Bài soạn "Sông nước Cà Mau" số 4
1. Tác giả
- Đoàn Giỏi (1925 – 1989) quê ở tỉnh Tiền Giang.
- Ông tham gia viết văn từ thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954).
- Tác phẩm của ông thường viết về cuộc sống, thiên nhiên và con người ở Nam Bộ.
2. Tác phẩm và đoạn trích Sông nước Cà Mau
- Đất rừng phương Nam (1957) là truyện dài nổi tiếng nhất của Đoàn Giỏi. Truyện kể về quãng đời lưu lạc của bé An – nhân vật chính – tại vùng đất rừng U Minh, miền Tây Nam Bộ trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Qua câu chuyện về cuộc lưu lạc của An, tác giả đưa người đọc đến với cảnh thiên nhiên hoang dã mà rất phong phú, độc đáo và cuộc sống của con người ở vùng đất cực nam của Tổ quốc. Đất rừng phương Nam đem đến cho bạn đọc những hiểu biết phong phú và lòng yêu mến đối với thiên nhiên, con người ở vùng đất ấy.
- Bài văn Sông nước Cà Mau trích từ chương XVIII truyện Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi.
+ Nội dung chính: Tả vẻ đẹp rộng lớn, hùng vĩ, đầy sức sống hoang dã của sông nước Cà Mau, cuộc sống tấp nập, trù phú, độc đáo của Chợ Năm Căn nơi vùng đất tận cùng phía nam Tổ quốc. Qua đó thể hiện tình yêu đất nước sâu sắc, sự am hiểu, tấm lòng gắn bó của nhà văn với thiên nhiên và con người vùng đất Cà Mau.
+ Bố cục:
Đoạn 1 (Từ đầu... màu xanh đơn điệu) : Cảm tưởng chung về thiên nhiên.
Đoạn 2 (tiếp... khói sóng ban mai) : Miêu tả kênh, rạch, con sông Năm Căn.
Đoạn 3 (còn lại) : Vẻ đẹp chợ Năm Căn.
Đọc - hiểu văn bản
Câu 1 - Trang 22 SGK
Bài văn miêu tả cảnh gì? Theo trình tự như thế nào? Dựa vào trình tự miêu tả, em hãy tìm bố cục của bài văn.
Em hãy hình dung vị trí quan sát của người miêu tả. Vị trí ấy có thuận lợi gì trong việc quan sát và miêu tả?
Trả lời:
Bài văn miêu tả cảnh sông nước Cà Mau ở cực Nam của Tổ Quốc.
– Trình tự miêu tả của tác phẩm đi từ việc miêu tả chung, khái quát cảnh sông nước Cà Mau đến việc miêu tả chi tiết cảnh kênh rạch, sông ngòi tới cảnh chợ Năm Căn.
– Bố cục:
+ Đoạn 1 (từ đầu … lặng lẽ một màu xanh đơn điệu): Cảm nhận chung về cảnh thiên nhiên, đất trời Cà Mau
+ Đoạn 2 (tiếp theo … khói sóng ban mai): Đặc điểm về kênh rạch ở Cà Mau
+ Đoạn 3 (còn lại): Đặc tả cảnh chợ Năm Căn
– Người kể ở ngôi thứ nhất, xưng “tôi” quan sát mọi người từ vị trí người ngồi trên thuyền vì vậy mọi cảnh vật hiện ra chân thật, sinh động.
– Vị trí quan sát của người trên thuyền là vị trí thuận lợi vì thế các hình ảnh miêu tả hiện ra trong bài văn như những bức tranh hài hòa màu sắc.
Câu 2 - Trang 22 SGK
Trong đoạn văn (từ đầu đến lặng lẽ một màu xanh đơn điệu) tác giả đã diễn tả ấn tượng ban đầu bao trùm về sông nước vùng Cà Mau. Ấn tượng ấy như thế nào và được cảm nhận qua những giác quan nào?
Trả lời:
Những ấn tượng ban đầu của tác giả:
+ Kênh rạch bủa giăng chi chít như mạng nhện
+ Tất cả đều màu xanh
+ Âm thanh rì rào bất tận
+ Lặng lẽ một màu xanh đơn điệu
=> Cảm nhận bằng mọi giác quan, đặc biệt là cảm giác đơn điệu về màu xanh, về sự bất tận của rừng qua những câu kể và tả.
=> Sự choáng ngợp, thích thú của tác giả trước cảnh tượng thiên nhiên “lặng lẽ một màu xanh” của Cà Mau.
Câu 3 - Trang 22 SGK
Qua đoạn nói về cách đặt tên cho các dòng sông, con kênh ở vùng Cà Mau, em có nhận xét gì về các địa danh ấy? Những địa danh này gợi ra đặc điểm gì về thiên nhiên vùng Cà Mau?
Trả lời:
Qua đoạn nói về cách đặt tên cho những dòng sông, con kênh ở Cà Mau, ta thấy các địa danh này rất nôm na giản dị, nó cứ theo đặc điểm riêng biệt mà gọi thành tên.
Những địa danh này đã nói được những đặc điểm rất riêng biệt của thiên nhiên Cà Mau so với những vùng đất khác (những cây mái giầm; những đám mây bọ mắt; những nơi tập trung con ba khía…).
Câu 4 - Trang 22 SGK
Em hãy đọc kĩ lại đoạn văn từ "Thuyền chúng tôi chèo thoát qua..." đến "...sương mù và khói sóng ban mai." và trả lời các câu hỏi sau:
a) Tìm những chi tiết thể hiện sự rộng lớn, hùng vĩ của dòng sông và rừng đước.
b) Trong câu “Thuyền chúng tôi chèo thoát qua kênh Bọ Mắt, đổ ra con sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn” có những động từ nào chỉ cùng một hoạt động của con thuyền? Nếu thay đổi trình tự những động từ ấy trong câu thì có ảnh hưởng gì đến nội dung được diễn đạt hay không? Nhận xét về sự chính xác và tinh tế trong cách dùng từ của tác giả ở câu này.
c) Tìm trong đoạn văn những từ miêu tả màu sắc của rừng đước và nhận xét về cách miêu tả màu sắc của tác giả.
Trả lời:
a) Những chi tiết thể hiện sự rộng lớn, hùng vĩ của con sông và rừng đước:
+ Nước đổ ra biển đêm ngày như thác
+ Con sông rộng hơn ngàn thước
+ Cây đước dựng cao ngất như hai dãy trường thành
+ Cá bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống
b) Trong câu “Thuyền chúng tôi chèo thoát khỏi kênh Bọ Mắt, đổ ra con sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn" có những động từ: thoát qua, đổ ra, xuôi về lần lượt chỉ hoạt động của con thuyền.
- Không nên thay đổi trật tự những từ đó trong câu bởi nó sẽ phá vỡ hành trình từ kênh ra sông rồi đổ ra dòng Năm Căn.
+ Thoát ra: diễn tả sự khó khăn mà con thuyền phải vượt qua
+ Đổ ra: trạng thái con thuyền được dòng nước đưa ra sông lớn
+ Xuôi về: diễn rả trạng thái nhẹ nhàng, thư thái của con thuyền xuôi theo dòng nước.
c) Những từ ngữ miêu tả màu sắc của rừng đước: màu xanh lá mạ, màu xanh rêu, màu xanh chai lọ.
Câu 5 - Trang 22 SGK
Những chi tiết, hình ảnh nào về chợ Năm Căn thể hiện được sự tấp nập, đông vui, trù phú và độc đáo của chợ vùng Cà Mau?
Trả lời:
Những chi tiết thể hiện sự đông vui, trù phú và độc đáo của chợ vùng Năm Căn:
– Túp lều lá thô sơ, những ngôi nhà gạch hai tầng, những đống gỗ cao như núi, những cột đáy thuyền chài, những bến vận hà nhộn nhịp, những ngôi nhà ánh đèn măng sông chiếu rực…
– Sự độc đáo của chợ Năm Căn: chợ họp ngay trên sông, chỉ cần cập thuyền có thể mua bán được đủ thứ tiêu dùng và ẩm thực. Đây còn là sự đông vui của người bán vải, bán rượu đến từ nhiều vùng, có nhiều giọng nói, trang phục khác nhau…
Câu 6 - Trang 22 SGK
Qua bài văn này, em cảm nhận được gì về vùng Cà Mau cực nam của Tổ quốc?
Trả lời:
Qua cách miêu tả của tác giả, với việc sử dụng các từ ngữ tinh tế, gợi cảm, có thể cảm nhận được vẻ đẹp trù phú của vùng sông nước Cà Mau. Đó là vùng đất hoang dã, hùng vĩ với không gian sông nước mênh mông, những rừng đước bạt ngàn và có cảnh con người sinh sống tấp nập, đông vui, chân chất.
Luyện tập
Câu 1 - Trang 23 SGK
Viết một đoạn văn trình bày cảm nhận của em về vùng Cà Mau qua bài Sông nước Cà Mau đã học.
Trả lời:
Cà Mau là mảnh đất rộng lớn, hùng vĩ, giàu sức sống hoang dã qua lăng kính của Đoàn Giỏi vùng sông nước ấy như gần ngay trước mắt người đọc bức tranh sống động mà gam màu chủ đạo là “màu xanh lặng lẽ”. Ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những con kênh, con rạch chằng chịt còn nguyên vẻ hoang sơ, huyền bí. Theo chân tác giả xuôi dòng kênh Bọ Mắt đổ ra kênh Cửa Lớn và ra sông Năm Căn, con nước nhiệt thành “nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác”, cũng vì thế mà tôm cá trù phú và đời sống của con người cũng vì thế mà ồn ào hơn.
Bên cạnh vẻ đẹp hấp dẫn của cảnh sắc thiên nhiên là cảnh cuộc sống đông vui, tấp nập của chợ Năm Căn, nét văn hóa độc đáo của người dân vùng sông nước. Tất cả được nhà văn kể và tả bằng một giọng văn lôi cuốn, hấp dẫn vừa khái quát, vừa tỉ mỉ.
Câu 2 - Trang 23 SGK
Hãy kể tên một vài con sông ở quê hương em hoặc địa phương mà em đang ở, giới thiệu vắn tắt về một trong những con sông ấy.
Gợi ý:
- Tuỳ từng miền địa lí, học sinh tự kể những con sông của quê mình.
- Khi viết đoạn giới thiệu về một con sông, cần chú ý chỉ ra những nét đặc trưng riêng của con sông quê mình (cảnh vật, những sinh hoạt thường nhật trên sông,…).
+ Những con sông Nam Bộ thường có những cọc đáy, có những cù lao và nước chảy rất xiết, mùa lũ có từng đám (từng dề) lục bình trôi, bên bờ là đước bần, những đám ô rô, dừa nước; những con thuyền đuôi tôm, những ghe bầu chợ nặng với tiếng máy nổ đinh tai.
+ Những con sông miền Bắc và miền Trung thường hiền hòa trừ mùa lũ. Thuyền buồm; tre xanh hai bờ; nước trong, bãi cát vàng, bãi ngô non…
Tham khảo 2 đoạn văn sau:
1. Những con sông: sông Hồng, sông Đáy, sông Cả, sông Vạc… Sông Đáy là một trong những con sông dài ở miền Bắc, nó chảy qua các tỉnh như Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
Sông Đáy có chiều dài khoảng 240 km với dân số trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy ước tính lên tới 8200 nghìn người, mật độ trung bình đạt 1003 người/ km2. Nơi đây là khu vực có dân cư, kinh tế xã hội phát triển liên tục từ lâu đời, cho tới nay vẫn là vùng kinh tế - xã hội phát triển nhất châu thổ đồng bằng sông Hồng. Hiện nay, môi trường đất nước, không khí đang rơi vào tình trạng ô nhiễm làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái, cần có những biện pháp khắc phục.
2. Thành phố tôi nằm sát bờ Tiền Giang. Một nhánh của sông Tiền là sông Bảo Định thì chảy vào giữa lòng thành phố. Sông Bảo Định không lớn lắm nhưng sông Tiền thì thật đường bệ mênh mang. Giữa sông Tiền có nhiều cồn nổi lên như cồn Phụng, cồn Tân Long, cồn Thới Sơn. Cảnh sống ở trên cồn cũng rất phong phú. Trên cồn nhà xây mọc san sát, vườn tược xum xuê, trên bến, dưới thuyền. Có cồn đã trở thành một khu du lịch vườn trong lành, mát mẻ, hàng ngày vẫn đón nhiều khách du lịch tới thăm, chơi. Nếu đi ngược sông Tiền lên hơn mười kilômét, ta sẽ tới một nơi mang cái tên lịch sử Rạch Gầm, Xoài Mút vì đây chính là nơi vua Quang Trung đã phục kích đánh tan một đội thủy binh lớn của vua Xiêm sang gây chiến với ta. Có lẽ đến bây giờ xác thuyền bè và vũ khí của chúng còn nằm dưới đáy sông sâu!