Bài soạn "Con cò" số 4
I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Chế Lan Viên (1920 - 1989) tên khai sinh là Phan Ngọc Hoan, quê ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, nhưng lớn lên ở Bình Định. Trước Cách mạng, Chế Lan Viên đã nổi tiếng trong phong trào Thơ mới với tập Điêu tàn (1937). Sau đó, ông theo cách mạng và kháng chiến. Chế Lan Viên là một trong những tên tuổi hàng đầu của nền thơ Việt Nam hiện đại. Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
2. Bài thơ Con cò được sáng tác năm 1962, in trong tập Hoa ngày thường - Chim báo bão (1967) của Chế Lan Viên.
3. Khai thác hình tượng con cò trong những câu hát ru, Chế Lan Viên ca ngợi tình mẹ và ý nghĩa của lời ru đối với cuộc sống của con người. Bài thơ thành công trong việc vận dụng sáng tạo ca dao, có những câu thơ đúc kết những suy ngẫm sâu sắc.
II - HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN
Câu 1. Bài thơ phát triển từ hình tượng con cò trong những câu hát ru. Con cò trong ca dao là hình ảnh thiên nhiên, hình ảnh người nông dân, người phụ nữ trong cuộc sống cần cù, vất vả. Chế Lan Viên chỉ khai thác hình ảnh con cò là biểu trưng cho tấm lòng của mẹ và những lời hát ru.
Câu 2. Bài thơ được chia làm ba đoạn :
Đoạn 1 : Hình ảnh con cò trong những câu ca dao đến với em bé qua những lời ru của mẹ.
Đoạn 2 : Hình ảnh con cò theo em nhỏ trên suốt chặng đường đời.
Đoạn 3 : Từ hình ảnh con cò, suy ngẫm và triết lí về ý nghĩa của lời ru và lòng mẹ đối với cuộc đời của mỗi con người.
Ý nghĩa biểu trưng của con cò có sự phát triển : con cò trong lời ru (đoạn 1) biến thành con cò mang tình cảm của mẹ mãi dõi theo bước chân con (đoạn 2) và trở thành biểu tượng cho lời ru, cho lòng mẹ theo con suốt đời. Con cò trong lời hát thành con cò nâng đỡ, dìu dắt con ; thành con cò đồng hành với con suốt đời trong một tình yêu thiêng liêng, cao cả.
Câu 3. Những câu ca dao đã được vận dụng trong bài thơ :
- Con cò bay lả, bay la,
Bay từ cổng phủ bay ra cánh đồng.
Con cò bay lả, bay la,
Bay từ cửa phủ bay về Đồng Đăng.
- Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi ông vớt tôi nao,
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng.
Tác giả không đưa cả câu ca dao vào thơ mà chỉ lấy một vài từ, cụm từ để gợi không gian và sự êm đềm của hình ảnh con cò bay lả bay la. Với bài ca dao sau về con cò ăn đêm, tác giả cũng chỉ lấy những từ cơ bản để nói về sự vất vả, nguy hiểm của con cò ăn đêm, gợi nhớ sự lận đận, nhọc nhằn của những người mẹ. Đây là sự vận dụng ca dao một cách độc đáo, sáng tạo.
Câu 4. Con dù lớn vẫn là con của mẹ,
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.
Đây là câu thơ khái quát tình yêu mà mẹ dành cho con. Con dù lớn thế nào, vẫn là người con bé nhỏ của mẹ, vẫn cần được chăm sóc, chở che. Tình mẹ sẽ theo con suốt cuộc đời.
Một con cò thôi,
Con cò mẹ hát
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi.
Bài hát của mẹ có hình ảnh những con cò trong ca dao. Nhưng con cò đã vượt lên trên những hình ảnh thông thường, trở thành biểu tượng của tình cảm. Cò dẫn con đi học, cò bay mãi trong câu văn con viết, cò theo con suốt đời. Con cò là hình ảnh cuộc đời vỗ cánh qua nôi, là cuộc đời mẹ và cũng là cuộc đời bao bà mẹ thương con.
Câu 5. Thể thơ của bài Con cò là thơ tự do, tác giả dễ dàng thể hiện những biến đổi của cảm xúc. Tuy vậy, sự lặp lại lời ru : "Ngủ yên ! Ngủ yên việc đưa lời ru à ơi tạo cho bài thơ có âm hưởng lời hát ru. Nhưng đây không phải là bài hát ru theo kiểu hát, mà lời ru gợi ra những suy ngẫm, triết lí, nên không cuốn người ta vào giai điệu đều đều, êm ái mà hướng tâm trí vào suy ngẫm, chiêm nghiệm. Điều đó làm cho việc thể hiện cảm xúc đa dạng, nhất quán và sáng tạo.