Bài soạn "Tào Tháo uống rượu luận anh hùng" số 4
Câu 1
Tâm trạng và tính cách của Lưu Bị khi phải ở nhờ Tào Tháo.
Khi ấy, vì chưa có đất lập nghiệp, Lưu Bị phải sống nhờ Tào Tháo. Lại chưa có cách gì để thoát thân nên Lưu Bị phải tìm cách tự giấu mình không để Tào Tháo nghi ngờ. Tuy ôm mộng lớn, ấp ủ chí anh hùng nhưng do thế lực quá yếu, Lưu Bị phải đặc biệt giữ kín ý đồ chiến lược của mình.
Được Tào Tháo mời đến để cùng luận anh hùng, đồng nghĩa với việc Lưu Bị phải lâm vào thế rất dễ để lộ bí mật. Thế nhưng “Huyền Đức đã che đậy được hết cả việc giật mình đánh rơi cả thìa đũa khi nghe Tháo gọi mình là anh hùng”. Do đó, Lưu Bị “vốn đã khiêm nhường, thận trọng kín đáo, khôn ngoan” thì trong tình thế này, “những nét tính cách đó càng được thể hiện một cách nổi bật”.
Cũng thế, tình thế nói trên cũng làm cho Tào Tháo vốn đã kiêu ngạo càng dễ kiêu ngạo và tất cả chủ quan “mất cảnh giác”, cho dù bình thường Tào Tháo vốn nổi tiếng đa nghi.
Câu 2
Qua cách đối xử của Tào Tháo với Lưu Bị và cách đánh giá những nhân vật anh hùng mà Lưu Bị đề xuất như “có chí lớn”, “có chí nuốt cả trời đất”, “có mưu cao, có tài bao trùm được cả vũ trụ”, người đọc đủ thấy đó là tư tưởng muốn làm bá chủ thiên hạ cai trị đè đầu cưỡi cổ trăm họ, là chủ trương có thể dùng bất kì phương tiện nào để đạt được mục đích của một tầng lớp thuộc giai cấp thống trị, bóc lột trong xã hội phong kiến.
Đoạn trích trên bộc lộ rõ quan điểm Tôn Lưu biến Tào của tác giả La Quán Trung trong cách xây dựng tình tiết, khắc họa hình ảnh nhân vật, sử dụng ngôn từ.
Nhân vật Tào Tháo dưới ngòi bút của tác giả đã sừng sững hiện lên vừa đáng trách mà cũng đáng gờm. Trong truyện ngắn Đôi mắt, Nam Cao đã cho nhân vật nhà văn Hoàng phát biểu về Tào Tháo: Tài thật! Tài thật! Tài đến thế là cùng! Tiên sư anh Tào Tháo. Trong con mắt của nhân dân bao đời nay, Tháo vẫn là kẻ gian hùng. Tháo vừa thông minh vừa cơ trí (linh hoạt, sáng tạo) ngoan cường vừa đa nghi, nham hiểm và tàn bạo. Phải nói là Tào Tháo càng thông minh bao nhiêu thì càng đa nghi bây nhiêu, càng cơ trí bao nhiêu thì càng nham hiểm bấy nhiêu, càng ngoan cường bao nhiêu thì càng tàn bạo bấy nhiêu. Thật đúng là cái gian ở đây được chắp cánh bởi cái hùng. Nói gian hùng là như thế.
Câu 3
Trong cách xây dựng hình ảnh nhân vật của tác giả La Quán Trung, tính cách của Lưu Bị hoàn toàn trái ngược với tính cách của Tào Tháo. Nói Lưu Bị là tấm gương trong suốt có thể soi rõ lòng dạ nham hiểm, tâm địa đen tối của Tào Tháo là rất đúng. Chẳng hạn nếu Tháo từng phát biểu: “Ta thà phụ người chứ quyết không để người phụ ta” thì ngược lại, Lưu Bị phát biểu: “Ta thà chết chứ không làm điều phụ nghĩa”. Đó là lời nói. Còn việc làm. Nếu để mua chuộc mưu sĩ Từ Thứ, Tháo đã bắt mẹ để dụ con nhưng không được. Trái lại, Lưu Bị lại tạo điều kiện cho Từ Thứ về với mẹ thì được Thứ tiến cử Khổng Minh cho. Vì vậy, Lưu Bị thường so sánh chính sách của tập đoàn mình với tập đoàn Tháo: Tháo nhanh, ta thong thả; Tháo dùng âm mưu xảo trá, ta lấy lòng thành đối đãi; Tháo dùng bạo lực, ta dùng nhân nghĩa. Trong đối nhân xử thế, Lưu Bị biết trọng người tài, hết lòng chiêu hiền đãi sĩ (tam cố mao lư, vườn đào kết nghĩa), thương dân nên được dân ủng hộ. Còn nhớ lúc làm quan úy huyện An Hỉ, Lưu Bị “không hề phạm đến chút gì của dân”, đi qua Từ Châu “dân làng hương án ra đón, mời ở lại cai trị”, làm tri huyện Tân Dã chẳng được bao lâu “dân đã truyền tụng lời ca ngợi”. Quan huyện Tân Dã họ nhà vua, từ đây dân ấm no.
Trong buổi đầu của lịch sử Trung Quốc, Lưu Bị và tập đoàn ông với Khổng Minh tuyệt trí, Quan Công tuyệt nghĩa, Trương Phi, Triệu Tử Long, Mã Siêu tuyệt dũng, trong tâm trí của nhân dân bao đời nay là những nhân vật anh hùng. Trái lại, trong tâm trí nhân dân trước sau gì Tào Tháo cũng là kẻ gian hùng.
Câu 4
Cách kể chuyện trong đoạn văn hấp dẫn người đọc là do tài dắt dẫn của tác giả La Quán Trung, ông đã dắt người đọc từ chỗ bất thông đến thông suốt rồi lại từ chỗ thông suốt đến chỗ bất thông. Đúng là một cuộc trốn tìm giữa một kẻ quyết trốn và một kẻ quyết tìm. Lưu Huyền Đức còn chút nữa là lộ diện khi giật mình đánh rơi cả đũa. Đó là một chi tiết trác tuyệt.