Bài soạn "Tập làm thơ bốn chữ" số 4
Kiến thức cần nắm vững
- Khái niệm: Thơ bốn chữ là gì ?
Thơ bốn chữ là thơ có bốn tiếng ở mỗi câu thơ, thường sử dụng vần chân, vần lưng, vần cách, vần liền.
- Đặc điểm của thể thơ bốn chữ:
+ Số chữ: Mỗi dòng có bốn chữ.
+ Khổ: Thường chia khổ, mỗi khổ có 4 dòng.
+ Vần: thường có vần lưng và vần chân xen kẽ nhau, gieo vần liền vần cách hay vần hỗn hợp.
+ Nhịp: 2/2 thích hợp với kể và tả.
- Một số cách gieo vần thường dùng trong thơ bốn chữ:
+ Vần lưng : tiếng đứng cuối câu trước vần với chữ đứng giữa câu sau.
+ Vần chân : tiếng đứng cuối của các câu thơ vần với nhau.
+ Vần liền : tiếng cuối của hai câu liên tiếp vần với nhau.
+ Vần cách : tiếng cuối của hai câu cách nhau vần với nhau.
Hướng dẫn soạn bài Tập làm thơ bốn chữ chi tiết
I. Chuẩn bị ở nhà
1 - Trang 84 SGK
Ngoài bài thơ Lượm, em còn biết thêm bài thơ, đoạn thơ bốn chữ nào khác? Hãy nêu lên và chỉ ra những chữ cùng vần với nhau trong bài thơ đó.
Trả lời:
Ngoài bài thơ Lượm, còn có các bài thơ 4 chữ:
Mùa thu của em
Là vàng hoa cúc
Như nghìn con mắt
Mở nhìn trời êm
Mùa thu của em
Lá xanh cốm mới
Mùi hương như gọi
Từ màu lá sen
(Mùa thu của em - Quang Huy)
Những chữ cùng vần: em – êm, em – en
2 - Trang 84 SGK
Vần chân là vần được gieo vào cuối dòng thơ, vần lưng là vần được gieo ở giữa dòng thơ. Hãy chỉ ra đâu là vần chân và đâu là vần lưng trong đoạn thơ sau:
Mây lưng chừng hàng
Về ngang lưng núi
Ngàn cây nghiêm trang
Mơ màng theo bụi.
(Xuân Diệu)
Trả lời:
– Vần chân: hàng – trang
– Vần lưng: lưng – lưng, ngang – màng.
3 - Trang 85 SGK
Vần liền là vần được gieo liên tiếp ở các dòng thơ; vần cách là vần không gieo liên tiếp mà thường cách ra một dòng thơ. Trong hai đoạn thơ sau, đoạn nào gieo vần liền và đoạn nào gieo vần cách:
Cháu đi đường cháu
Chú lên đường xa
Đến nay tháng sáu
Chợt nghe tin nhà
(Tố Hữu)
Nghé hành nghé hẹ
Nghé chẳng theo mẹ
Thì nghé theo đàn
Nghé chớ đi càn
Kẻ gian nó bắt.
(Đồng dao)
Trả lời:
– Vần liền được gieo liên tiếp ở các vần thơ
– Vần cách không được gieo liên tiếp, thường bị cách quãng
– Vần liền: cháu- sáu, ra- nhà
– Vần cách: hẹ- mẹ, đàn- càn
4 - Trang 85 SGK
Đoạn thơ sau đây trích trong bài Chị em của Lưu Trọng Lư, một bạn chép sai hai chữ có vần, em hãy chỉ ra hai chữ đó và thay vào bằng hai chữ sông, cạnh sao cho phù hợp.
Em bước vào đây
Gió hôm nay lạnh
Chị đốt than lên
Để em ngồi sưởi
Nay chị lấy chồng
Ở mãi Giang Đông
Dưới làn mây trắng
Cách mấy con đò.
Trả lời:
- Sửa: Để em ngồi cạnh (thay cho Để em ngồi sưởi)
- Sửa: Cách mấy con sông (thay cho Cách mấy con đò).
5 - Trang 85 SGK
Tập làm một bài thơ (hoặc đoạn thơ) bốn chữ có nội dung kể chuyện hoặc miêu tả về một sự việc hay một con người theo vần tự chọn.
Gợi ý:
Tham khảo bài thơ sau:
Em yêu màu đỏ
Như máu con tim
Lá cờ tổ quốc
Khăn quàng đội viên
Em yêu màu xanh
Đồng bằng, rừng núi
Biển đầy cá tôm
Bầu trời cao vợi
Em yêu màu vàng
Lúa đồng chín rộ
Hoa cúc mùa thu
Nắng trời rực rỡ
(Sắc màu em yêu – Phạm Đình Ân)
II. Soạn bài Tập làm thơ bốn chữ trên lớp
1 -Trang 86 SGK
Trình bày bài (đoạn) thơ bốn chữ đã chuẩn bị ở nhà; chỉ ra nội dung, đặc điểm (vần, nhịp) của bài (đoạn) thơ ấy.
Trả lời:
Ví dụ đoạn thơ bốn chữ:
Hạt nắng mênh mang
Thắp lửa hai hàng
Lòng như gió bay
Một màu phượng cháy.
Vần chân: mang – hàng; bay – cháy
2 -Trang 86 SGK
Cả lớp nhận xét những điểm được và chưa được của bài làm.
3 -Trang 86 SGK
Cả lớp góp ý, từng học sinh sửa chữa bài làm của mình.