Bài soạn "Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra" số 2
I. Tác giả
- Trần Nhân Tông (1258 - 1308) tên thật là Trần Khâm, con trưởng của Trần Thánh Tông.
- Ông nổi tiếng là một vị vua yêu nước, anh hùng, nổi tiếng khoan hòa, nhân ái đã cùng vua cha lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống giặc Mông - Nguyên thắng lợi vẻ vang.
- Trần Nhân Tông theo đạo Phật, đến năm 1299 ông về tu ở chùa Yên Tử (thuộc tỉnh Quảng Ninh ngày nay) và trở thành vị tổ thứ nhất của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
- Trần Nhân Tông không chỉ là một vị vua mà còn là một nhà văn hóa, một nhà thơ tiêu biểu của thời Trần.
II. Tác phẩm
- Bài thơ Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra được sáng tác trong dịp Trần Nhân Tông về thăm quê cũ ở Thiên Trường (thuộc tỉnh Nam Định ngày nay).
- Bố cục: 2 phần
Phần 1. Hai câu đầu. Cảnh sắc thiên nhiên ở phủ Thiên Trường.
Phần 2. Hai câu sau. Sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên.
III. Trả lời câu hỏi
Câu 1. Về thể thơ, bài Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra giống với bài thơ nào đã học? Hãy nêu một số đặc điểm của thể thơ đó và chỉ rõ những đặc điểm ấy đã thể hiện ở bài thơ này như thế nào?
- Về thể thơ, bài Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra giống với bài thơ Nam quốc sơn hà.
- Đặc điểm: Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt (4 câu, mỗi câu 7 chữ)
Cách gieo vần: Các câu 1, 2, 4 hoặc 2, 4 hiệp vần với nhau ở chữ cuối.
Ngôn ngữ: cô đọng, hàm súc.
- Đặc điểm trong bài thơ:
Cách gieo vần: Các câu 1, 2, 4 hiệp vần với nhau (yên, biên, điền)
Ngôn ngữ: Chỉ bằng một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt tác giả đã diễn tả được cảnh sắc vùng quê trầm lặng nhưng không đìu hiu mà vẫn có sự sống của con người, đồng thời bộc lộ tình yêu quê hương sâu đậm.
Câu 2. Cụm từ nửa như có nửa như không (bán vô bán hữu) có nghĩa là gì? Hãy hình dung quang cảnh được gợi lên ở câu thơ thứ hai này.
- Bán vô bán hữu (nửa có nửa như không) gợi sự mờ ảo, thực đấy mà ảo đấy khiến cho người đọc không rõ cảnh tượng này là mơ hay là thực.
- Khung cảnh được gợi lên trong câu thơ thứ hai: toàn bộ không gian làng quê đều chìm trong làn sương mờ ảo, cảnh tượng tạo nên một khung cảnh mơ hồ, tựa như một bức tranh chứ không có thật.
Câu 3. Trong bài thơ, cảnh vật được miêu tả vào thời điểm nào trong ngày và gồm những chi tiết gì? (Về ánh sáng, âm thanh, màu sắc và cảnh vật)
- Cảnh vật được miêu tả vào buổi chiều tà - thời điểm dần kết thúc của một ngày.
- Cảnh vật đó gồm:
Ánh sáng: ánh mắt trời đã tắt, chỉ còn lại bóng chiều man mác.
Âm thanh: tiếng sáo của mục đồng
Màu sắc: đôi cò trắng, khung cảnh sương khói mờ ảo.
Cảnh vật: thôn xóm mờ ảo, mục đồng dẫn trâu về.
Câu 4. Qua các nội dung được miêu tả trong bài thơ, em có những cảm nhận gì trước cảnh tượng buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường về tâm trạng của tác giả trước cảnh tượng đó?
- Cảm nhận về cảnh tượng: yên bình và thơ mộng
- Tâm trạng của tác giả: Nhà thơ đang chìm đắm vào khung cảnh thiên nhiên của làng quê và nhớ về những kỉ niệm tuổi thơ.
Câu 5. Sau khi hiểu được giá trị của bài thơ, em có thêm suy nghĩ gì khi nhớ rằng tác giả là một ông vua chứ không phải là một người dân quê? Từ đó, em có thể nói gì nữa về thời nhà Trần trong lịch sử nước ta?
- Nhà vua thường chỉ sống trong cung đình, ít khi đến với những vùng nông thôn dân dã. Vì thế, chúng ta cảm thấy cảm phục tấm lòng yêu quê hương của Trần Nhân Tông.
- Thời đại nhà Trần không chỉ ba lần đánh bại quân Nguyên - Mông giành lại sự bình yên cho nhân dân, đất nước. Mà còn có những vị vua tốt yêu nước thương dân.
II. Luyện tập
Gợi ý:
Khi bóng chiều đổ xuống cũng là lúc những chú bé mục đồng dẫn trâu trở về làng. Từng đàn trâu nối nhau bước đi lặng lẽ trên con đê xanh mướt cỏ. Tiếng sáo du dương bay khắp không gian. Phía xa xa, trên bầu trời, đàn cò trắng bay về tổ sau một ngày kiếm ăn vất vả. Cảnh vật làng quê nhuốm màu hoàng hôn trông thật mờ ảo, đẹp tựa như một bức tranh của một họa sĩ nào đó.