Bài soạn "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm số 1
I. Đôi nét về tác giả Nguyễn Khoa Điềm
- Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943
- Quê quán: thôn Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điềm, tỉnh Thừa Thiên-Huế trong một gia đình trí thức có truyền thống yêu nước và cách mạng
- Năm 1955, Nguyễn Khoa Điềm ra Bắc học tại trường học sinh miền Nam
- Sau khi tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, ông về Nam hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên thành phố, xây dựng cơ sở cách mạng, viết báo, làm thơ..
- Sau ngày thống nhất đất nước, ông tiếp tục hoạt động chính trị và văn nghệ ở Thừa Thiên – Huế
- Năm 2000, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật
- Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ các nhà thơ trong thời kì kháng chiến chống Mĩ, cứu nước
- Tác phẩm chính: Đất ngoại ô, Mặt đường khát vọng, Ngôi nhà có ngọn lửa ấm, Thơ Nguyễn Khoa Điềm, Cõi lặng
- Phong cách thơ: sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người tri thức về đất nước, con người Việt Nam
II. Đôi nét về tác phẩm Đất nước
1. Hoàn cảnh ra đời
- Trường ca Mặt đường khát vọng được tác giả sáng tác năm 1971 tại chiến khu Trị - Thiên, viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị vùng tạm chiến miền Nam về non sông, đất nước, về sứ mệnh của thế hệ mình, xuống đường đấu tranh hòa nhịp với cuộc chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược.
- Đoạn trích “Đất nước” thuộc phần đầu chương V của trường ca
2. Bố cục (2 phần)
- Phần 1 (từ đầu đến “Làm nên đất nước muôn đời”): Đất nước bình dị, gần gũi được cảm nhận từ nhiều phương diện của đời sống
- Phần 2 (còn lại): Tư tưởng đất nước của nhân dân
3. Giá trị nội dung
Đoạn trích thể hiện những cảm nhận mới mẻ của tác giả về đất nước qua những vẻ đẹp được phát hiện ở chiều sâu trên nhiều phương diện: lịch sử, địa lí, văn hóa... Tư tưởng trọng tâm, bao trùm toàn bộ bài thơ là tư tưởng “Đất nước của nhân dân”
4. Giá trị nghệ thuật
- Giọng thơ trữ tình, chính trị, cảm xúc sâu lắng, thiết tha
- Chất liệu văn hóa, văn học dân gian được sử dụng nhuần nhị, sáng tạo
Câu 1 (trang 122 sgk ngữ văn 12 tập 1)
Bố cục chia làm 2 phần:
+ Phần 1 (từ đầu tới Làm nên Đất Nước muôn đời): Đất nước được cảm nhận trên mọi phương diện văn hóa, phong tục, truyền thống địa lý, lịch sử…
+ Phần 2 (còn lại): Người dân sáng tạo, truyền giữ những giá trị của đất nước
Câu 2 (trang 122 skg ngữ văn 12 tập 1)
Tác giả cảm nhận về đất nước trên những phương diện:
Cảm nhận của tác giả đa dạng, phong phú từ nhiều bình diện
- Chiều dài lịch sử (quá khứ- hiện tại- tương lai):
+ Từ huyền thoại Long Quân, Âu Cơ
+ Nhà thơ nhấn mạnh vào những kiếp người giản dị, bình tâm nhưng lại làm nên đất nước
+ Họ là những người bảo vệ đất nước
+ Họ góp phần to lớn vào thế giới tinh thần và vật chất của đất nước
- Chiều rộng của không gian - địa lí
+ Đất nước không chỉ bó hẹp gia đình mà trải dài theo chiều dài đất nước
+ Đất nước là nguồn cội, không gian gần gũi, gắn bó với đời sống mỗi người
+ Nhập hai từ “đất” và “nước” phù hợp với diễn tả tình ý trong mỗi câu thơ
+ Là nơi sinh tồn bao thế hệ
- Bề dày truyền thống- phong tục, văn hóa, tâm hồn
+ Giữ phong tục, ăn trầu (nét đẹp trong đời sống tinh thần, tình cảm son sắc của người Việt)
+ Truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm
+ Đất nước gắn với truyền thống đạo lí
-> Các phương diện thống nhất, bổ sung lẫn nhau
Câu 3 (trang 122 ngữ văn 12 tập 1)
Tác giả có những nhìn nhận mới mẻ về đất nước, những danh lam thắng cảnh
+ Tác giả dẫn dắt cảm xúc về đất nước: lặp nhiều từ “góp” diễn tả cảm nhận độc đáo của tác giả về thiên nhiên
+ Từ hình dáng tâm hồn đến lối sống của nhân dân đã hóa vào bóng hình đất nước
+ Biểu hiện của đất nước khai thác từ chiều sâu văn hóa dân tộc, từ những điều rất đỗi bình dị của nhân dân
+ Đó là những cảm nhận, chiêm nghiệm, quan sát tinh tế của tác giả
+ Tác giả nâng tầm những suy ngẫm trở thành tư tưởng “đất nước”
- Điều mới mẻ và nổi bật trong thơ chống Mĩ:
+ Nhà thơ khai thác chiều sâu về lịch sử, văn hóa, truyền thống, địa lý.
+ Những phát hiện mới về quan niệm Đất Nước thu hút tình cảm của người nghe
Câu 4 (trang 123 sgk ngữ văn 12 tập 1)
Cách sử dụng chất liệu văn học dân gian của tác giả: ca dao, dân ca, truyền thuyết, phong tục, lối sống…
- Tác giả sử dụng sáng tạo các yếu tố dân gian:
+ Có khi lấy lại từng phần của câu ca dao :con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc
+ Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”
-> Sử dụng ý, hình ảnh, ca dao, truyền thuyết để tạo nên hình tượng mới, vừa gần gũi, vừa mới mẻ