Bài soạn "Mùa lá rụng trong vườn" số 1
I. Tác giả
1. Tiểu sử
- Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Đoàn, ông sinh năm 1936 tại Đống Đa – Hà Nội.
- Trong kháng chiến chống Mĩ, ông đến vùng cao miền Bắc để dạy học
- Năm 1976, ông chuyển về Hà Nội và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngành báo chí, văn học nước nhà,...
2. Sự nghiệp văn học
a. Quan điểm sáng tác
“Tôi đặt nhiều sự quan tâm vào giai đoạn lịch sử, đưa ra những vấn đề mang tính sử thi. Tôi quan niệm không có sử thi thì không có nền văn học dân tộc. Văn học phải có những tác phẩm khắc họa bước đi lớn của đất nước."
b. Tác phẩm chính
Các tác phẩm tiêu biểu của ông: “Mùa lá rụng trong vườn”, “Hoa gạo đỏ”, “Đồng bạc trắng hoa xòe”, “Mưa mùa hạ”, “Chim én liệng trời cao”,....
c. Phong cách nghệ thuật
Phong cách nghệ thuật: kết hợp giữa tính hiện thực và tính nhân văn, giữa triết lí và trữ tình; quan tâm đến vấn đề giá trị đạo đức giữa biến động lớn lao của thời cuộc.
II. Tác phẩm
1. Tóm tắt
Chị Hoài từng là dâu trưởng, vợ anh cả Tường liệt sĩ, trong nhà ông giáo Bằng. Sau đó chị đã có gia đình mới và sinh sống ở quê nhưng cả gia đình ông Bằng vẫn rất yêu quý chị. Nhận được thư ông Bằng kể về truyện Cừ bỏ trốn ra nước ngoài, chị thu xếp lên với nhà chồng cũ vào chiều 30 Tết. Thấy chị, những người em chồng đều mừng rỡ, tay bắt mặt mừng. Chị ân cần hỏi han từng người và đem quà quê biếu gia đình. Ông Bằng đang chuẩn bị cúng bữa cơm tất niên. Cả ông Bằng và chị Hoài đều rưng rưng xúc động, không ngăn được dòng nước mắt. Sau những lời hỏi thăm ân cần, ông Bằng chắp tay thành kính cúng tổ tiên. Dòng tâm tư và lời khấn vái của ông bày tỏ tấm lòng tri ân với tiên tổ, kết nối quá khứ với hiện tại. Ông Bằng vừa cúng xong, Hoài liền thế chân ông cụ bái lạy tiên tổ. Sau lễ cúng, mọi người hân hoan ngồi vào mâm cơm chiều 30 Tết, một mâm cơm sung túc, đủ đầy với đủ các món ăn truyền thống và thêm cả những món cầu kì do cô Lí chuẩn bị.
2. Bố cục:
- Phần 1 (từ đầu đến bệnh đấy chị ơi): chị Hoài và sự trở về trong ngày ba mươi Tết
- Phần 2 (tiếp đến phải đi): ông Bằng khi gặp lại người con dâu
- Phần 3 (còn lại): mọi người trong gia đình ông Bằng với lễ cúng tất niên
3. Giá trị nội dung
Thông qua câu chuyện xảy ra trong gia đình ông Bằng, một gia đình nề nếp, luôn giữ gia pháp nay trở nên chao đảo trong những cơn địa chấn từ bên ngoài, nhà văn bày tỏ niềm lo lắng sâu sắc cho giá trị truyền thống trước những đổi thay của thời cuộc.
4. Giá trị nghệ thuật
- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sinh động, hấp dẫn
- Nghệ thuật dẫn truyện tự nhiên
- Nghệ thuật khắc họa nhân vật tài tình
- Nghệ thuật dựng cảnh chân thực, tinh tế.
Câu 1 (trang 88 sgk ngữ văn 12 tập 2)
Chị Hoài mang vẻ đẹp đằm thắm của người phụ nữ nông thôn:
+ Người thon gọn chiếc áo lông trần hạt lựu
+ Chiếc khăn len nâu thắt ôm khuôn mặt rộng có cặp mắt hai mí đằm thắm và cái miệng cười rất tươi
- Nét đằm thắm, mặn mà toát lên từ tâm hồn chị, từ tình cảm đôn hậu, từ cách ứng xử đến quan hệ với mọi người
+ Từng là dâu trưởng trong gia đình ông Bằng, chị đã có một gia đình riêng nhưng mọi thứ vấn nhớ, vẫn quý, vẫn yêu chị
+ Người phụ nữ trưởng thành, để lại dấu ấn với mọi người trong gia đình
+ Nhân vật chị Hoài là mẫu phụ nữ đẹp truyền thống, giữ được nhiều phẩm chất tốt đẹp của con người qua “cơn địa chấn” xã hội
Câu 2 (trang 88 sgk ngữ văn 12 tập 2)
Tâm trạng của các nhân vật ông Bằng, chị Hoài:
- Tâm trạng xúc động mạnh mẽ:
+ Ông Bằng khi nhìn thấy Hoài, “môi ông bật không thành tiếng, có cảm giác như ông sắp khóc òa”
+ Nỗi vui mừng, xúc động dâng trào khi ông được gặp lại người con dâu trưởng mà ông quý mến
+ Chị Hoài: gần như không chủ động được lao về phía ông Bằng, quên cả đôi dép, đôi chân to bản…, chị nghẹn ngào trong tiếng nấc “ông”
→ Sự xúc động của hai người thể hiện chân thành trong gia đình, dự cảm những điều tốt đẹp trong truyền thống gia đình
- Trước sự có mặt của chị Hoài, ông Bằng như có thêm niềm tin trong cuộc đấu tranh âm thầm giành những điều tốt đẹp cho truyền thống gia đình giờ đây trước bao tác động của cuộc đời, có nguy cơ bị băng hoại
Câu 3 (trang 88 sgk ngữ văn 12 tập 2)
Khung cảnh ngày Tết:
+ Khói hương, mâm cỗ thịnh soạn trong thời buổi đất nước còn nhiều khó khăn sau ba mươi năm chiến tranh
+ Mọi người trong gia đình tề tựu, quây quần
+ Tất cả chuẩn bị chu đáo trong khoảnh khắc tri ân trước tổ tiên trong chiều 30 Tết
- Hình ảnh gieo vào lòng người niềm xúc động rưng rưng, để “nhập vào dòng xúc động tri ân tổ tiên”
- Bày tỏ lòng tri ân trước tổ tiên, trong lễ cũng tất niên, trở thành truyền thống trân trọng, tự hào của dân tộc ta
- Dù cuộc sống hiện đại vẫn cần gìn giữ giá trị truyền thống tốt đẹp trong quá khứ.