Bài soạn tham khảo số 2
I. ẨN DỤ
Câu 1 (trang 135 sgk Ngữ Văn 10 Tập 1):
a. Nội dung ý nghĩa khác là:
- Các hình ảnh thuyền (con đò) - bến (cây đa) lần lượt tạo nên ý nghĩa tượng trưng cho hình ảnh người ra đi và người ở lại. Do đó,
- Câu (1) trở thành lời thề ước, hứa hẹn, nhắn nhủ về sự thủy chung.
- Câu (2) trở thành lời than tiếc vì thề xa "lỗi hẹn".
b. Các từ thuyền, bến ở câu (1) và cây đa bến cũ, con đò ở câu (2) có sự khác nhau nhưng chỉ là khác ở nội dung ý nghĩa hiện thực (chỉ sự vật). Xét về ý nghĩa biểu trưng, chúng là những liên tưởng giống nhau (đều mang ý nghĩa hàm ẩn chỉ người đi - kẻ ở). Để hiểu đúng ý nghĩa hàm ẩn này, thông thường chúng ta giải thích rằng: Các sự vật thuyền - bến - cây đa, bến cũ - con đò là những vật luôn gắn bó với nhau trong thực tế. Vì vậy chúng được dùng để chỉ "tình cảm gắn bó keo sơn" của con người. Bến, cây đa, bến cũ mang ý nghĩa hiện thực chỉ sự ổn định, vì thế nó giúp người ta liên tưởng tới hình ảnh người phụ nữ, tới sự chờ đợi, nhung nhớ, thủy chung. Ngược lại thuyền, con đò thường di chuyển không cố định nên được hiểu là người con trai, hiểu là sự ra đi. Có nắm được quy luật liên tưởng như vậy, chúng ta mới hiểu đúng ý nghĩa của các câu ca dao trên.
Câu 2 (trang 135 sgk Ngữ Văn 10 Tập 1): Tìm và phân tích phép ẩn dụ:
(1) Hình ảnh ẩn dụ: lửa lựu (hoa lựa đỏ như lửa nên gọi là lửa lựu). Cách nói ấn dụ này đã miêu tả được cảnh sắc rực rỡ của cây lựu, đồng thời nói lên sức sống mãnh liệt của cảnh vật ngày hè.
(2) Biện pháp ẩn dụ được dùng là: thứ văn nghệ ngòn ngọt, sự phè phỡn thỏa thuê, cay đắng chất độc của bệnh tật, tình cảm gầy gò, cá nhân co rúm. Ý nói đến thứ văn nghệ mơ mộng, trốn tránh thực tế, hoặc không phản ánh đúng bản chất hiện thực (… thứ văn nghệ ngòn ngọt bày ra sự phè phỡn thỏa thuê hay cay đắng chất độc của bệnh tật), sự thể hiện tình cảm nghèo nàn, thiếu sáng tạo (tình cảm gầy gò) của những tác giả chỉ mãi đi theo lối mòn, không có sự sáng tạo, không dám đổi mới (những cá nhân co rúm lại).
(3) "Giọt" âm thanh của tiếng chim chiền chiện cho ta thấy âm thanh của tiếng chim thanh trong tựa như những giọt sương ngày sớm, khe khẽ rơi để đánh thức không gian tĩnh lặng.
(4) "Thác": những cản trở trên đường đi (ý nói những trở lực, khó khăn trên con đường cách mạng); "chiếc thuyền ta": con thuyền cách mạng. Ý cả câu: dẫu con đường cách mạng có nhiều khó khăn, gian khổ nhưng sự nghiệp cách mạng dân tộc vẫn luôn vững tiến.
(5) Phù du: Một loại sâu bọ sống ở nước, có cuộc sống ngắn ngủi. Dùng hình ảnh con phù du để chỉ cuộc sống tạm bợ, trôi nổi, không có ích; phù sa: chất màu mỡ, chỉ cuộc sống có ích.
Câu 3 (trang 135 sgk Ngữ Văn 10 Tập 1): Ví dụ một số câu văn có dùng phép ẩn dụ:
a. Ngoài trời đang mưa thì phải. Từng giọt, từng giọt rơi... tiếng rơi rất mảnh.
b. Tức mình bà ta quát: Anh là loại đàn ông mặc váy!
c. Cho đến tận bây giờ, khi cuộc sống đã sung túc, ông vẫn không bao giờ quên những tháng ngày tăm tối của mình khi còn trẻ.
II. HOÁN DỤ
Câu 1 (trang 136 sgk Ngữ Văn 10 Tập 1):
a.(1) Đầu xanh: tóc còn xanh, ý nói người còn trẻ.
Má hồng: Gò má người con gái thường ửng hồng rất đẹp, dùng hình ảnh đó để nói đến người phụ nữ trẻ đẹp. Ở trong văn cảnh câu thơ này, Nguyễn Du dùng các cụm từ đó để chỉ nhân vật Thúy Kiều.
(2) Áo nâu: Người nông dân xưa kia thường nhuốm áo màu nâu để mặc, ở đây dùng áo màu nâu để chỉ người nông dân.
Áo xanh: Màu áo thường thấy của công nhân, ở đây dùng áo màu xanh để chỉ chung tầng lớp công nhân.
b. Trong trường hợp, khi chúng ta gặp phải một đối tượng đã bị tác giả thay đổi cách gọi tên, để hiểu đúng được đối tượng ấy, chúng ta phải chú ý xem tác giả đã chọn cái gì để thay thế các đối tượng ấy. Cái được tác giả chọn để thay thế thường là một bộ phận, một tính chất, một đặc điểm nào đó... tiêu biểu. Phương thức chuyển đổi nghĩa này là phép tu từ hoán dụ. Nó giúp cho việc gọi tên sự vật, hiện tượng... trở nên phong phú, sinh động và hấp dẫn hơn.
Các trường hợp này đều là hoán dụ tu từ.
Câu 2 (trang 137 sgk Ngữ Văn 10 Tập 1):
a. Nguyễn Bính viết:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?
- Phép hoán dụ: Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông. Dùng "thôn Đoài" để chỉ người ở thôn Đoài, "thôn Đông" để chỉ người ở thôn Đông (lấy tên địa danh để chỉ người ở địa danh đó).
- Phép ẩn dụ: "Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào". Dùng hình ảnh cau và trầu để chỉ hai nhân vật trữ tình đang yêu nhau, bởi vì mối quan hệ giữa hai người yêu nhau cũng có những nét tương đồng với mối quan hệ giữa trầu và cau, đều là mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời và khi kết hợp lại thì rất thắm thiết. Cách nói lấp lửng trầu không thôn nào thực chất là ám chỉ người ở thôn Đông. Nó tạo cho câu thơ nét duyên dáng, ý nhị.
b. Cùng là bày tỏ nỗi nhớ người yêu nhưng nếu câu ca dao "Thuyền ơi có nhớ bến chăng...?" sử dụng những liên tưởng có phần mòn sáo thì câu thơ của Nguyễn Bính (Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông) lại có những liên tưởng vô cùng mới mẻ. Những liên tưởng này tạo ra nét đẹp riêng và sự thích thú, hấp dẫn cho mỗi câu thơ.
Câu 3 (trang 137 sgk Ngữ Văn 10 Tập 1): Ví dụ một số câu văn có dùng phép tu từ hoán dụ:
Tôi nhớ như in cái ngày đầu khai giảng cấp 3. Khung cảnh hôm ấy khiến lòng tôi không khỏi xao xuyến, bồi hồi mỗi lần nhắc đến. Đằng sau cánh cổng trường là những hàng ghế xếp sẵn ngay ngắn thẳng hàng, sân khấu được bày trí trông thật bắt mắt. Một lúc sau, cả sân trường như được bao phủ bởi màu áo trắng học sinh thân thuộc. Những tà áo dài thướt tha bước đi khiến ai đó cũng một lần muốn ngó lại. Sân trường nhộn nhịp hẳn lên bởi những tiếng chào hỏi nhau sau mùa hè xa cách rồi trở lên im bặt khi cô hiệu trưởng phát biểu. Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ từng nhịp trống ngày ấy… tiếng trống rộn rã mà trang nghiêm để bắt đầu năm học mới.