Bài soạn "Mấy ý nghĩ về thơ" số 5
I. TÁC GIẢ:
1. Tiểu sử
- Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003), nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch. Ông học tiểu học và trung học ở Hà Nội và Hải Phòng. Học Đại học Luật Hà Nội.
- Năm 1941, ông tham gia phong trào Việt Minh, trong tổ chức cứu quốc Hà Nội. Từ năm 1942, Nguyễn Đình Thi bắt đầu viết sách báo. Hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên yêu nước chống phát xít và trong Hội Văn hoá Cứu quốc.
– Năm 1945, ông là đại biểu Hội Văn hoá Cứu quốc đi dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào, được cử vào ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam.
- Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông làm Tổng thư ký Hội Văn hoá Cứu quốc, đại biểu Quốc hội, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (1958 –1988).
- Năm 1995, Nguyễn Đình Thi được bầu làm Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ông được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I– 1996.
2. Sự nghiệp văn học
- Nguyễn Đình Thi là một con người đa tài, viết văn, làm thơ, làm báo, sáng tác nhạc,... lĩnh vực nào tác phẩm của ông cũng được công chúng mến mộ, ưa thích. Ông còn là một người lãnh đạo văn nghệ giỏi được giới văn học nghệ thuật yêu mến.
- Về thơ, Nguyễn Đình Thi đã có những tập: Người chiến sĩ (1956), Bài thơ Hắc Hải (1958), Dòng sông trong xanh (1974), Tia nắng (1983), Trong cát bụi, Sóng reo (2001). Thơ ông cô đọng hàm súc, gợi mở hơn tả, giàu triết lí trầm tư, mang phong cách và bút pháp mới.
II. TÁC PHẨM MẤY Ý NGHĨ VỀ THƠ
1. Hoàn cảnh sáng tác
- Tháng 9/1949, có một sự kiện văn nghệ đáng chú ý. Đó là Hội nghị tranh luận văn nghệ ở Việt Bắc nhằm đẩy mạnh phong trào sáng tác văn nghệ theo đường lối của Đảng để phục vụ nhân dân, phục vụ cuộc
kháng chiến chống Pháp. Cùng với kịch của Lộng Chương, văn của Nguyễn Tuân, Hội nghị còn tranh luận về thơ của Nguyễn Đình Thi và mở rộng ra một số vấn đề thuộc quan niệm về thơ.
– Nguyễn Đình Thi đã phát biểu quan niệm của mình về thơ trong bài Mấy ý nghĩ về thơ đăng trên Văn nghệ số 10-1949. Bài tiểu luận nêu lên những quan niệm mới mẻ, có chiều sâu về thơ, trong đó có những suy nghĩ, đề xuất của tác giả có thể gọi là táo bạo trong hoàn cảnh năm 1949 lúc bấy giờ.
- Phải đặt bài tham luận này vào thời điểm ra đời của nó mới thấy được sự sáng tạo trong lĩnh vực lí luận – phê bình, tư tưởng định hướng văn học của Nguyễn Đình Thi nói riêng và của giới nghiên cứu văn học ở ta nói chung.
- Chắc chắn tại thời điểm ấy, khả năng giao lưu phê bình văn học của ta với nước ngoài là rất hạn chế. Nhưng nhiều vấn đề được Nguyễn Đình Thi đưa ra trong bản tham luận là hết sức độc đáo, sâu sắc và luôn đúng trong bất kì thời điểm nào khi một ai đó muốn bàn về thơ.
2. Thể văn nghị luận văn học
- Nghị luận văn học là thể văn thuộc phê bình – lí luận. Người viết dùng lí lẽ để giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh, bình luận,... một vấn đề nào đó của văn chương nhằm làm sáng tỏ điều mình muốn nói.
- Cũng giống như văn hư cấu (tự sự, thơ và kịch), văn nghị luận cũng sử dụng đầy đủ mọi sắc thái cảm hứng như trữ tình, mỉa mai, ca ngợi, đả kích,... Nhưng nghị luận văn học thì không hư cấu. Đối tượng nghiên cứu của nghị luận văn học là tác phẩm, tác giả, hiện tượng văn chương...
- Văn nghị luận hấp dẫn người đọc bằng lối tư duy lô gic, đầy trí tuệ; lối văn thiên về hùng biện, có lúc dõng dạc, có lúc thiết tha để lay động lòng người.
- Văn nghị luận bao giờ cũng đòi hỏi người viết đưa ra ý kiến chủ quan của riêng mình. Vì vậy, khi viết, tác giả bao giờ cũng phải vận dụng phạm vi tri thức sách vở (lẫn tri thức cuộc sống tự nhiên, xã hội) rất lớn để làm dẫn chứng, nêu luận điểm, thường xưng tôi để đối thoại, trao đổi nhằm rút ra kết luận thoả đáng, có sức thuyết phục người đọc.
3. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
a) - Nguyễn Đình Thi đã phân tích sâu sắc đặc trưng cơ bản nhất về thơ là biểu hiện tâm hồn của con người. Ông đưa ra những câu hỏi không mang nghĩa nghi vấn mà mang nghĩa khẳng định: “Đầu mối của thơ có lẽ ta đi tìm bên trong tâm hồn con người chăng?”.
- Khởi đầu một bài thơ, người viết phải có “rung động thơ”, sau đó mới làm thơ. Rung động thơ có được khi tâm hồn ra khỏi trạng thái bình thường, do có sự cố với trạng thái bên ngoài, với thiên nhiên, với những người khác mà tâm hồn con người thức tỉnh, bật lên những tình ý mới mẻ, còn làm thơ là thể hiện những rung động của tâm hồn.
b) Tác giả phân tích những yếu tố đặc trưng khác của thơ:
- Hình ảnh phải từ cảm xúc mà có, mà loé sáng trong thơ và hiện lên một cách tự nhiên trong lòng nhà thơ.
- Nhịp điệu, nhạc điệu trong thơ quan trọng nhất là nhịp điệu, nhạc điệu bên trong tâm hồn nhà thơ.
- Ngôn ngữ trong thơ phải có hồn, có sức gợi, phải kết tinh trong tình cảm, cảm xúc của thi nhân.
- Đường đi của thơ là con đường đưa thẳng vào tình cảm, từ trái tim nhà thơ đến với trái tim người đọc.
- Giải thích nguyên nhân thành công của sáng tạo thơ ca, Nguyễn Đình Thi ghi nhận, có lẽ không ngoài hai yếu tố: tài năng thiên bẩm của một người trực tiếp sáng tạo thơ bàn về thơ và tri thức về thơ được tích luỹ qua quá trình học tập, nghiên cứu bền bỉ.
c) Tác giả quan niệm thơ là tổng hợp, kết tinh. Văn xuôi cho phép không mười phần hoàn hảo, nhưng thơ thì luôn luôn đòi hỏi sự toàn bích.
d) Về thơ tự do, thơ không vần, Nguyễn Đình Thi có một số quan niệm rất mới, có thể nói là rất táo bạo trong bối cảnh lúc bấy giờ: “không có vấn đề thơ tự do, thơ có vần và thơ không cần. Chỉ có thơ thực và thơ giả, thơ hay và thơ không hay, thơ và không thơ”. Điều này là một sự “phá cách” đối với thơ truyền thống.
e) - Bằng một hệ thống lập luận chặt chẽ, cách đưa dẫn chứng, cách sử dụng hình ảnh, từ ngữ tài tình, Nguyễn Đình Thi đã đưa ra những suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về thơ và đặc trưng của thơ ca. Ông cho rằng “một thời đại mới của nghệ thuật thường bao giờ cũng tạo ra một hình thức mới”. Đa số các thời đại mới của nghệ thuật đều sáng tạo ra hình thức mới của riêng chúng .
- Những quan niệm của tác giả đến nay vẫn còn giá trị bởi ý nghĩa thời sự, tính chất khoa học đúng đắn, gắn bó chặt chẽ với cuộc sống và thực tiễn sáng tạo của thi ca.
Trả lời câu 1 (trang 60 SGK Ngữ văn 12, tập 1)
Nguyễn Đình Thi lí giải về đặc trưng cơ bản nhất của thơ là biểu hiện tâm hồn con người:
- Đặt vấn đề bằng một câu hỏi tu từ mang tính khẳng định: Đầu mối của thơ… chăng?
- Lí giải bằng lộ trình làm thơ: từ rung động thơ (tâm hồn ra khỏi tình trạng bình thường, tự soi vào nó, ở trong rung động khác thường) xuất hiện do va chạm với thế giới bên ngoài.
=> Làm thơ, dùng lời và những dấu hiệu thay cho lời để thể hiện tâm trạng khác thường.
=> Truyền cảm hứng cho người đọc, nhận được sự cộng hưởng, cộng cảm.
Trả lời câu 2 (trang 60 SGK Ngữ văn 12, tập 1)
Tác giả giới thiệu về các yếu tố đặc trưng khác của thơ như sau:
- Hình ảnh: phải là hình ảnh thực nảy lên trong tâm hồn khi ta sống trong một cảnh huống/một trạng thái nào đó, đụng chạm với hành động hàng ngày… kết nên một bó sáng, đó là hình ảnh thơ.
- Tư tưởng: nằm ngay trong cảm xúc, gắn liền với cuộc sống, ở trong cuộc sống.
- Cảm xúc: là yếu tố quan trọng nhất để có thơ, cảm xúc là phần thịt xương hơn cả của đời sống tâm hồn.
- Cái thực: là tìm được những hình ảnh sống, những hình ảnh có sức lôi cuốn và thuyết phục người đọc, là sự thành thực của ý nghĩ, tình cảm đang diễn ra trong lòng.
Trả lời câu 3 (trang 60 SGK Ngữ văn 12, tập 1)
Bàn về ngôn ngữ thơ:
- Theo tác giả, so với ngôn ngữ các thể loại văn học khác thì ngôn ngữ thơ đặc biệt vì:
+ Ngoài giá trị ý niệm, biểu đạt ý nghĩa khách quan thì ngôn ngữ thơ có sức biểu cảm, sức gợi kì diệu, gọi đến xung quanh nó những cảm xúc, những hình ảnh không ngờ.
+ Điều đó có trong nhịp điệu của thơ, nhịp điệu đến từ lời thơ và đến từ hình ảnh, tình ý, cảm xúc.
- Về thơ tự do, thơ không vần, tác giả cho rằng không có vấn đề thơ tự do, thơ có vần và thơ không có vần mà chỉ có thơ thực và thơ giả, thơ hay và thơ không hay, thơ và không thơ.
=> Điều quan trọng là thơ phải nói lên được những tình cảm, tư tưởng mới của thời đại, diễn tả được đúng tâm hồn con người mới ngày nay.
Trả lời câu 4 (trang 60 SGK Ngữ văn 12, tập 1)
Nghệ thuật đặc sắc của bài tiểu luận:
- Văn phong gần gũi, thân tình, chia sẻ tâm huyết, quan niệm và tình cảm chân thành với những người đồng nghiệp về thơ ca.
- Nghệ thuật lập luận hấp dẫn: hệ thống luận điểm chặt chẽ tiến bộ, trải nghiệm sâu sắc, tư duy sắc bén, hình ảnh sống động, từ ngữ sắc sảo, dẫn chứng giàu sức lay động.
- Kết hợp nhuần nhuyễn chính luận và trữ tình, nhiều câu nhiều đoạn mềm mại, giàu chất thơ.
Trả lời câu 5 (trang 60 SGK Ngữ văn 12, tập 1)
Quan niệm về thơ của Nguyễn Đình Thi vẫn còn giá trị đến ngày nay vì:
- Sự đúng đắn trong nội dung tư tưởng.
- Sự hấp dẫn trong nghệ thuật biểu đạt (tiểu luận vẫn còn giá trị thời sự, tính khoa học đúng đắn, sự lí giải hấp dẫn, đi vào bản chất của thơ và làm mối quan hệ chặt chẽ của thơ với cuộc sống).