Bài soạn "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi số 3

Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm Đất nước - Nguyễn Đình Thi

1. Tác giả Nguyễn Đình Thi

- Nguyễn Đình Thi (1924 - 2003) là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, soạn nhạc, viết tiểu thuyết, kịch và tiểu luận phê bình; ở thể loại nào cũng có đóng góp. Tuy nhiên, thơ vẫn là thể loại có những thành công nổi bật.

- Thơ Nguyễn Đình Thi có phong cách nghệ thuật độc đáo: như lời nói thường mà dào dạt cảm xúc, vừa tự do phóng khoáng vừa hàm súc sâu lắng suy tư, có những tìm tòi theo xu hướng hiện đại về hình ảnh, nhạc điệu,... về chủ đề “đất nước”, Nguyễn Đình Thi có nhiều bài thơ được bạn đọc ghi nhận, yêu thích như Đất nước, Quê hương Việt Bắc, Quê hương Việt Nam (trong Bài thơ Hắc Hải).

- Có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của văn học Việt Nam hiện đại. Năm 1996, Nguyễn Đình Thi được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.


2. Tác phẩm Đất nước

- Bài thơ Đất nước - Nguyễn Đình Thi được tác giả ấp ủ, thai nghén trong 8 năm (1948 - 1955), gần như suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống Pháp, để đến những ngày chiến thắng kẻ thù, hòa bình lập lại trên miền Bắc nước ta, thì đứa con tinh thần ấy mới ra đời năm 1955.

- Đất nước là một thi phẩm xuất sắc, tiêu biểu nhất cho sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Đình Thi. Bài thơ này có những đoạn lấy từ hai bài thơ Sáng mát trong như sáng năm xưa (1948) và Đêm mít tinh (1949), hoàn thành vào năm 1955 và được đưa vào tập Người chiến sĩ (1956).

- Nội dung chính: Bài thơ thể hiện cảm hứng về đất nước, đó là những suy cảm về một đất nước giàu đẹp, hiền hòa, về lịch sử cách mạng của một đất nước đau thương, lầm than đã đứng lên anh dũng chiến đấu và chiến thắng anh hùng.

- Bố cục bài thơ Đất nước - Nguyễn Đình Thi chia làm 2 phần:

+ Phần 1: từ đầu đến “... Những buổi ngày xưa vọng nói về”: Cảm xúc của nhà thơ trước sự thay đổi của mùa thu đất nước.

+ Phần 2: còn lại → Hình ảnh đất nước trong cuộc kháng chiến: từ trong đau thương, căm hờn đã đứng lên bất khuất, anh hùng.


Bài 1 trang 126 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Theo anh/chị, nên chia bài thơ thành mấy phần? Nêu ý nghĩa của mỗi phần và giải thích quan hệ giữa các phần.
Trả lời:
a. Bố cục: 2 phần:
- Phần 1: Từ đầu đến câu “Những buổi ngày xưa vọng nói về".
=> Ý nghĩa: Cảm xúc của nhà thơ trước sự thay đổi của mùa thu đất nước.
- Phần 2: Đoạn còn lại
=> Ý nghĩa: Hình ảnh đất nước vươn dậy từ trong máu lửa, đau thương,
b. Mối quan hệ giữa các phần: Đó là quan hệ bổ sung cho cảm hứng tổng hợp về đất nước thêm đầy đủ và phong phú hơn.
- Đoạn 1 gồm các khổ thơ, ý thơ đã được hình thành từ trước (1948 - 1949), nhưng tác giả cảm thấy chưa đầy đủ, chưa phong phú.
- Đoạn 2 là những cảm nhận bổ sung, giàu tính khái quát, cho ta thấy hình ảnh đất nước Việt Nam không chỉ có cộng đồng, những con đường hay “những dòng sông nước chảy nặng phù sa"... mà còn là một đất nước vươn lên từ trong gian khổ, chiến tranh:
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy, sáng loà.

Bài 2 trang 126 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Hình ảnh mùa thu Hà Nội trong hoài niệm của nhà thơ hiện ra với những điểm gì đặc sắc?
Trả lời:
3 câu thơ đầu: là cảm xúc trực tiếp trong một buổi sáng mùa thu, gợi nỗi nhớ thu xưa (3 dòng đầu của bài thơ): không khí mát trong, gió thu thổi nhẹ (giống thu xưa) chỉ có “hương cốm mới” có thể là tưởng tượng nhưng đó lại là bằng chứng cho thấy nhà thơ rất nhớ mùa thu Hà Nội. Bởi lẽ ai đã từng sống ở Hà Nội thì không thể quên “hương cốm mới”, một hương vị rất đặc trưng của thu Hà Nội.
4 câu thơ tiếp theo: “Những ngày thu đã xa” nhưng hình ảnh và cảm xúc vẫn còn in đậm trong nỗi nhớ của tác giả:
Chủ thể trữ tình trong cảnh thu Hà Nội xưa là người giã từ Hà Nội ra đi kháng chiến. Người ra đi có cái dứt khoát của một sự tự chủ, một quyết tâm (biểu hiện qua tư thế “đầu không ngoảnh lại”) nhưng không phải vì thế mà không lưu luyến và cả một thoáng buồn.
Mùa thu Hà Nội hiện ra trong hoài niệm của nhà thơ với những cảm giác rất tinh tế: Thời tiết vào thu “chớm lạnh”, cái lạnh tạo cảm giác mát mẻ nhưng cũng gợi bao nỗi niềm, không gian tĩnh vắng, phảng phất buồn, phố xá, “xao xác” hắt hiu bởi gió heo may đã về. Thu buồn nhưng vẫn đẹp với sắc vàng muôn thuở của nắng, của lá rơi đầy thềm nhà, hè phố.
Bốn câu thơ đã thể hiện được hồn thu Hà Nôi: thật đẹp, thật gợi cảm trong cái buồn hắt hiu, vắng lặng của Hà Nội những năm bị giặc chiếm đóng.
==> Như vậy, đoạn thơ đã diễn tả thành công hình ảnh mùi hương của mùa thu Hà Nội. Đó là một bức tranh đẹp nhưng phảng phất nỗi buồn.

Bài 3 trang 126 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Phân tích đoạn thơ từ "Mùa thu nay khác rồi "đến "Những buổi ngày xưa vọng nói về".
Trả lời:
- Đoạn thơ từ “Mùa thu nay khác rồi" đến “Những buổi ngày xưa vọng nói về" thể hiện những thay đổi, biến chuyển.
- Nhân vật “tôi" thay đổi từ trạng thái buồn, bâng khuâng, lưu luyến đến vui sướng, tự hào.
- Cái nhìn thay đổi từ đường phố, thềm nhà sang núi đồi, rừng tre, trời xanh, cánh đồng, dòng sông.
- Cảm xúc của tác giả hân hoan, hả hê trước cảnh đất nước rộng lớn:
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha
- Tác giả chuyển sang cảm xúc tự hào về chủ quyền đất nước và truyền thống bất khuất của cha ông:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta ...
Những buổi ngày xưa vọng nói về
- Cảm hứng vui sướng và tự hào sở dĩ có được là do tình hình thực năm 1948. Sau chiến thắng Việt Bắc thu - đông năm 1947, cả một vùng đất rộng lớn thuộc sáu tỉnh biên giới phía Bắc được giải phóng. Điều đem lại cảm hứng tin tưởng, tự hào của các nhà thơ đi theo kháng chiến (đoạn thơ này được hình thành từ năm 1948 trong bài Sáng mát trong như sáng năm xưa).
- Khi thể hiện cảm hứng tự hào, tác giả đã có những khám phá sâu về truyền thống. Đất nước - Nguyễn Đình Thi nổi bật lên ở truyền thống bất khuất:
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về
Đó là hai đặc tính quý báu của dân tộc ta anh hùng bất khuất và giản dị chất phác.
Có thể bạn quan tâm: Bình giảng 4 khổ đầu bài Đất nước - Nguyễn Đình Thi

Bài 4 trang 126 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Nguyễn Đình Thi đã cảm nhận và suy tư như thế nào về quê hương đất nước trong phần 2?
Trả lời:
Phần 2 của bài thơ chuyển hướng suy tư và cảm nhận về đất nước. Tác giả cố gắng tạo dựng hình ảnh đất nước đau thương nhưng anh dũng vươn lên từ trong đau khổ và hi sinh.
- “Ôi những cánh đồng quê chảy máu... nhớ mắt người yêu": là khổ thơ nói về đất nước đau thương trong vòng dây thép gai của địch và hình ảnh con người Việt Nam anh dũng và lãng mạn (như cách nói của Tố Hữu “Biết cảm thụ và biết yêu thương").
- "Từ những đau thương chiến đấu... Lòng dân ta yêu nước thương nhà" là khổ thơ nói về sự căm hờn đối với quân cướp nước và bè lũ bán nước, cũng như tinh thần đấu tranh, lòng “yêu nước thương nhà" của nhân dân ta.
- “Khói nhà máy... ánh bình minh" là hai khổ thơ suy ngẫm về đất nước từ thời điểm hiện tại ("ôm đất nước những người áo vải" - "Đã đứng lên thành những anh hùng") và nhiều hi sinh ("Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh"). Tâm trạng của tác giả tràn ngập niềm vui và niềm tin tưởng ("Lòng ta bát ngát ánh bình minh")
- Khổ thơ kết tạo dựng một hình ảnh ước lệ rất hùng tráng về đất nước, con người Việt Nam:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà
Hai câu đầu gợi lại hình ảnh quần chúng nhân dân xông lên cướp chính quyền trong Cách mạng tháng Tám; hai câu nói là biểu tượng rực rỡ về đất nước, con người Việt Nam qua cảm nhận và suy ngẫm của nhà thơ.
Trong lời thơ, nhịp thơ, như có tiếng ào ạt của bước chân ra trận, sự sục sôi của ý chí quyết chiến, quyết thắng. Hình ảnh đất nước đi lên từ nô lệ đến tự do, từ lầm than đến quyết thắng, từ bóng tối đến ánh sáng, từ nỗi đau đến niềm vui được tác giả miêu tả qua những lời thơ đầy kiêu hãnh, tự hào. Đất nước vụt lớn, đứng dậy trong hào hùng, vinh quang. Câu thơ tràn ngập âm hưởng sử thi, giàu sắc thái thần thoại, huyền thoại.

Bài 5 trang 126 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Anh chị nhận xét như thế nào về độ dài ngắn của các câu thơ, cách chọn lựa hình ảnh và nhịp điệu trong bài thơ? Cách viết như vậy có tác dụng gì?
Trả lời:
Bài thơ được làm theo thể thơ tự do với các đặc điểm: câu thơ dài ngắn khác nhau, nhịp điệu khi nhanh, khi chậm. Kết hợp với việc lựa chọn sử dụng những hình ảnh có tính khái quát cao phù hợp với việc diễn tả nội dung tư tưởng và mạch cảm xúc của tác giả.
Tác dụng:
- Giúp tác giả dựng được một bức tượng đài đẹp đẽ, sống động về hình ảnh đất nước trong chiến đấu và chiến thắng.
- Gợi được cảm nhận rõ ràng về sự chiến thắng của dân tộc: Chiến thắng ấy là kết quả của bao nhiêu máu đổ, bao nhiêu mồ hôi và nỗi đau vò xé; chiến thắng ấy cũng là kết tinh cao nhất của tình yêu, của tinh thần chiến đấu và khát vọng hoà bình sâu thẳm.
- Tạo được cảm hứng hào hùng cho khúc tráng ca của dân tộc từ nô lệ đến tự do, từ buồn thương đến mừng vui, hạnh phúc. Đây chính là sự vận động đẹp đẽ, sâu sắc trong tứ thơ của Nguyễn Đình Thi.

TỔNG KẾT

Đất nước là bài thơ hay nhất của đời thơ Nguyễn Đình Thi. Bài thơ tiêu biểu cho cái nhìn của ông về đất nước: mang vẻ đẹp trong sự đau thương.
Bài thơ là sự kết hợp hai bài thơ Đêm mít tinh và Sáng mát trong như sáng năm xưa với thái độ trân trọng, một cái nhìn đầy đủ về hình ảnh đất nước. Đất nước thực sự là cuốn biên niên sử bằng thơ hào hùng, oanh liệt, vinh quang và rực rỡ của dân tộc.

Ảnh minh họa (Nguồn itnernet)
Ảnh minh họa (Nguồn itnernet)

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |