Bài soạn "Ôn tập và kiểm tra phần tiếng Việt" số 4
I – TỪ VỰNG
1. Câu 1 trang 157 sgk Ngữ văn 8 tập 1
Lý Thuyết
– Cấp độ khái quát của nghĩa từ ngữ.
– Trường từ vựng.
– Từ tượng hình, từ tượng thanh.
– Từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội.
– Các biện pháp tu từ từ vựng (nói giảm, nói tránh).
2. Câu 2 trang 157 sgk Ngữ văn 8 tập 1
Thực hành
a) Dựa vào kiến thức về văn học dân gian và về cấp độ khái quát của nghĩa từ ngữ, hãy điền từ ngữ thích hợp vào những ô trống theo sơ đồ sau:
Giải thích những từ ngữ có nghĩa hẹp trong sơ đồ trên. Cho biết trong những câu giải thích ấy có từ ngữ nào chung.
b) Tìm trong ca dao Việt Nam hai ví dụ về biện pháp tu từ nói quá hoặc nói giảm nói tránh.
c) Viết hai câu, trong đó một câu có dùng từ tượng hình, một câu có dùng từ tượng thanh.
Trả lời:
a) Truyện dân gian bao gồm những thể loại nhỏ sau:
– Truyền thuyết: Truyện dân gian về các nhân vật và sự kiện lịch sử xa xưa, có nhiều yếu tố thần kì.
– Truyện cổ tích: Truyện dân gian kể về cuộc đời, số phận của một số nhân vật quen thuộc (người mồ côi, người mang lốt xấu xí, người em, người dũng sĩ) có nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo.
– Truyện ngụ ngôn: Truyện dân gian mượn chuyện về loài vật, đồ vật hoặc về chính con người để nói bóng gió chuyện con người.
– Truyện cười: Truyện dân gian dùng hình thức gây cười để mua vui hoặc phê phán, đả kích.
Phần giải thích những từ ngữ đó có cái chung là từ truyện dân gian là từ ngữ có nghĩa rộng hơn (cấp độ khái quát cao hơn).
Khi giải thích những từ ngữ có nghĩa hẹp hơn so với một từ ngữ khác, ta thường phải xác định được từ ngữ có cấp độ khái quát cao hơn (có nghĩa rộng hơn).
b) Ví dụ về biện pháp tu từ nói quá hoặc nói giảm nói tránh trong ca dao Việt Nam:
– Nói quá:
Tiếng đồn cha mẹ em hiền.Cắn cơm không vỡ, cắn tiền vỡ hai.
– Nói giảm nói tránh:
Áo anh rách chỉ đã lâuHay mượn cô ấy về khâu cho cùng.
c) Viết hai câu có sử dụng từ tượng hình, từ tượng thanh:
– Từng hạt mưa tí tách trên những tán lá non.
– Bộ váy mới mua của em gái tôi sặc sỡ như con tắc kè hoa.
II – NGỮ PHÁP
1. Câu 1 trang 158 sgk Ngữ văn 8 tập 1
Lý thuyết
Trợ từ, thán từ và tình thái từ, câu ghép (câu ghép chính phụ và câu ghép liên hợp).
2. Câu 2 trang 158 sgk Ngữ văn 8 tập 1
Thực hành
a) Viết hai câu, trong đó một câu có dùng trợ từ và tình thái từ, một câu có dùng trợ từ và thán từ.
b) Đọc đoạn trích sau:
Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỉ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa.
(Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn độc lập)
Hãy xác định câu ghép trong đoạn trích trên. Nếu tách câu ghép đã xác định thành các câu đơn thì có được không? Nếu được thì việc tách đó có làm thay đổi ý cần diễn đạt hay không?
c) Xác định câu ghép và cách nối các vế câu trong đoạn trích sau:
Chúng ta không thể nói tiếng ta đẹp như thế nào cũng như không thể nào phân tích cái đẹp của ánh sáng, của thiên nhiên. Nhưng đối với chúng ta là người Việt Nam, chúng ta cảm thấy và thưởng thức một cách tự nhiên cái đẹp của tiếng nước ta, tiếng nói của quần chúng nhân dân trong ca dao và dân ca, lời văn của các nhà văn lớn. Có lẽ tiếng Việt của chúng ta đẹp bởi vì tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp, bởi vì đời sống, cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ trước tới nay là cao quý, là vĩ đại, nghĩa là rất đẹp.
(Phạm Văn Đồng, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt)
Trả lời:
a) Viết câu
– Có trợ từ và tình thái từ: Mới đó đã 5 năm trôi qua rồi ư?
– Có trợ từ và thán từ: Trời ơi, chính cô ấy là người đã vẽ bưc tranh này!
b) Câu ghép trong đoạn trên:
– Pháp/ chạy, Nhật/ hàng, vua Bảo Đại/ thoái vị.
– Có thể tách câu ghép đã xác định thành các câu đơn. Nhưng nếu thay đổi thì ý diễn đạt của câu cũng thay đổi.
c) Câu ghép
– Dùng từ nối: Chúng ta/không thể nói tiếng ta đẹp như thế nào cũng như ta/không thể nào phân tích cái đẹp của ánh sáng, của thiên nhiên.
– Nối bằng cặp quan hệ từ: Có lẽ tiếng Việt của chúng ta/ đẹp bởi vì tâm hồn của người Việt Nam ta/ rất đẹp, bởi vì đời sống, cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ trước tới nay/ là cao quý, vĩ đại nghĩa là rất đẹp.