Bài soạn "Ông đồ" số 6
A.Kiến thức trọng tâm
1.Tác giả
Vũ Đình Liên (1913-1996) quê gốc ở Hải Dương nhưng chủ yếu sống ở Hà Nội
Là một trong những nhà thơ lớp đầu tiên của phong trào Thơ mới
Thơ ông thường mang nặng lòng thương người và niềm hoài cổ
2. Tác phẩm
Ông đồ là bài thơ tiêu biểu nhất cho hồn thơ giàu thương cảm của Vũ Đình Liên.
Ông đồ của Vũ Đình Liên là bài thơ ngũ ngôn bình dị mà cô đọng, đầy gợi cảm. Bài thơ đã thể hiện sâu sắc tình cảnh đáng thương của “ông đồ”, qua đó toát lên niềm cảm thương chân thành trước một lớp người đang tàn tạ và nỗi tiếc nhớ cảnh cũ người xưa của nhà thơ.
B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI
Câu 1: sgk ngữ văn 8 tập 2 trang 10
Hãy phân tích hình ảnh ông đồ ngồi viết chữ nho ngày Tết trong hai khổ thơ đầu và hình ảnh của chính ông đồ ở khổ 3,4. Hãy so sánh để làm rõ sự khác nhau giữa hai hình ảnh đó. Sự khác nhau này gợi cho người đọc cảm xúc gì về tình cảnh ông đồ?
Trả lời:Hai khổ thơ đầu: ông đồ bày giấy mực bên phố đông người nhộn nhịp vào dịp tết đến: “ .. hoa đào nở,... ông đồ già, .. mực tàu giấy đỏ,... đông người...” .
Người người qua lại thuê viết, chữ ông đồ đẹp ai ai cũng khen: “bao nhiêu người thuê viết, tấm tắc... khen tài, hoa tay thảo....., .... phượng múa rồng bay”
Hai khổ thơ sau: ông đồ vẫn ngồi bên phố ấy nhưng nay người qua lại ngày càng vắng, người thuê viết không thấy để ông đồ ngồi buồn bên nghiên mực, giấy đỏ trời mưa bụi bay, lá vàng rơi gợi nên nỗi buồn xơ xác tiêu điều : “....mỗi năm mỗi vắng, ...thuê viết nay đâu, giấy đỏ buồn.., mực... nghiên sầu, ông đồ vẫn ngồi đấy, ... không ai hay, lá vàng rơi...,.... mưa bụi bay”
Hai hình ảnh đối lập này gợi cho người đọc một hình ảnh ông đồ cô đơn, khung cảnh xơ xác, tiêu điều, một nỗi buồn man mác nhưng thấm sâu, những giá trị truyền thống tốt đẹp ngày ngày dần dần bị quên lãng, còn đâu những hình ảnh đầy nhộn nhịp bên ông đồ.
Câu 2: sgk ngữ văn 8 tập 2 trang 10
Tâm tư nhà thơ thể hiện qua bài thơ như thế nào?
Khổ 1,2 nhà thơ với ký ức của mình phác họa lên một ông đồ già viết chữ đẹp, cảnh nhộn nhịp trên đường phố Hà Nội xưa, cảnh đẹp, đường xá rộn ràng vui vẻ, tấp nập.
Khổ 3,4 nhà thơ vẽ lại khung cảnh Hà Nội mới, gần tết nhưng không còn tấp nập, đông đúc vây quanh ông đồ nữa, ông đồ chỉ ngồi đấy, nhìn lá rơi, trời mưa bay mà chẳng hề có ai để ý
Khổ 5 là hình ảnh thự tại, ông đồ ngày xưa chẳng còn nữa cũng chẳng còn những người xưa
Tâm tư tác giả thay đổi theo chiều sâu tâm trạng, lúc vui vẻ nhìn đường xá tấp nập, lúc lại buồn nhìn cảnh tiêu điều, nhớ lại người cũ của tác giả. Tác giả thể hiện niềm cảm thương chân thành sâu sắc trước một lớp người đang tàn tạ ( ông đồ) và nỗi nhớ cảnh cũ người xưa của tác giả.
Câu 3: sgk ngữ văn 8 tập 2 trang 10
Bài thơ hay ở những điểm nào?
Bài làm:
Trả lời
Tác giả miêu tả hình ảnh ông đồ ngồi thuê viết ngày Tết bên phố nhưng rất khác nhau gợi sự so sánh
Ông đồ trong dịp hoa đào nở:
Khổ 1,2: mỗi dịp hoa đào nở, ông đồ già lại đem mực tàu giấy đỏ bày ra bên phố đông người. Những lần ông đồ bày ra như vậy lại có rất nhiều người thuê viết, người người khen ngợi, mỗi nét bút của ông viết ra giống như phượng múa rồng bay
Khổ 3,4: cũng là dịp hoa đào nở, ông đồ vẫn bày giấy, mực ra nhưng không còn ai thuê ông viết nữa.
Thể thơ năm chữ, ngôn ngữ giản dị dễ hiểu nhưng đầy sự gợi tả ( ví dụ như hoa đào nở, hoa đào chỉ nở vào những dịp Tết đến, mực tàu giấy đỏ là những dụng cụ để viết chữ hoặc câu đối được treo trong ngày Tết,....)
Câu 4: sgk ngữ văn 8 tập 2 trang 10
Phân tích để làm rõ cái hay của những câu thơ sau:
“Giấy đỏ buồn không thắm;
Mực đọng trong nghiên sầu...”
“Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời bụi mưa bay.”
Theo em, những câu thơ đó là tả cảnh hay tả tình?
Bài làm:
Trả lời:
Những câu thơ này vừa tả cảnh vừa tả tình. Trong cảnh có tình, trong tình có cảnh. Những tờ giấy đỏ được bày ra nhưng không được đụng đến, chúng phải nằm một chỗ cảm giác như không ai cần, không ai thèm để ý. Mực được để trong nghiên nhưng cũng chẳng được sử dụng. Cảnh chính là giấy đỏ nằm im không được sử dụng, mực không sóng sánh. Tình là cái buồn man mác của nỗi cô đơn của mực và giấy cũng là nỗi buồn của ông đồ. Lá vàng rơi, mưa bay lất phất ngoài trời là cảnh, cảnh này tạo nên tình cảnh tiêu điều, xơ xác man mác buồn. Tình chính là sự cộng hưởng giữa cảnh với cảm xúc trong lòng người. Sự cô đơn, lạc lõng của ông đồ trên phố xá đông người qua lại với mưa bụi bay, với chiếc lá vàng rơi trên giấy càng khiến cho người đọc cảm thấy nao lòng. Sự trân trọng, thành kính với ông đồ - một lớp người xưa cũ, đã không còn, thay vào đó là sự thờ ơ, lạnh lùng đi lướt qua ông của những người qua phố..
Phần tham khảo mở rộng
Những đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ Ông đồ
Bài làm:
Bài thơ Ông đồ thể hiện sâu sắc với tình cảnh đáng thương của ông đồ và niềm thương cảm, nuối tiếc của tác giả với nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Bài thơ không chỉ thành công về mặt nội dung mà còn có nhiều giá trị nghệ thuật nổi bật:
Bài thơ sử dụng thể thơ 5 chữ, kết hợp với ngôn ngữ bình dị và súc tích. Giọng thơ trầm lắng, ngậm ngùi đã toát lên những tâm tư, tình cảm của tác giả trước tình cảnh đáng thương của tác giả trước sự tàn lụi của lớp người từng được đề cao và trân trọng như ông đồ.
Bài thơ có kết cấu độc đáo, đầu cưới tương ứng. Mở đầu bài thơ là “Mỗi năm hoa đào nở - Lại thấy ông đồ già”, kết thúc bài thơ là Năm nay hoa đào lại nở - Không thấy ông đồ xưa. Kết cấu này chặt chẽ, tương phản rõ nét, làm nổi bật chủ đề của bài thơ, từ đó khơi gợi cảm xúc trong lòng người đọc về một văn hóa truyền thống giờ đây đã bị thay đổi. Quá trình tàn tạ, suy sụp của nền nho học.
Tác giả sử dụng nghệ thuật nhân hóa với sự chọn lọc hình ảnh để làm nổi bật tâm tư, cảm xúc của mình: giấy đỏ, mực nghiên – vốn là những đồ dùng gắn bó thân thiết với ông đồ, mà nay cũng “buồn”, “sầu” trước sự đổi thay của thời thế.
Lựa chọn hình ảnh giản dị nhưng mang tính biểu tượng, giàu sức gợi: hình ảnh lá vàng rơi trên giấy gợi ra sự tàn tạ, tiêu điều, buồn tủi. Đó là sự cảm nhận từ trong tâm hồn về sự lãng quên, sự kết thúc của một kiếp người tàn.
Có thể nói, tác giả Vũ Đình Liên đã rất khéo léo lựa chọn những hình ảnh, ngôn ngữ, nghệ thuật thể hiện để làm nổi bật những tâm tư và suy ngẫm của mình qua tứ thơ.