Bài soạn "Sử dụng một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản thuyết minh" số 6
I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật trong văn bản thuyết minh
a) Dựa vào gợi ý dưới đây để ôn lại những kiến thức về văn bản thuyết minh ở chương trình Ngữ văn 8
- Đặc điểm, tính chất của văn bản thuyết minh;
- Mục đích của văn bản thuyết minh (chú ý phân biệt với mục đích của các phương thức biểu đạt khác như tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận);
- Những phương pháp thuyết minh thường dùng.
Gợi ý :
- Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản thường gặp trong mọi lĩnh vực đời sống, có chức năng cung cấp tri thức về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân,... của các hiện tượng, sự vật trong tự nhiên, xã hội bằng cách trình bày, giới thiệu, giải thích.
Văn bản thuyết minh không giống với các văn bản thuộc loại tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận vì kiểu văn bản này không nhằm kể chuyện, tái hiện, biểu lộ tình cảm hay nghị luận mà nhằm cung cấp tri thức về các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và trong xã hội một cách khách quan, chân thực, có ích cho con người.
- Để việc giao tiếp gắn với mục đích của ngôn ngữ đặc trưng, văn bản thuyết minh phải đảm bảo tính khoa học, chính xác, rõ ràng, chặt chẽ và hấp dẫn.
b) Đọc văn bản thuyết minh Hạ Long - Đá và Nước (SGK Ngữ văn 9, tập một, tr.12 -13) và trả lời câu hỏi:
- Đối tượng thuyết minh của văn bản là gì ?
- Mục đích của văn bản thuyết minh là cung cấp tri thức khách quan về đối tượng, văn bản có thể hiện điều này không ?
Gợi ý :
- Chủ đề của văn bản : sự kì lạ vô tận của vịnh Hạ Long.
- Văn bản cung cấp cho người đọc những hiểu biết về vẻ đẹp của một di sản văn hoá thế giới. Để khám phá ra vẻ kì lạ vô tận của Hạ Long, người ta phải có được sự tinh tế, lịch lãm trong cảm nhận, thưởng thức. Bằng sự tinh tế, lịch lãm ấy, Nguyên Ngọc đã đem đến cho chúng ta những tri thức về sự kì lạ của Hạ Long.
c) Nhận xét về phương pháp thuyết minh của văn bản Hạ Long - Đá và Nước. Ngôn ngữ, cách diễn đạt của văn bản này có gì khác so với các văn bản thuyết minh em đã được đọc ?
Gợi ý : Tuỳ từng đốì tượng mà người ta lựa chọn cách thuyết minh cho phù hợp, nhằm đạt được hiệu quả giao tiếp cao nhất. Văn bản Hạ Long - Đá và Nước thuyết minh về sự kì lạ vô tận của vịnh Hạ Long. Để thuyết minh vẻ đẹp sinh động, kì thú, biến ảo của Hạ Long, người viết không thể chỉ sử dụng các biện pháp thuyết minh thông dụng. Cái “vô tận, có tri giác, có tâm hồn” của Hạ Long không dễ thấy được chỉ qua cách đo đếm, liệt kê, định nghĩa, giải thích, nêu số liệu,... mà phải kết hợp với trí tưởng tượng, liên tưởng.
Tìm các hình ảnh ẩn dụ, so sánh, nhân hoá, liên tưởng trong bài văn.
II - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. Xác định chủ đề của văn bản
Gợi ý : Văn bản trên có phải là văn bản thuyết minh không ? Nó cung cấp cho chúng ta những kiến thức gì ?
2. Người viết đã sử dụng những phương pháp thuyết minh nào trong văn bản Ngọc Hoàng xử tội ruồi xanh ?
Gợi ý : Văn bản thuyết minh trên đã sử dụng các biện pháp định nghĩa, phân loại, phân tích, liệt kê, nêu số liệu,... như thế nào ?
3. Trong văn bản trên, người viết có sử dụng các biện pháp nghệ thuật không ? Đó là những biện pháp nào ? Hãy phân tích tác dụng thuyết minh của các biện pháp ấy.
Gợi ý :
- Mượn hình thức kể chuyện để thuyết minh ; sử dụng triệt để biện pháp nhân hoá ;
- Việc mượn hình thức kể chuyện để thuyết minh có tác dụng gì ? Người viết đã sử dụng biện pháp nhân hoá để làm gì ? Hình thức kể chuyện và biện pháp nhân hoá tạo ra sức hấp dẫn cho văn bản thuyết minh như thế nào ?
4. Đọc lại văn bản Phong cách Hồ Chí Minh và nhận xét về việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật trong thuyết minh.
Gợi ý : Tìm các yếu tố miêu tả, so sánh,... trong văn bản này và cho biết chúng có tác dụng như thế nào trong việc khắc hoạ phong cách kết hợp hài hoà giữa truyền thống văn hoá dân tộc và tinh hoa văn hoá nhân loại, giữa vĩ đại và giản dị ở Hồ Chí Minh ?