang 58 SGK Ngữ văn tập 1: Tác giả có cảm nhận gì về Đồng Tháp Mười qua thành phố Cao Lãnh?
Trả lời
- Những cảm nhận của tác giả về Đồng Tháp Mười.
+ Con người: vui vẻ sống, hiền lành sống, năng động sống...
+ Cuộc sống ở đây: bình dị an lành, tự tin khẳng khái.
+ Tạo nên một Đồng Tháp Mười năng động, hiện đại đô thị Cao Lãnh vừa trẻ trung lại có gu kiến trúc...
b. Sau khi đọc
Câu 1 trang 58 SGK Ngữ văn tập 1: Tác giả của bài du kí Đồng Tháp Mười mùa nước nổi đã lựa chọn, giới thiệu những gì để làm nổi bật màu sắc riêng của Đồng Tháp Mười?
Trả lời:
- Tác giả đã lựa chọn, giới thiệu những điều sau để làm nổi bật Đồng Tháp Mười: Giới thiệu về đặc điểm và vai trò của lũ với mảnh đất này, về những địa danh nổi tiếng, về những món ăn quen thuộc, về nét riêng biệt loài hoa sen ở đây, khu di tích Gò Tháp, cuối cùng là về con người và nhịp sống ở nơi đây.
Câu 2 trang 58 SGK Ngữ văn tập 1: Tình cảm của tác giả thể hiện như thế nào khi viết về Đồng Tháp Mười? Hãy chỉ ra một số câu văn thể hiện rõ tình cảm ấy.
Trả lời:
- Tình cảm của tác giả khi viết bài kí này là tình cảm say mê, thích thú và trân trọng mảnh đất này. Được thể hiện qua một số câu văn như “Người dân ở đây vui vẻ sống, hiền lành sống,...năng động hiện đại” và “bằng nỗi khao khát .... quốc hồn quốc túy đồng bằng ấy”
Câu 3 trang 58 SGK Ngữ văn tập 1: Từ văn bản trên, theo em, bài du kí về một vùng đất mới cần chú ý giới thiệu những gì?
Trả lời:
- Từ bài du kí trên theo em để viết một bài du kí về vùng đất mới cần phải đặc biệt chú ý giới thiệu những đặc điểm nổi bật, riêng khác của mảnh đất đó để người đọc khi đọc bài du kí đó sẽ lưu lại những ấn tượng sâu sắc.
- Đồng thời qua bài kí cũng cần thể hiện được cảm xúc, tâm trạng của mình về vùng đất mới đó.
Câu 4 trang 58 SGK Ngữ văn tập 1: Việc sử dụng ngôi kể thứ nhất trong bài du kí có tác dụng gì?
Trả lời:
- Việc sử dụng ngôi kể 1 sẽ có tác dụng tạo được sự chân thật, gần gũi, sinh động, người đọc sẽ cảm nhận được tình cảm, cảm xúc chân thực của tác giả.
Câu 5 trang 58 SGK Ngữ văn tập 1: Nếu được đi thăm Đồng Tháp Mười, em sẽ đến nơi nào nêu trong bài du kí? Vì sao?
Trả lời:
- Nếu được đến thăm Đồng Tháp Mười thì em sẽ đi thăm “Tràm chim” đầu tiên vì em rất tò mò về những cây tràm kết thành rừng và chim dày đặc thành vườn như thế nào.